Cờ người võ thuật - nét đẹp dần mai một

10/02/2013 19:24 GMT+7

(TNO) Không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về kinh phí hoạt động, gặp khó khăn trong việc tuyển chọn người tham gia, bộ môn cờ người võ thuật đang có nguy cơ biến mất trong đời sống sinh hoạt của người dân TP.HCM mỗi khi xuân đến.

(TNO) Không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về kinh phí hoạt động, gặp khó khăn trong việc tuyển chọn người tham gia, bộ môn cờ người võ thuật đang có nguy cơ biến mất trong đời sống sinh hoạt của người dân TP.HCM mỗi khi xuân đến.

>> Quang Liêm có trận hòa gây tranh cãi với Ivanchuk
>> Người có bộ sưu tập cờ số 1 Việt Nam
>> Cờ vua Việt Nam tìm suất dự World Cup

Cờ người võ thuật - nét đẹp dần mai một-1
CLB cờ người võ thuật đang gặp nhiều khó khăn

 

Cờ người là một loại cờ tướng mà trong đó, người được sử dụng như là quân cờ và nền đất hay sàn nhà được xem là bàn cờ, thường được chơi trong những dịp lễ, tết hay hội hè.

Trong cờ người, 32 thanh niên sẽ đóng vai các quân cờ và tuân theo sự điều khiển của tiếng trống trận được đánh bởi trọng tài. Trong môn chơi này, người điều khiển sẽ đóng vai trò bình luận. Do đó, đây phải là người am hiểu về cờ tướng.

Từ môn cờ người, vào năm 1987, các ông Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị thuộc Liên đoàn cờ TP.HCM đã phối hợp cùng CLB võ thuật Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để lập ra CLB cờ người võ thuật. Điều hấp dẫn ở bộ môn cờ người võ thuật là mỗi thế di chuyển là một bài quyền, mỗi nước cờ ăn quân là một trận tỷ võ đẹp mắt.


Quân xanh và quân đỏ dàn trận trước khi vào cuộc

Khi xem thi đấu cờ người võ thuật, người ta có cảm giác đang được chứng kiến một cuộc chiến thật sự với cờ xí rợp trời, hai bên quân xanh - đỏ vũ khí sáng choang.

Chính vì vậy, môn cờ người võ thuật đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Đặc biệt, mỗi khi năm hết, tết đến, CLB cờ người võ thuật đã nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn từ nhiều nơi trong khắp cả nước.

Cờ người võ thuật - nét đẹp dần mai một-2
Một pha đấu võ giữa quân xanh và quân đỏ

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nét đẹp văn hóa này đang dần bị mai một. Là một trong những người tham gia ngay từ ngày đầu và hiện đang phụ trách CLB cờ người võ thuật, võ sư Phan Văn Trung cho biết: “Thời gian gần đây, hoạt động của CLB cờ người võ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là trong việc tuyển chọn người. Trước đây, chúng tôi thường tuyển chọn các võ sinh ở độ tuổi 14 - 15 tuổi. Tuy nhiên, giờ thì chỉ có thể tuyển các em nhỏ hơn. Bởi vì các em lớn không có nhiều thời gian để tập luyện và thi đấu do bận học văn hóa.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng rất hạn hẹp. Trước đây, chúng tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn còn hiện tại thì rất ít. Trong khi đó, CLB không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào khác”.


Võ sư Phan Văn Trung (đánh trống) gắn bó với CLB cờ người võ thuật từ những ngày đầu

Trong khoảng thời gian 3-4 năm trở lại đây, CLB cờ người võ thuật đã chuyển về sinh hoạt tại Trung tâm thể dục thể thao Q.4. Mặc dù không nhận được sự hỗ trợ về kinh phí hoạt động nhưng theo võ sư Trung, dù sao tại đây ông và các học trò cũng có được một chỗ để tập luyện ổn định.

CLB cờ người võ thuật đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng vẫn còn đó những người yêu thích bộ môn này.

"Con đã học võ được 2 năm và thi đấu cờ người võ thuật khoảng 4-5 lần. Theo con, việc học võ rất có ích bởi nó giúp cho người ta khỏe mạnh. Con rất thích được thi đấu cờ người. Con sẽ cố gắng tập luyện để được thi đấu biểu diễn nhiều như các anh chị", võ sinh 10 tuổi Châu Huỳnh Tú hồn nhiên nói.

Tuy nhiên, để cho cờ người võ thuật, một trong những nét đẹp văn hóa không bị mất đi, chắc chắn sự yêu thích của các võ sinh hay sự tâm huyết của những người như võ sư Trung là không đủ.

Tân Lam - Nguyễn Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.