Trước thông tin NSƯT Thanh Sang đang bị hôn mê sâu do xuất huyết não, NSND Bạch Tuyết xúc động: "Nói về Thanh Sang thì tôi không nói là bạn nữa, bởi vì chúng tôi đã thân thiết với nhau còn hơn người trong gia đình. Khi biết anh bệnh, anh xảy ra chuyện tôi rất đau lòng. Tôi vẫn luôn điện thoại cho vợ anh để cập nhật tình hình. Hiện tại anh đang trong tình trạng hôn mê và mấy ngày qua tôi phải đi lưu diễn ở Hà Nội nên vẫn chưa đến thăm anh được. Nhưng chắc chắn tôi phải tranh thủ đến thăm anh sớm nhất có thể".
Bà tâm sự về người đồng nghiệp thân thiết: "Nghệ sĩ Thanh Sang đã diễn với tôi nhiều tuồng, sau này khi anh vì lý do sức khỏe không đi hát thường nữa chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên. Tôi nhận thấy anh là người rất tốt bụng và thẳng tánh. Cái tình của Thanh Sang với đồng nghiệp rất đầy đặn. Mà những người thẳng tánh thì thường hay nóng nảy, Thanh Sang chính là một người như vậy, trước sau như một. Anh thẳng tánh đến nỗi cái gì trái tai gai mắt là nói ngay, thương là nói thương, không thân là nói không thân chứ không một mặt hai ba bốn lời. Tôi hết sức kính trọng nhân cách sống của anh, sống và làm việc với những người như vậy tánh tình mình cũng tốt đẹp theo".
"Đời người mình có mặt rồi thì cũng phải đi. Như lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đời là cát bụi, ai cũng phải đến và đi không thể tránh được. Tôi tâm niệm quan trọng là cái tình khi có nhau thì đối xử với nhau cho chân thật để khi đi còn để lại cho nhau được cái tình tốt đẹp. Đó là điều mà Thanh Sang đã làm được", bà nói thêm.
|
Đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng NSND Bạch Tuyết vẫn rất trẻ trung, đều đặn đi diễn khi có lời mời. Bà vừa dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình về chuyện đời, chuyện nghề...
Con trai tôi gọi cải lương là “kinh của Việt Nam”
* Kính chào NSND Bạch Tuyết! Bà từng nhắc là “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, nghĩa là bản thân cải lương được sinh ra là nhờ sự tiến bộ văn minh. Vậy mà ngày nay nhiều khán giả cho rằng cải lương đang thoái trào. Theo bà với tình hình hiện nay thì cải lương có thể cải cách theo giải pháp nào cho phù hợp?
- NSND Bạch Tuyết: Cải lương được kết tinh bởi nét đẹp, giá trị quý báu, hình thức tinh xảo từ các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc có sẵn, được “làm mới” để thích nghi với sự đòi hỏi thưởng ngoạn của công chúng, thời đại mà vẫn giữ được nội dung yêu nước, yêu dân tộc, giữ gìn văn hóa tốt đẹp ngàn đời của đất nước.
Thứ nhất, chúng ta có rất nhiều trung tâm văn hóa, nhưng hầu như thiếu hụt những nhà hát mang tính đặc thù do loại hình này đòi hỏi. Thứ hai, hiện nay thiếu vắng những cây viết, những nhà thiết kế, dàn dựng, hiểu thấu đáo âm nhạc bài bản cải lương, để có thể giúp chúng ta không chỉ giữ gìn, mà còn phát triển giá trị nhân văn, tính chuyên nghiệp như cải lương vốn có. Các vở diễn tầm vóc, mang hơi thở cuộc sống, cảm thông chia sẻ phần nào số phận người trong những hoàn cảnh đáng thương, không may gặp phải biến động hình như còn quá ít.
