Có những ngày

21/01/2012 08:32 GMT+7

“Thế giới thay đổi hết rồi, ông ạ!”. Bà Émiko cười, đung đưa mái tóc màu bạch kim để trấn an khi bà bắt gặp vẻ lo lắng trên mặt ông.

(TN Xuân Nhâm Thìn) “Thế giới thay đổi hết rồi, ông ạ!”.

Bà Émiko cười, đung đưa mái tóc màu bạch kim để trấn an khi bà bắt gặp vẻ lo lắng trên mặt ông.

“Đây là danh thiếp của tôi, có cả số điện thoại văn phòng và số cá nhân. Ông có thể gọi bất cứ lúc nào ông cần”.

Ông liếc qua tấm danh thiếp, đọc thấy tên văn phòng bán vé máy bay Alpha, tên chủ nhân và số fax, số điện thoại, toàn bộ những chi tiết mà bà Émiko trao cho ông cùng với tấm vé máy bay, để ông yên tâm hơn trong trường hợp gặp bất cứ trục trặc nào trong chuyến đi.

Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với loại vé điện tử. Một tờ giấy A4 in ra từ màn hình vi tính. Nó hoàn toàn không giống chút nào những vé máy bay ông từng sở hữu, vì thế ông không tránh khỏi nghi ngờ giá trị thực sự của nó. Bà Émiko khá nhiều kinh nghiệm, bà biết phải làm gì để gầy dựng niềm tin nơi những khách hàng đứng tuổi thế này, vốn dè dặt trước những thay đổi đột ngột.

Khi nhận danh thiếp từ tay bà Émiko, ông bỗng không còn thấy chút tự tin nào trước người đàn bà Nhật này.

Đúng hơn là lòng tự ái của ông bị tổn thương khi ông nghĩ bà Émiko hẳn đang nhìn ông một cách thương hại. Trong ánh mắt của bà, ông bắt gặp hình ảnh của chính mình như phản chiếu từ một tấm gương hoàn hảo: một con người yếu đuối, sợ sệt và dễ thương tổn.

 Nhưng từ khi nào? Từ khi nào mà ông trở nên hay sợ sệt đến vậy? Ông tự hỏi.

Đây không phải lần đầu.

Ông thường bắt gặp mình thức giấc lúc nửa đêm trong gian phòng rộng, lần mò trong bóng tối để tìm cái công tắc đâu đó ở mé tay trái trên tường để đi vào nhà tắm. Rồi khi ánh đèn bật sáng, bỗng dưng một cảm giác sợ sệt vô cớ xâm chiếm toàn bộ con người ông. Có lần không kịp đến bồn cầu, ông cứ đứng ngay tại chỗ mà đái.

“Thận của ba đang có vấn đề đó. Ba cần phải đi bác sĩ ngay đi”.

Liên, con gái ông, đã kết luận như vậy.

Nhưng ông thì biết rõ hơn ai hết, vấn đề không phải là ở cái thận. Mà chính là một nỗi sợ vô hình nằm sâu trong gan ruột.

Đó là tất cả ý nghĩ của ông lúc ông bước đi trên quảng trường mang tên Cộng Hòa.

***

Tháng chín năm nay, trời đã có dấu hiệu trở lạnh sớm. Tầng trệt ban ngày bỗng mát lạnh khác thường. Ông phải khoác thêm áo và thắp thêm đèn. Cái chân trái bắt đầu đau lại và mỗi ngày ông phải đi chạy điện một lần.

Mặt bàn lúc nào cũng ngổn ngang những lọ thuốc. Gần chục thứ thuốc mà ông phải uống mỗi ngày: huyết áp, thấp khớp, cholesterol, tiểu đường…

Tầng trệt mới là thế giới riêng của ông. Trừ những ngày đẹp trời có thể đi dạo công viên hay đi mua vài món lặt vặt ở cửa hàng Tàu cách hai dãy phố, hầu như ông chỉ quanh quẩn ở đó.

Từ ngày vợ mất, cửa hàng không buôn bán gì nữa, ông thu xếp ở tầng trệt một phòng ngủ cho mình, dành hẳn gác trên cho con gái. Ông nghĩ, nó cần tự do, bầu trời; còn ông, ông chỉ cần một chỗ vừa đủ để trú ẩn.

