Tác giả đề xuất không dạy ‘Chí Phèo’ không phủ nhận giá trị của tác phẩm

07/12/2017 09:04 GMT+7

Trả lời báo Thanh Niên , anh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định mình không hề phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chí Phèo”, mà chỉ mong các nhà biên soạn sách giáo khoa có cái nhìn thấu đáo khi chọn tác phẩm đưa vào nhà trường.

Anh Hiền chia sẻ: "Nhiều độc giả hiểu sai ý tôi. Tôi hoàn toàn không có ý định phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chí Phèo”, tôi không phủ nhận thành công của nhà văn Nam Cao khi đã khắc họa được một nhân vật điển hình kinh điển vào lịch sử văn học Việt Nam".
Vấn đề ở chỗ, liệu có phải tất cả những tác phẩm văn học kinh điển thì đều có thể mang vào trường phổ thông để dạy cho học sinh? Câu trả lời theo tôi là không. Việc đưa một tác phẩm nào vào nhà trường để dạy cho học sinh cũng đều cần có sự chọn lọc phù hợp với mục tiêu giáo dục, đồng thời phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Như vậy thì chúng ta mới cần đến các nhà chuyên môn để biên soạn sách giáo khoa. Chứ nếu cứ hễ là tác phẩm kinh điển, xuất sắc về giá trị nghệ thuật, là cho rằng đủ điều kiện để đưa vào dạy cho học sinh, thì đâu cần đến các nhà chuyên môn!
Trong bài viết của mình, tôi, với tư cách là một người làm việc, nghiên cứu về giáo dục, chia sẻ quan cá nhân mình là nên cân nhắc kỹ việc có nên tiếp tục giữ để dạy cho học sinh hay không tác phẩm này, khi mà bản thân tác nó có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh! 
De-xuat-khong-day-chi-pheo-o-pho-thong
Anh Nguyễn Sóng Hiền Ảnh NVCC
       

Tại sao anh lại thấy cần phải đặt vấn đề đó ra với tác phẩm “Chí Phèo”?
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà bạo lực học đường, hiếp dâm, cướp bóc, giết người, cướp của... không còn là những hiện tượng lác đác hay có tính cá biệt. Thậm chí, nhiều thủ phạm gây ra những vụ việc đau lòng là trẻ vị thành niên.
Để giải quyết vấn đề này, vai trò của giáo dục nhà trường rất quan trọng. Tôi đồng ý chúng ta dạy cho học sinh lòng trắc ẩn, thái độ xót thương, sự thông cảm, sẻ chia với những thân phận người, nhưng chúng ta cũng phải giáo dục các em là không được phép phạm pháp dù trong bất kỳ cảnh ngộ nào.
Trong khi đó, nhân vật Chí Phèo dù rất đáng thương, dù rất đáng được cảm thông, nhưng lại có những hành vi phạm pháp mà xã hội chúng ta ngày nay lên án kịch liệt.
Chúng ta cần phải hình dung đối tượng được tiếp cận tác phẩm này là những em học sinh lớp 11, những người đang ở lứa tuổi vị thành niên.
Về góc độ xã hội, trẻ ở lứa tuổi này nhận thức xã hội chưa đầy đủ, các em tiêm nhiễm những cái xấu nhanh hơn những cái tốt. Tất nhiên có những em ngoan, giỏi, sớm có những suy nghĩ sâu sắc, nhưng các em là số ít. Số còn lại rất đông là “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Trong khi đó năng lực của đội ngũ giáo viên môn văn ở THPT của chúng ta không đồng đều. Những thầy cô có năng lực truyền tải được đầy đủ ý nghĩa nhất, trọn vẹn nhất của giá trị nội dung và nghệ thuật của Chí Phèo cho các em là không nhiều. Các em sẽ chỉ thấy Chí say rượu, đập phá, xin đểu, cưỡng hiếp phụ nữ, giết người, tự sát… mà vẫn đáng thương, vẫn đáng được cảm thông, thậm chí còn được ngợi ca.
Các giáo viên dạy văn, rồi tôi, bạn, và nhiều người lớn khác hiểu các nhà phê bình văn học ngợi ca cái khát vọng lương thiện tiềm ẩn trong con người Chí, nhưng học sinh thì mấy em thực sự hiểu điều đó ngoài những em học giỏi văn? Còn phần lớn các em sẽ chỉ nhận thức một cách hời hợt về tác phẩm như tôi nói ở trên.
Và anh thấy những hời hợt đó là nguy cơ “đe dọa” giáo dục?
Đúng rồi. Hậu quả của những nhận thức hời hợt khó tránh khỏi đó là những suy nghĩ đơn giản về “đấu tranh” giai cấp, về chống lại sự áp bức, chống lại cường quyền, về cách để làm người lương thiện. Khi các em cũng cảm thấy bị “áp bức”, các em cũng sẽ hành động thế hay sao? Đúng vậy, sẽ nhiều em thấy có thể tự giải quyết vấn đề của mình theo cách tiêu cực giống như Chí Phèo, và tự biện minh bằng lý do “hoàn cảnh xô đẩy”. Suy đoán này là hợp lý với tâm lý trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Người lớn thì có thể nhận thức được những sự việc xã hội phức tạp, để có những lựa chọn “thấu tình, đạt lý”, trong những khoảnh khắc quyết định. Nhưng không vì thế mà chúng ta dùng cách nghĩ và tư duy của người lớn để áp đặt cho con trẻ, nghĩ rằng tất yếu các em sẽ nhận thức giống chúng ta.
Ngoài tác phẩm “Chí Phèo” ra, anh còn thấy có những tác phẩm nào mà các nhà biên soạn sách giáo khoa nên “cảnh giác” trong quá trình lựa chọn để đưa vào dạy trong nhà trường cho học sinh?
Thành thật mà nói, tôi không phải là một chuyên gia về chương trình giáo dục phổ thông, tôi cũng không nghiên cứu về chương trình môn văn, nên cũng không có đề xuất tổng thể nào. Tôi chỉ là một người đang nghiên cứu về giáo dục, trước đây đã từng công tác ở một cơ sở giáo dục nghề, từng suy nghĩ trăn trở về tính giáo dục của một tác phẩm văn học cụ thể là “Chí Phèo”, và thấy góc nhìn của mình với tác phẩm này là mới, nên mới viết bài nêu ý kiến.
Thông điệp của tôi là qua một tác phẩm cụ thể đó để đề xuất các nhà chuyên môn khi lựa chọn một tác phẩm văn học để đưa vào nhà trường cần có một cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn. Khi lựa chọn tác phẩm để đưa vào nhà trường, chúng ta không chỉ xem xét ở khía cạnh nghệ thuật, mà cần phải xem xét tâm lý lứa tuổi, để cân bằng với mục tiêu giáo dục chung của từng cấp học. Chẳng hạn như với “Chí Phèo” tôi thấy đưa vào giảng dạy đại trà với các em học sinh lớp 11, là không phù hợp về tâm lý lứa tuổi, nên hệ lụy sẽ là lợi bất cập hại về mặt giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta có thể giới thiệu nó như một tác phẩm để tham khảo với một số học sinh giỏi văn, hoặc đưa vào giảng dạy ở bậc học cao hơn.
 "Một số người cho rằng tôi đã lệch lạc về tư tưởng khi đưa ra quan điểm trái chiều với số đông. Nhưng tôi tin rằng, nền giáo dục thật sự dân chủ là nền giáo dục phải hướng tới sự khai phóng tự do cá nhân, bao gồm cả sự khai phóng về mặt tư duy”.
Anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh về giáo dục ở Trường đại học Newcastle (Australia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.