Hai yếu tố vừa kể đưa đến sự tập dượt thiếu đồng bộ khiến cho các nghệ sĩ trẻ tài năng hiếm gặp được “cái nôi nghệ thuật” để trui rèn, phát sáng nghề nghiệp, càng thương hơn một số các bạn phải tự mình đối mặt với cái ăn cái mặc, tự xoay sở tồn tại tươm tất, tốt đẹp cho bản thân.
Cuối cùng tìm giải pháp để đưa cải lương tốt hơn hôm nay, tôi nghĩ câu trả lời mọi người mong đợi, dường như vẫn... còn đang bỏ ngỏ.
* Được biết con trai bà ở nước ngoài thu các trích đoạn cải lương hay vào một chiếc băng sau đó hay phát trong xe nghe. Khi bạn bè hỏi đó là gì thì anh ấy trả lời đó là “Kinh của Việt Nam”. Bà đã nghĩ gì khi con trai nói vậy?
- Sau này tôi hỏi con sao nói là "kinh", cháu trả lời: “Có thì giờ nghe kỹ từng bài từng chữ, từng giọng ca tuyệt vời của các bác Tấn Tài, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Sang... với nội dung yêu nước, yêu con người, dạy làm lành lánh dữ, dạy sống có ích cho mình cho đời, đầy chất nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc... con nghĩ có khác gì lời kinh đâu. Hơn nữa lời kinh này được các thế hệ nghệ sĩ thể hiện du dương hấp dẫn tuyệt vời, dạy người, sửa người mà không làm ai tổn thương”. Tôi thật sự xúc động và biết ơn những suy nghĩ đúng đắn của con.
* Mọi người cũng biết đến bà như một người rất hiếu học, suốt cuộc đời bà thường tạm dừng ngang việc đi hát để đi học. Vậy với bà, việc học và nghiệp diễn đâu mới là điều yêu thích nhất?
- Ông bà ta dạy về cái học: “Học mãi học hoài vẫn chưa bao giờ đủ”. Người Anh có câu: “People never too old to learn” (nghĩa là “người ta không bao giờ già để học”). Tôi chưa khi nào bằng lòng về mình, từ nghề nghiệp cho đến sự hiểu biết để có thể sống như một người tử tế. Cả hai việc học và hát luôn bổ sung cho nhau, là máu thịt là đam mê một đời, vì vậy cả hai đối với tôi đều là niềm yêu thích nhất.
- Phải đến năm 1985, bà mới bắt đầu học đại học. Thời điểm đó bà có gặp những khó khăn gì trước quyết định này?
- Khó vô vàn. Sau 32 năm, tôi có thể mượn câu của Bà Lựu để mô tả hoàn cảnh mình lúc bấy giờ: “Mình bị án oan cửa nhà tan nát, muốn lo lắng cho mình nhưng biết cậy nhờ ai? Thân đói nghèo quyến thuộc lánh xa, làng xóm dẫu thương nhưng sợ tai bay họa gởi”. Bà Lựu trong kịch bản Đời cô Lựu của tác giả Trần Hữu Trang khi đó “còn có ông Hội đồng đỡ nâng sớm tối”, còn tôi một mình, mỗi tuần nơi xứ người tự làm việc để tồn tại. Nói như ông bà ta, tôi “lấy mo quấn đít, tự đánh mình để có thể đứng thẳng người” đi đến thành công.
* Chia sẻ với báo giới, bà nói rằng ông Charles Đức - người chồng quốc tịch Pháp, có đến hai bằng tiến sĩ kinh tế ở Pháp và Hà Lan chính là người truyền cảm hứng và giúp đỡ rất nhiều cho mình trong việc theo đuổi học vấn. Cụ thể ông ấy đã giúp như thế nào?
- “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tôi là đứa bé gái mất mẹ lúc 8 tuổi, và người cha có vợ khác. Cho nên đứa bé này cần phải luôn biết nương cậy ánh sáng và lòng từ tâm của cuộc đời để may mắn lớn lên không làm tủi buồn vong linh của mẹ. Ông Charles Đức là một trong những người tôi vừa kể.