Giáp trần nhà có mấy ô kính nhỏ hình vuông mở he hé, nơi ông có thể nhìn thấy mây bay và quan sát được sự chuyển dịch của màu da trời trong ngày. Trước kia ông có trồng vài chậu hoa bên dưới cửa sổ phòng ngủ, nhưng bây giờ ít khi ông lên đó, nhất là những lúc Liên không có mặt.

Trong phòng ông có một giường đơn, một tủ quần áo, bàn viết và hai chiếc ghế. Còn một thanh sắt dựng đứng sát góc tường, ngay trên đầu nằm. Đó là vật bất ly thân của ông trước đây khi còn cửa hàng, ông luôn để nó trong tầm tay để sẵn sàng tự vệ trường hợp vợ ông và cửa hàng bị tấn công.

Ông đã sống qua chiến tranh, đã từng cầm súng, tuy chưa bắn một viên đạn nào. Trên người ông cũng không kịp có lấy một vết thương. Chiến tranh đã kết thúc và từ lâu đã yên nghỉ ở một góc tối tăm nhất trong ký ức.

Chỉ có một lần duy nhất nó bị đánh thức.

Lúc ấy vào nửa đêm. Vợ ông thình lình lay ông dậy, trong tiếng kêu thảng thốt “Hình như nhà có trộm!”.

Ông nghe thấy những tiếng động khác thường dưới nhà. Ngay lập tức, ông bật dậy như cái lò xo, bật hết đèn lên và lao xuống tầng trệt. Ông nhớ mình đủ tỉnh táo đảo mắt nhìn quanh để tìm một thứ gì có thể làm vũ khí nhưng rốt cuộc ông chẳng tìm thấy cái gì ra hồn.

Chính lúc ấy, lúc ông vùng ra khỏi giường, tất cả những phản xạ, hồi ức và cảm xúc có từ thời chiến tranh cùng với nỗi sợ hãi rất quen thuộc nằm sâu thẳm trong xương tủy bất ngờ chồm dậy bóp nghẹt trái tim, khiến ông gần như ngạt thở.

Đêm ấy, bọn trộm thấy động đã tháo chạy. Chỉ tủ kính bị chúng đập vỡ, lấy hết thuốc lá và tiền bán trong ngày.

“Có thể đây chỉ là đòn cảnh cáo thôi”. Viên cảnh sát đã nói thế ngày hôm sau. “Rồi ông xem, chúng sẽ còn viếng ông bà dài dài, đúng ngày này, tháng sau”.

Nhưng cuối cùng cuộc điều tra cũng chẳng đi đến đâu. Hằng ngày gã cảnh sát vẫn ngồi trong chiếc xe có gắn còi báo động lượn qua lượn lại khu phố; nếu tình cờ thấy ông, gã lại ngó lơ chỗ khác.

Sau sự kiện đó, ông quyết định đặt cho mình thanh sắt, gắn thêm hệ thống báo động có camera và cái chuông nơi cửa ra vào.

Bây giờ không buôn bán gì nữa, thanh sắt, hệ thống báo động có camera và cái chuông không còn dùng để làm gì. Nhưng ông vẫn cứ muốn giữ lại thanh sắt làm kỷ niệm, cùng với cái tầng trệt trống hoang.

Chính ở nơi đó vợ chồng ông đã cùng nhau trải qua thời kỳ khó khăn nhất khi đặt chân ra nước ngoài và cũng chính ở nơi đó, ông đã cầm tay cho Liên bước những bước chập chững đầu đời.

Ông còn nhớ như in hình ảnh con bé rút tay ra khỏi bàn tay ông rồi bổ nhào vào lòng mẹ, nét mặt vừa rạng rỡ sung sướng vừa sợ hãi, miệng không ngớt kêu “Mẹ! Mẹ!”. Tất cả đều sống động trước mắt ông như thể mới hôm qua, vợ ông vẫn đang quanh quẩn bên quầy hàng và cái chuông vẫn đang kêu lên kính coong mỗi khi có người đẩy cửa.

***

Liên đã không đến sở làm từ một tuần nay. Sau trận chạm trán nảy lửa với gã sếp, cô bị đuổi việc.

