Có nhất thiết phải vào được đại học?

08/07/2014 22:20 GMT+7

Nếu đặt câu hỏi này cho các bậc phụ huynh lẫn các em học sinh ở Việt Nam thì câu trả lời đa số sẽ là: Có. Từ lâu, xã hội Việt Nam đã có một niềm tin rất bền vững là: Học đại học là con đường duy nhất để thành đạt. Muốn có công việc tử tế, tương lai tươi sáng thì phải học đại học.


Với xã hội coi trọng bằng cấp và truyền thống khoa cử như Việt Nam, việc vào được đại học càng trở nên quan trọng hơn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Niềm tin này cũng xuất hiện ở các quốc gia khác. Trong những ngày này, khi các em học sinh Việt Nam đang bước vào kỳ thi đại học khốc liệt thì đồng loạt các trường đại học tại Anh cũng đang tưng bừng với các ngày hội thông tin tuyển sinh, giới thiệu trường (Open Days).

Hàng vạn em học sinh cùng phụ huynh đã đến các trường đại học tham quan, nghe giới thiệu chi tiết về các khoá học, điều kiện sống, học tập ở đó trước khi quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, kỳ thi đại học cũng được xem là "cơ hội sống còn" cho tương lai của các em học sinh. Hàng triệu học sinh phải học hành chăm chỉ ngày đêm, cạnh tranh quyết liệt để có chỗ trong các trường đại học danh giá.

Niềm tin này không sai khi hiện nay, trên toàn thế giới, phần lớn thông tin tuyển dụng việc làm lao động trí óc đều đòi hỏi trình độ đại học, phần lớn những người thành đạt trong xã hội đều tối thiểu có bằng cử nhân, kỹ sư trong tay.

Với xã hội coi trọng bằng cấp và truyền thống khoa cử như Việt Nam, việc vào được đại học càng trở nên quan trọng hơn nữa. Có con cái thi đậu đại học, lấy được bằng đại học là niềm tự hào của không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam. Ngược lại, con thi rớt đại học thì trở thành nỗi thất vọng lớn, thậm chí có người cho rằng đó là một sự xấu hổ cho gia đình. Với nhiều em học sinh, không vào được đại học tựa như đặt dấu chấm hết cho cuộc đời.

Tuy nhiên, có bằng đại học, có bảo đảm cho sự thành công cho tương lai của cá nhân? Thất bại trong kỳ thi đại học, có phải cuộc đời đi vào ngõ cụt?

Thực tế đã chứng minh hàng chục vạn thanh niên Việt Nam sở hữu bằng đại học trong tay mà vẫn thất nghiệp. Đi dạy gần 10 năm ở các trường đại học, tôi nhận ra rất nhiều em sinh viên đã lọt qua cánh cửa hẹp để vào các trường đại học tử tế nhưng hoàn toàn không thích thú gì với việc học hành, cũng không có bất cứ định hướng rõ ràng nào về công việc mình sẽ làm trong tương lai. Những cái bóng vật vờ lên lớp, ì ạch vượt qua các bài kiểm tra, các kỳ thi để lấy được cái bằng không hiếm trên các giảng đường đại học. Có vẻ như môi trường đại học không phải là lựa chọn phù hợp cho các em ấy. Bởi thế, suốt quãng thời gian học đại học, các em không tích lũy được đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng các yêu cầu công việc của xã hội. Kết quả, các em dù có bằng đại học vẫn thất bại trong nghề nghiệp.

Ngược lại, tôi chứng kiến nhiều em học sinh quyết định từ bỏ đeo đuổi thi vào đại học, rẽ hướng sang các trường dạy nghề, trung cấp nghề, học các khoá ngắn hạn nhưng lại rất thành công.

Từng dạy cho sinh viên hệ trung cấp ngành du lịch- nhà hàng- khách sạn, tôi hoàn toàn nhất trí với cách lựa chọn ngành lẫn nghề của các em: phù hợp với sở thích lẫn năng lực. Học môn nào chữ nghĩa nhiều là các em khổ sở vì khó hiểu nhưng những thao tác nấu nướng, tiếp tân, phục vụ thì tiếp thu nhanh hơn cả tôi.

Nhiều em sau đó thành đầu bếp ở các nhà hàng, khách sạn cao cấp mà mức lương bỏ xa cả giảng viên đại học, bác sĩ, kỹ sư. Em nào không xuất sắc, chỉ cần thạo nghề cũng chưa phải thất nghiệp ngày nào, mức lương ở một nhà hàng nhỏ hay khu nghỉ dưỡng cũng gấp đôi nhân viên văn phòng bình thường.

Tôi cũng biết các học viên ở các trường nghề học các ngành hàn, tiện, may, sửa xe máy, trang điểm... thôi nhưng tìm việc không khó. Cử nhân vật lộn 4 năm, ra trường cũng lương 4-5 triệu đồng/ tháng, các em cũng được kiếm được số tiền tương đương dễ dàng. Có em làm thuê vài năm lấy kinh nghiệm rồi tự mở quán ăn, nhà hàng, xưởng riêng, ban đầu làm nhỏ nhỏ, sau mở rộng dần.

Vẫn biết chương trình đại học là lý tưởng để trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cá nhân tham gia vào các hoạt động xã hội, điều này, ngay cả những người thành công nhờ bỏ ngang chương trình đại học như Bill Gates (sáng lập Microsoft), Steve Jobs (cha đẻ của iPhone, iPad, iPod), Mark Zuckerberg (phát minh mạng xã hội Facebook) để tập trung sự nghiệp sáng tạo cũng thừa nhận.

Tuy nhiên, xã hội có sự phân công lao động rõ ràng và cần con người làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó, có nhiều vị trí không nhất thiết phải được đào tạo bằng chương trình đại học kéo dài nhiều năm. Học tập là cần thiết nhưng con người có thể học bằng nhiều cách khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là tự học. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng có những năng lực và niềm đam mê khác nhau, không thành công hay không theo đuổi con đường học đại học, họ vẫn có thể phát triển bản thân ở những con đường khác.

Có chăng là xã hội Việt Nam cần phải thay đổi cách nhìn về một người thành đạt, không nhất thiết phải chức vụ cao, bằng cấp nhiều mới đáng được nể trọng. Bất cứ cá nhân nào lao động chân chính, tự nuôi sống bản thân, gia đình, đóng góp tích cực, khẳng định được vị trí vững chắc trong cộng đồng thì vị trí ấy dù là một đầu bếp, một thợ sửa xe, một thợ may hay một thợ trang điểm đều đáng tự hào.

Nguyễn Thị Thu Huyền*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, hiện đang học tiến sĩ tại Anh

>> Học đại học hệ đào tạo từ xa khác gì hệ chính quy?
>> Học đại học từ xa ở đâu?
>> Phương pháp học đại học hiệu quả
>> Vũ Thanh Long: Hoãn học đại học để được bay vào vũ trụ
>> Tôi học đại học - Tìm cách tự lo cho mình
>> Tôi học đại học - Kỳ 2: Cơ cực thời sinh viên
>> Tôi học đại học - Kỳ 3: Học trên giường bệnh
>> Ra mắt tự truyện 'Tôi đi học đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 3: Những người không học đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.