Tạo hóa trêu ngươi
* Trước đó bà từng nói tình cảm bà dành cho người chồng đầu tiên là cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang rất sâu nặng, đến khi ông sắp mất hai người vẫn dành cho nhau một tình cảm nhất định. Vậy trong những mối tình đã đi qua đời, đâu là mối tình khiến bà cảm thấy đẹp nhất?
- Bù lại bao mất mát ông trời đã cho tôi gặp được những người tốt, rất tốt trên đường đời. Hơn nữa, trong suy nghĩ của tôi không có ai xấu, chỉ có những con người bất hạnh chưa đủ phước duyên để thể hiện cái tốt nhân bản, tự thắp đuốc cho kiếp người của mình. Như vậy họ đáng thương, đáng cứu vớt biết bao.
Sự lương thiện và tài hoa tuyệt mỹ của cầu thủ Tam Lang tiếp thêm ánh sáng tâm hồn cho cô đào cải lương Bạch Tuyết. Chúng tôi sống với nhau ngắn ngủi chưa tới 4 năm nhưng hạnh phúc tuyệt vời. Vì tôi không thể có con nên chúng tôi quyết định xa nhau để anh làm tròn chữ hiếu với mẹ, cưới vợ khác để sinh con nối dõi tông đường. Không buồn, không trách, không giận không hờn mà phải xa vì hoàn cảnh, y như trong các vở tuồng. Nhờ vậy sau bao dâu biển đổi thay mà cả hai vẫn tròn vẹn một chữ tình trong sáng với niềm thương kính không vơi.
* Từng bị chẩn đoán là hiếm muộn và phải ly hôn người chồng đầu tiên vì chậm con. Sau đó, lại có con ở tuổi 29 với người chồng sau, lúc đó bà cảm thấy như thế nào?
- (Cười lớn) về chuyện có con, không con và cuối cùng thì có một con trai. Tôi trộm nghĩ như vậy chúng ta mới có cụm từ “tạo hóa trêu ngươi” đôi khi thật tréo ngoe, cái đến không cần, cái cần lại không đến. Sau khi chia tay anh Tam Lang, tôi may mắn gặp một vị thiền sư, ông dạy tôi một pháp môn và nói rằng nếu chú tâm, tập đến lần thứ ba, tôi sẽ có được một đứa con như mong muốn. Và điều đó đã trở thành sự thật như chúng ta đã biết.
* Ăn chay hơn 30 năm, ở tuổi ngoài 70 bà vẫn giữ được sắc vóc mặn mà. Bà có thể chia sẻ bí quyết của mình?
- Có lẽ nhờ tập theo hơi thở thiền hơn 40 năm nên tôi được chút ít may mắn. Tôi ví mình như cái túi cũ, mình nâng niu, đựng vài món đồ nhè nhẹ, nên độ giãn của túi còn coi được một chút thôi. Bí quyết? Không có gì đâu, đi học, đi hát, và thỉnh thoảng cùng bạn bè hùn nhau giúp một ai đó cho người ta đỡ khổ...
Tôi mãi mãi biết ơn cuộc đời, ơn con người, bởi có những món nợ rất hồn nhiên, rất tình cờ trong suốt cuộc hành trình mà chúng ta không làm sao biết được địa chỉ chính xác để hoàn lại!
* Xin cảm ơn và kính chúc bà nhiều sức khỏe!
NSND Bạch Tuyết bắt đầu học đại học ở tuổi 40. Năm
1988, bà tốt nghiệp khoa đạo diễn ở Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh
tại Sofia - Bulgaria.
Năm 1995, bà bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21", tại Viện hàn lâm kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc và Viện hàn lâm Sân khấu Phim ảnh Bulgaria, trở thành nghệ sĩ cải lương đầu tiên của Việt Nam có học vị tiến sĩ.
|
Bình luận (0)