Liên cho phép mình thức thật khuya và ngủ thật muộn hơn thường lệ. Cô không phải vội vàng bước ra khỏi phòng như mọi ngày. Cô nằm trên giường đọc nốt cuốn tiểu thuyết hình sự của Ken Follett, nghe tiếng chân cha mình bước chậm chạp lên cầu thang.

Từ hôm cô nghỉ việc ở nhà, tự nhiên ông có thói quen hay lên gác uống cà phê mỗi sáng và chăm sóc cho mấy chậu hoa trên bậu cửa sổ. Thông thường hai cha con Liên chỉ có thể gặp nhau vào buổi ăn tối và điều đó, nhiều khi, cũng đã là một áp lực nặng nề lên đời sống của cô. Bây giờ cô chỉ muốn được ở một mình và không bị quấy rầy. Cô hoàn toàn không muốn chia sẻ với ai những khoảng thời gian thế này.

Liên gọi điện thoại đến nha sĩ lấy một cái hẹn rồi sau đó ngồi đọc lại những thiệp mừng sinh nhật gửi cô một tháng trước. Tấm thiệp nào cô cũng đọc thật kỹ và cầm trên tay khá lâu để có thể hình dung ra vẻ mặt từng người cùng những câu chuyện về họ. Cô đang nhớ họ, cô đang nhớ đến Quỳnh Anh.

Cách đây mấy tháng, Quỳnh Anh, một bạn đồng nghiệp của Liên cũng là nạn nhân của chính gã sếp này.

Gã đi theo Quỳnh Anh vào thang máy, rồi trong lúc chỉ có hai người, bèn giở trò sàm sỡ. Cô bạn của Liên bất ngờ đến mức đứng chết trân tại chỗ, không kịp có lấy một phản ứng. Thật may mắn, lúc ấy thang máy đứng lại, cửa mở và có người bước vào, Quỳnh Anh mới chạy thoát ra ngoài.

Lần đó, Liên phải gọi điện cho cha cô báo không phải đợi cô về ăn tối để đưa Quỳnh Anh về nhà sau khi tan sở. Liên đã ở lại với bạn suốt đêm ấy. Họ ngồi ở sô pha, vừa uống rượu vừa nghe nhạc. Rồi Quỳnh Anh lôi những cuốn album ảnh gia đình ra, khoe những tấm ảnh của cô hồi bé. Tấm chụp Quỳnh Anh thôi nôi nằm trên bàn cười toe toét; Quỳnh Anh ngồi trong lòng mẹ; Quỳnh Anh nghịch cát với cha trên bãi biển; Quỳnh Anh đội mũ rơm bên con dê ở một trang trại…

Bây giờ thì Quỳnh Anh sống chỉ một mình. Cha mẹ cô đều chết hết trong chuyến vượt biển đi tìm miền đất hứa, lúc Quỳnh Anh vừa sáu tuổi.

Sau lần phản ứng với hành vi quấy rối của gã sếp, Quỳnh Anh bị cho làm việc ca cuối cùng trong ngày, kết thúc lúc đã quá mười giờ đêm. Nhà xa, mệt mỏi vì áp lực công việc, không chịu đựng nổi, cô phải bỏ việc.

***

Hôm nay cuối tuần, ông tự tay làm món súp cá, món ưa thích của Liên.

Ông đã hỏi cách làm món này khi hai cha con ghé ăn ở một nhà hàng ven biển hồi tháng mười, lúc họ trên đường trở về sau khi đến thăm cô em gái ông đang nằm bệnh viện.

Hôm ấy, một cơn bão rớt vừa mới tan cách đó không lâu, dấu vết vẫn còn nhìn thấy ở chung quanh.

Thành phố nhỏ, vắng vẻ. Hai bên cầu tàu bình thường chen chúc cột buồm của những du thuyền, giờ đây chỉ bày ra một bãi bùn nham nhở và mặt biển xám đen hoang vắng. Ngọn hải đăng đứng trơ trọi giữa sóng to và gió rét.

Họ là thực khách duy nhất, cũng như những ngọn đèn thả xuống từ trần nhà phòng ăn là nguồn sáng ấm áp duy nhất trong khung cảnh hoang lạnh.

