Tôi quen NSƯT Thanh Sang gần 20 năm, cho nên đã viết quá nhiều bài về ông. Riết rồi mỗi khi gọi điện thoại xin phỏng vấn, ông cười: “Hỏi gì nữa trời! Thôi kệ, ra đây anh em tán dóc cũng được”.
Tôi nhớ lần gần đây nhất, ra tới nhà ông ở bờ sông Sài Gòn, một biệt thự rất to và đẹp, chung quanh là khuôn viên rộng rãi. Ông đi rất lâu mới xuống được hết cầu thang lầu một. Ông vừa ngồi xuống salon đã nói ngay: “Anh bây giờ bệnh tùm lum em ơi. Ngồi xíu thôi nha, yếu dữ lắm đó”. Bà Liễu vợ ông túc trực một bên, mỉm cười: “Yếu thiệt đó em. Ảnh ngồi một chút là than mệt”. Rồi bà nhắc ông uống thuốc.
Tôi cũng không dám ngồi lâu, tự nhủ: “Thôi rồi, loạt bài kỳ này chắc không hoàn thành. Thương ảnh quá! Về nói với tòa soạn là ảnh yếu quá chứ biết làm sao”. Nhưng không ngờ, câu chuyện dần dần sôi động lúc nào không hay, Thanh Sang hào hứng kể tuổi thơ cay đắng của ông, nào là mồ côi, nào ở nhờ trong ngôi nhà ma, nào đói quá phải vớt con bò chết trôi ở bờ biển lên ăn… Rồi con số 7 định mệnh, cha mất lúc 7 tuổi, bị bắt quân dịch 7 năm, trốn ra hoài nên 7 lần ở tù, và có 7 người vợ…
Ông kể trong sự nhiệt tình lẫn nghẹn ngào, và có lẽ đây là lần kể chi tiết nhất cho báo chí. Và tôi cũng muốn chảy nước mắt khi nghe ông kể những chi tiết quá cay đắng. Nhất là những đoạn ông phải ăn thịt bò chết trôi, đến khi về nhà ngồi gõ máy tính viết bài thì tôi khóc thật vì quá thương ông.
Ông nói: “Trước nay anh đâu có kể kỹ như vậy, sao bữa nay em hỏi làm anh gợi nhớ kể quá trời. Tại cuộc đời anh quá lận đận nên đôi khi muốn quên cho rồi. Thôi, vì tình thân thiết với em mà kể lần này sạch bách. Chịu chưa cô nương?”. Xem lại đồng hồ, chao ôi, ông đã ngồi đến 2 tiếng rưỡi. Tôi hoảng hốt xin cáo lui.
|
Thanh Sang là vậy. Ban đầu sẽ thấy ông khó gần, hơi lạnh lùng. Nhưng chỉ cần tiếp cận một hồi sẽ thấy ông rất chân tình, dễ mến. Ông sẽ nói chuyện nhiều hơn, chỉ dẫn đủ thứ, nhất là những bài thuốc nam và các động tác thể dục.
Ông bảo: “Tôi bệnh hoài phải uống thuốc quanh năm nên nghiên cứu luôn các bài thuốc. Rồi ai bệnh giống tôi thì tôi cho thuốc hoặc đưa cái tên cây thuốc cho họ đi mua”. Thật sự có mấy năm trời, ông mua cây thuốc từ Tây nguyên về tặng cho những người cùng bệnh.
|
Nhớ mà không dám nói chữ nhớ
Thanh Sang bảo ông không dám đi diễn nhiều vì lý do sức khỏe, nhưng ông theo dõi cải lương thường xuyên trên tivi, để xem lớp trẻ kế thừa sự nghiệp cải lương như thế nào. Ông lắc đầu: “Nhiều người có cái tật, hễ lớp trẻ ca diễn thế nào họ cũng chê. Họ ái mộ thế hệ của chúng tôi thì chúng tôi cảm ơn, nhưng xin quý vị đừng quên là cải lương cần có người kế thừa. Mai mốt tụi tôi già yếu, theo ông theo bà hết rồi, mà lớp trẻ không nối nghiệp, chắc cải lương tiêu luôn. Tôi theo dõi thấy các em ca cũng hay, diễn cũng giỏi mà. Mình phải động viên các em để các em đừng bỏ nghề. Rồi chỗ nào nó yếu thì mình nhắc cho nó tiến bộ. Chứ đừng có kiểu, nó mới vô nghề thì tung nó lên mây, nhưng cuối cùng vẫn không mua vé coi nó hát, cứ đòi phải có Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy… mới chịu đi coi. Khán giả yêu cải lương mà yêu như vậy thì cũng tội cho cải lương. Xin hãy chấp nhận lớp trẻ”.
Và ông cũng từng hát chung với nhiều diễn viên trẻ. Ông nói có khi nhờ sự thanh xuân của các em mà lớp nghệ sĩ lớn tuổi như ông có thêm phấn khởi. Bổ sung qua lại giữa các thế hệ đó thôi.
|
Nhưng mấy năm gần đây thì ông “biệt tăm” hẳn vì quá yếu. Đành vậy. Có nhớ cải lương cũng đành chịu xa nhau. Ông lắc đầu: “Riết rồi không dám nói chữ nhớ luôn. Mình nhận lời đi hát rủi có sự cố thì tội nghiệp cho ông bà bầu. Thích thì tự ca mà nghe”.
Lạ một điều, ông tiết lộ là dù ông ít tập luyện nhưng hơi ca vẫn khỏe, cứ như trời thương. Dĩ nhiên không thể nào bằng hồi trẻ, nhưng cỡ đó dư sức lên sàn diễn nếu cần. Thực sự, chỉ cần ông ca một câu vọng cổ của nhân vật Thi Sách thôi là đã đủ cho người ái mộ.
NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại Phước Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu. Mồ côi cha, gia đình rất nghèo, ông phải sớm bươn chải đỡ đần cho mẹ và phụ nuôi em.
Năm 1960 ông theo gánh cải lương Ngọc Kiều, lấy nghệ danh Thanh Sang. Năm 1964 ông đầu quân cho đại bang Dạ Lý Hương, và lấy ngay giải Thanh Tâm năm đó với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long.
Ông trở thành “ngôi sao” cải lương với nhiều vai diễn ấn tượng, nhưng sâu sắc nhất là vai Thi Sách (vở Tiếng trống Mê Linh), vai Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga), Đảnh (Tần nương thất), Đường Huyền Tông (Dương Quý Phi), Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca)…
Sau thời gian dài bệnh tật, nam nghệ sĩ qua đời ở tuổi 74 để lại nhiều tiếc thương trong lòng người hâm mộ.
|
Bình luận (0)