'Có người cho sợ trách nhiệm là đặc điểm nổi bật của cán bộ, thực sự đau'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/05/2024 12:32 GMT+7

Đại biểu đoàn TP.Hà Nội Nguyễn Anh Trí nói sợ trách nhiệm đã trở thành một loại 'dịch' lây lan rất nhanh trong đội ngũ thực thi công vụ ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023.

Sáng 25.5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm được cho là nguyên nhân khiến một số chính sách có kết quả thực hiện thấp được nhiều đại biểu "mổ xẻ". 

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn nói đặc biệt quan tâm tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. 

Đây là một trong hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

'Có người cho sợ trách nhiệm là đặc điểm nổi bật của cán bộ, thực sự đau'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận sáng 25.5

GIA HÂN

Đại biểu đoàn TP.Hà Nội Nguyễn Anh Trí cũng nói ông "rất quan ngại" với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

"Đùn đẩy, sợ trách nhiệm đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian qua. Thực sự đau, và thực sự buồn", ông Trí nói.

Để ngăn chặn "dịch" né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại đến năm 2024, đại biểu đoàn TP.Hà Nội đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần coi đây là tình trạng tiêu cực, cần chỉ ra và kỷ luật ai né tránh, sợ trách nhiệm. Cạnh đó, cũng cần khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức viên chức dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả

Tham gia thảo luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông nói tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng.

Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hiện nay xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Hai là, năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế.

'Có người cho sợ trách nhiệm là đặc điểm nổi bật của cán bộ, thực sự đau'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu thảo luận sáng 25.5

GIA HÂN

Ông Thông cũng nhấn mạnh, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến.

Nguyên nhân có phải là vì chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung? Theo đại biểu đoàn Bình Thuận, cả 2 nguyên nhân đều không phải vì hiện đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Từ đó, ông Thông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả. 

Cụ thể là khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.

Báo cáo của đoàn giám sát nêu 4 nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế. 

Trong đó, báo cáo nhấn mạnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.