Từ trước đến nay có khá nhiều tác phẩm đưa vào sách giáo khoa song bị nhiều người cho là không nên vì có nhiều yếu tố phản cảm, gây tranh cãi. Từ các truyện dân gian như Tấm Cám, Trí khôn của tao đây cho đến các đoạn trích nhạy cảm của Truyện Kiều (Nguyễn Du), tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng… Cách đây khá lâu, có ý kiến của một học sinh lớp 11 cho rằng không nên đưa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu vào nhà trường vì nhiều từ ngữ cổ khó hiểu, vì đau buồn, vì không hợp thời với các em...
“Tái sinh” tác phẩm văn học: Nhiệm vụ của người dạy
Trong những tình huống này, vai trò người cầm lái - những người biên soạn các câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa, cũng như sự dẫn dắt của giáo viên trực tiếp giảng dạy, nhằm gợi mở để học sinh tìm hiểu tác phẩm theo hướng tích cực, phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại là vô cùng quan trọng.
Có thể nói, cách định hướng để tìm hiểu những giá trị tác phẩm văn học của chúng ta qua bao thập kỷ qua chưa có nhiều đổi mới đột phá. Vì thế khi tìm hiểu tác phẩm, người dạy và người học vẫn bị giới hạn ở các mặt như: chủ nghĩa yêu nước ở đâu, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo thế nào, bênh vực ai, phê phán gì? Cho nên đa phần các tác phẩm bị “đóng khung” trong một giới hạn tìm hiểu.
Với mọi tác phẩm, ngoài giá trị ổn định có tính bất biến về nội dung và nghệ thuật gắn liền với lịch sử, thời đại thì việc dạy và học văn cần có thêm một nhiệm vụ nữa là: làm sống dậy nó trong lòng người đọc đương đại.
tin liên quan
Tác giả đề xuất không dạy ‘Chí Phèo’ không phủ nhận giá trị của tác phẩmĐi tìm ý nghĩa giáo dục của tác phẩm Chí Phèo
Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, bị chuyền qua nhiều tay người nuôi, thế mà khi lớn lên, năm 20 tuổi, Chí vẫn lành vững, trong sạch: làm một anh canh điền tốt bụng, ghét cái gian dâm và giàu ước mơ, khát khao hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Ngay cả ngày nay, bao số phận không được may mắn như Chí mà có được mấy người trụ vững được tâm hồn thiên lương. Nhiều người khi sa đà vào lối sống trụy lạc thì thường vin vào lẽ nọ lý kia của hoàn cảnh để tìm muôn cách đổ thừa, và cứ thế càng trượt dài hơn. Chí Phèo đã cho họ bài học về nghị lực: phải biết vựợt qua nghịch cảnh để sống đàng hoàng, tử tế!
Vì nhiều lý do đưa đẩy, Chí Phèo bị ghen, vào tù, bị biến chất, bị tha hóa, trở thành kẻ lưu manh, thành con quỷ dữ của cả xã hội. Anh triền miên trong những cơn say, biến dạng cả mặt mày, tăm tối cả linh hồn cho quỷ sứ. Thế nhưng, thử hỏi, có được mấy người như Chí về sự ý thức được hòa nhập với cộng đồng xã hội, khát khao như Chí vì được biết tường tận về nguồn gốc họ hàng của mình từ đâu. Đọc báo ngày nay mà thấy có quá nhiều câu chuyện nhói lòng về nhân tình thế thái, nhức nhối về tình nghĩa phu thê, và tái tê với đạo nhà phụ tử…
Và ngay cả Chí nữa, khi đã thành quỷ, bị tước mất hết quyền làm người lương thiện, từ trong sâu thẳm bản thân, tiếng nói lương tri đã thúc giục anh đi đòi cho được. Đủ thấy rằng khát khao làm người tử tế của Chí là rất lớn.
Bình luận (0)