Lần ấy họ gọi món xúp cá. Có lẽ bữa ăn trong khung cảnh tiêu điều sau cơn bão đã để lại trong lòng Liên những ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi lần nghe con gái nhắc lại bữa ăn, ông tự hứa với mình sẽ làm lại món ăn này vào một ngày nào đó, khi có cơ hội.

Buổi tối nay, ông còn chuẩn bị sẵn một chai rượu.

Trên truyền hình đang phát đi bản tin bảy giờ tối về Josef Fritz. Người đàn ông Áo bảy mươi ba tuổi này trong một thời gian ngắn bỗng dưng nổi tiếng toàn thế giới. Tin, bài về ông ta hầu hết đều xuất hiện trên trang nhất các tờ báo.

Liên ngồi như dán chặt vào ghế. Có lẽ bản tin về vụ người đàn ông Áo nhốt con gái mình trong hầm và hãm hiếp trong suốt hai mươi bốn năm khiến cô bị sốc mạnh.

Ông có cảm giác như Liên cứ ngồi chết trân ở đó. Ông hết đưa mắt nhìn Josef Fritz với cặp lông mày thật rậm rồi quay nhìn con gái. Ông bỗng dưng thấy khó chịu về cặp lông mày của người đàn ông ngoại quốc này. Nét mặt Liên không biểu lộ cảm xúc gì rõ rệt.

Ông nhớ một lần khi xem một phóng sự trên truyền hình về một người đàn bà đã dìm hai đứa con chết ngạt trong bồn tắm, Liên đã buột miệng chửi “Đồ chó đẻ!”. Còn bây giờ không hiểu sao nó lại ngồi im như vậy? Nó đang nghĩ gì trong đầu?

Cuối cùng, không thể kiên nhẫn hơn nữa, ông lên tiếng: “Ngồi vào bàn đi con. Nguội lạnh hết rồi!”.

Thế nhưng, có vẻ như Liên không hề nghe tiếng ông gọi. Bản tin thời sự đã kết thúc, kèm theo một khúc nhạc hiệu ngắn ngủi, một vài mẩu quảng cáo máy giặt, máy mát xa, điện thoại di động và đang chuyển sang phần tin khí tượng.

Đã tám giờ. Hôm nay người đàn ông trán hói quen thuộc không xuất hiện mà một cô xướng ngôn viên mới trong chiếc váy dài đen. Liên bỗng thấy ghét cái màu đen của chiếc váy ấy đến thế. Sao không thể chọn một màu nào khác dễ coi hơn, cho phù hợp với cái dáng đồ sộ ấy? Cả cách huơ tay của cô ta nữa, ngớ ngẩn không chịu nổi. Ngày mai trời nắng nhưng có nhiều mây. Liệu sẽ có một cơn mưa bất thường nào không?

Hơn một phút trôi qua, Liên mới trả lời: “Con không đói. Ba cứ ăn trước đi”. Rồi cô đứng lên,  vào phòng. Ông nghe vọng lại tiếng đóng sập cửa.

Ông biết Liên đã bị đuổi việc. Nhưng ông cũng không thể hỏi được gì nhiều. Những ngày này tính nó bỗng trở nên bẳn gắt, khó chịu hẳn. Nó dễ dàng nổi cáu với những cái hết sức nhỏ nhặt. Cả ngày nó cứ nằm ườn ra sô pha, hết đọc sách lại dán mắt vào máy tính hay điện thoại di động. Ông nghĩ tốt nhất là nên giữ im lặng.

Còn lại một mình, bữa ăn đang có nguy cơ sẽ diễn ra theo cách của năm năm về trước mà ông hoàn toàn không mong đợi, cái năm vợ ông vừa mất và Liên còn đi học lấy bằng cao học, ăn buổi trưa ở trường.

Ông đi đến tắt ti vi. Từ nhỏ nó vẫn vậy, vừa ăn sáng vừa xem hoạt hình rồi cứ để như thế đi học, không thèm tắt màn hình, thói quen cho đến bây giờ vẫn không đổi.

Ông rót một ly rượu và vừa ăn vừa nhìn ra cửa kính.

