Thì ra Sĩ Hoàng đang làm một anh nông dân. Anh đang xây dựng khu nhà vườn Long Thuận rộng khoảng 20.000m2 tại Q.9, TP.HCM, nơi từng là đồng ruộng tiếp giáp với sông Sài Gòn.
Anh vừa khánh thành khoảng 10.000m2 công trình với những hạng mục chính như hồ Chân Lạc có sân khấu biểu diễn trên mặt nước, khu thờ Phật, khu nhà nghỉ, khu ẩm thực... Tất cả nằm trong một tổng thể hài hòa giữa cỏ cây hoa lá, được chăm chút kỹ lưỡng bởi một bàn tay tài hoa. Lúa trổ mượt xanh, bầu bí quấn quanh dây, trái con con lắc lỉu, khổ qua, đậu bắp quả to bắt thèm... Rồi đây đó có cả cây mù u, cây đủng đỉnh, cây bình bát, bằng lăng, me keo, mận, ổi... Chính những loài cây dân dã đó gợi lên cảm giác trở về quê cũ, thân thương... Cho nên Sĩ Hoàng gọi nhà vườn của mình là khu du lịch sinh thái, bởi anh lưu giữ được nhiều giống cây gần như tuyệt tích giữa đất Sài Gòn. Mà nếu có, thì đám trẻ bây giờ cũng chẳng hề biết dáng, biết tên. Vì vậy, ngay ngày khánh thành đã có cả trăm em học sinh đến tham quan, sinh hoạt. Sẽ có nhiều người trẻ như thế đến thăm sau này, để biết những cỏ cây xứ mình, để thả hồn với trăng sao mây nước, nhẹ lòng nghe một tiếng chim... Đó là mục tiêu của Sĩ Hoàng.
Bởi thế anh không ngại khi lội xuống bùn vít từng leng đất, hoặc ngồi tỉ mẩn chăm dây bí dây bầu... Một ngày sống đời nông dân, anh cảm nhận rõ hơn tình yêu đất, yêu người. Và vẫn thấy mình bị “thử thách” không kém gì trong lĩnh vực thời trang. Sáng tạo một mẫu áo dài hay chăm cho dây bầu ra trái đều “hồi hộp” như nhau. Không khéo, chỉ thấy lá mà không thấy trái, đó là thua! Cho nên, mới gọi rằng “thử thách”. Rồi anh vùi đầu nghiên cứu kỹ thuật trồng cây, trồng lúa. Sĩ Hoàng lại có cái mới để theo đuổi nữa rồi! Anh mê mẩn suốt ngày...
Nhưng điểm nổi bật trên mảnh đất ấy là chương trình văn hóa nghệ thuật dành cho du khách hoặc lớp trẻ Việt Nam. Sĩ Hoàng không tổ chức diễn hằng tuần, chỉ diễn khi nào có hợp đồng yêu cầu. Buổi ra mắt, khán giả ngẩn ngơ trước những đàn tranh, đàn bầu réo rắt, những sáo, tiêu dìu dặt. Liền anh liền chị quan họ gặp nhau trên chiếc cầu gỗ thật nên thơ. Ca trù, đàn đá, đàn T’rưng... không thiếu món nào. Rồi điệu múa dân gian với nàng tố nữ trong thơ Hồ Xuân Hương bước ra. Điệu múa tiên lộng lẫy dưới trăng, mặt hồ lấp lánh ánh bạc hắt lên... Không gian ấy quả khác xa so với sân khấu hộp kín mít bốn bề! Thi thoảng, một cánh chim đêm lao xuống mặt hồ bói cá rồi lượn vút lên, như điểm xuyết thêm sự huyền ảo. Khách xem xong, không nỡ về, cứ len lỏi vào những đường gạch và bóng lá thẫm đen tìm thêm một cái gì đó mà phố phường ngoài kia đã mất tự bao giờ!
Hoàng Kim
Bình luận (0)