Da trời đã chuyển sang màu tím đen, những ngọn đèn đường hắt lên một thứ ánh sáng cô quạnh. Ông không nghe thấy tiếng cầu kinh vọng lên từ dưới phố nữa, hay có lẽ ông không để ý. Giờ đọc kinh đã qua lâu rồi. Ông nhìn thấy cái chóp nhọn, nếu đứng ở cửa sổ, ông sẽ nhìn thấy cả mái vòm xanh đã ngả màu của nhà thờ. Chỉ cách đây mấy hôm, con gái ông đi về, trước nhà không còn chỗ đậu xe, nó phải chạy loanh quanh mới tìm được một chỗ trống nằm phía bên kia đường, đối diện chênh chếch với nhà thờ; thế mà sáng hôm sau ra đã thấy bọn chúng gạch cảnh cáo lên cửa kính xe hai cái hình thập giá màu đỏ tươi làm con nhỏ sợ hết hồn vía.

Một ông bác sĩ còn bị chúng hè nhau khênh cả chiếc xe của ông ta ném thẳng vào phòng mạch lúc nửa đêm mà cảnh sát cũng chẳng can thiệp gì được. Con gái ông phải quen dần thôi, không còn cách nào khác.

Ông cũng vậy, hơn hai mươi năm rồi còn gì. Tất cả đều trở thành thói quen.

Phải bỏ màn cửa để bên ngoài không nhìn thấy đồ đạc trong nhà, phải mở đèn sáng nếu đi ra ngoài buổi tối, phải cất hết các thứ ở trong xe, không được tin ai ngay cả với một đứa trẻ con hỉ mũi chưa sạch… Tất cả những thứ đó đã là một phần của đời sống ở đây. Nhiều người quá ngao ngán đã lần lượt bỏ đi nơi khác. Nhưng con gái ông không phải là ông, làm sao mà biết nó còn có thể chịu đựng đến bao lâu nữa?

Ông rót thêm ly thứ hai.

Gã đàn ông bên cạnh nhà đang quát tháo ầm ĩ. Ông nghe một tiếng va mạnh vào tường. Chỉ có mỗi tiếng gã gào thét và âm thanh của cái ti vi từ cửa sổ vọng sang. Ông tưởng như có thể nhìn thấy mồn một trong đầu hình ảnh miếng thịt dư thâm đen ở một bên má của gã đang co giật liên hồi. Bà vợ và mấy đứa con gái im như thóc, có lẽ đang chui rúc vào một xó nào đó. Chỉ có gã và thằng con trai mới được quyền có tiếng nói trong nhà. Thế nhưng sáng mai, nếu tình cờ gặp bà vợ ở quầy tính tiền của cửa hàng xén với khuôn mặt đầy những vết bầm tím, thì bà sẽ vẫn tươi cười và mau mắn chào ông, cứ như là không hề có chuyện gì xảy ra với bà. Và đến chiều, như mọi buổi chiều, bà sẽ cùng hai cô con gái lại miệt mài rửa chiếc xe cho chồng, rồi sau đó họ sẽ đứng ngắm một cách hãnh diện thành quả bóng lộn của mình dưới đôi tay của chồng lướt êm ái trên phố.

Trước đây khi vợ ông còn bán hàng, ông đã giáp mặt gã chồng mấy lần: nhỏ thó, áo thụng màu trắng, chòm râu dài tua tủa dưới cằm. Cửa hàng của vợ chồng ông không được phép bán rượu, nên gã chỉ có thể mua bia, nhưng phải là thứ bia nặng nhất. Rồi gã kín đáo lận vào bên trong người, nài nỉ vợ ông đừng có tiết lộ cho ai.

Rồi những tiếng quát tháo cũng lắng dịu và ông ngửi thấy mùi cà ri cừu quen thuộc. Họ đang chuẩn bị cho bữa ăn tối.

Bữa ăn của ông cuối cùng cũng kết thúc.

Ông đứng lên, mang các thứ vào bếp. Ông hâm nóng thức ăn để phần cho Liên trên bếp rồi bước vào buồng tắm. Đứng lại nhìn vào gương một hồi, bất giác ông nhớ đến người đàn ông Áo và hàng lông mày của ông ta, và bản tin buổi tối về đứa con gái bị nhốt trong hầm và thái độ của Liên.

Không hiểu sao ông cảm thấy buồn bã một cách vô cớ.

Khi trở ra, ông ngạc nhiên thấy Liên đã đứng trong bếp dọn dẹp. Ông muốn nói với nó: “Trời ơi! Con gái ơi! Bây giờ đâu phải lúc để con làm mấy việc đó”, nhưng lại thôi. Thức ăn để phần cho nó có vẻ như chưa hề được đụng đến.

Ông ngồi nơi bàn uống trà, tiện tay táy máy giở xem mấy tờ giấy quảng cáo đồ gia dụng nằm rải rác trước mặt và thỉnh thoảng ngước nhìn con gái đang bận rộn sắp xếp lại mấy cái kệ bếp. Tấm rèm cửa sổ đã giặt sạch sẽ và vén gọn sang hai bên. Một màn sương mỏng làm ánh đèn bên ngoài như những giọt nước nhòe nhoẹt in lên mặt kính. Ông tưởng như đang nghe vọng lại tiếng sủa rời rạc, lạc lõng của một con chó dưới đường.

Ông ngẩng lên nhìn Liên và ông biết vào lúc này, cái vẻ tất bật đó thực ra chỉ để che giấu một tình trạng bất ổn trong lòng nó mà thôi.

Hai tay vẫn đeo găng cao su, Liên lần lượt lôi mấy chai lọ, hộp nhựa đựng thức ăn, xoong nồi từ trong tủ ra bày đầy trên mặt bàn. Những thứ gần hết hạn sử dụng cô ném vào thùng chứa rác dưới chân. Cứ cách một tuần, cô lại bỏ ra mấy tiếng đồng hồ lau chùi, dọn dẹp, cọ rửa mặt bếp và tẩy sạch bóng những viên gạch men ốp chung quanh tường. Gian bếp nhờ vậy trở nên ngăn nắp, sáng sủa và thơm tho được mấy ngày liền sau đó.

Lưng áo của cô đã bắt đầu thấm ướt, mồ hôi rịn lấm tấm trên trán. Đã hơn tuần nay, cô chẳng buồn động tay đến thứ gì, vì vậy, mọi cái ở đây đều có vẻ bề bộn và bẩn.

“Ba có thấy hộp đựng túi lọc cà phê của con đâu không?”. Liên hỏi, lưng quay lại phía ông.

“Không, ba không biết”.

Một lúc sau.

“Ủa? Còn cái lọ bột tỏi đâu rồi?”.

Giọng cô đã pha một chút bực bội. Ông thấy cô cởi đôi găng cao su ra, để sang một bên.

“Ôi trời! Còn gì nữa đây?!”. Cô hét lên và ném một cái bịch trông có vẻ nặng từ trong kệ tủ xuống đất.

Ông nhớ là đã gặp cái bịch này ở đâu đó.

“Mà cái giẻ lau này sao lại nằm ở đây?”. Cô quay người lại nhìn ông. 

Ông thấy trên tay cô một chiếc khăn vuông vải thô kẻ sọc xanh, loại người ta vẫn bày bán cùng với bát đĩa để dùng làm khăn ăn.

“Ba…Ba…”. Ông lúng búng nói không thành câu.

Sao đó lại là giẻ lau? Trong tủ có hàng xấp vải được nó xếp thành chồng ngay ngắn, phân ra thành từng loại khác nhau, mỗi loại dùng cho một việc: thứ dùng trải bàn ăn, thứ dùng lau bát đĩa, thứ dùng lau tay… Làm sao ông có thể nhớ hết ngần ấy thứ cho được?

“Tại sao lại xáo trộn hết lên thế này?”. Cô gằn giọng.

Ông có cảm tưởng một cơn bão dữ sắp bùng nổ và nó đang cố gắng kiềm chế.

“Tại sao?”.

Ông nghĩ giá mà ông biết tại sao.

Hồi vợ ông còn sống, bà thường khuyên ông đến sinh hoạt ở câu lạc bộ dành cho những người lớn tuổi. Ở đấy ông sẽ được hướng dẫn miễn phí chơi đàn, vẽ tranh, làm vườn, đánh cờ… và gặp gỡ, những thứ mà bà nói sẽ giúp ông tránh bị trầm cảm và nhất là không bị mắc bệnh Alzheimer.

Ông đã đến sinh hoạt một, hai lần rồi sau đó bỏ hẳn mà cũng không nói với bà lý do tại sao.

Chẳng lẽ đây là dấu hiệu của Alzheimer?

Vũ Thành Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.