Làm sao để vốn liếng Nhà nước không thất thoát
Đại biểu (ĐB) Trương Thị Mai (Trà Vinh) thẳng thắn: "Gần 3.000 doanh nghiệp được CPH, chiếm đến 80% doanh nghịêp Nhà nước nhưng vốn Nhà nước được cổ phần chỉ chiếm 12% trên tổng số vốn doanh nghịêp Nhà nước. Nếu trừ đi số vốn Nhà nước còn giữ lại 50% thì thực chất số vốn này chỉ còn khoảng 6%. Như vậy, mục tiêu CPH là tạo chuyển biến cơ bản, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp Nhà nước chỉ mới đụng chạm đến số đông doanh nghiệp, nhưng giá trị tài sản Nhà nước rất thấp". Bà Mai đặt vấn đề: "Cái mà người dân quan tâm nhất trong việc CPH là làm sao cho vốn liếng Nhà nước không bị thất thoát". Bà nói: "Nhưng nhìn lại quá trình 15 năm qua, không thể không lo ngại về khả năng thất thoát tài sản Nhà nước sau CPH".
ĐB Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) đồng quan điểm với bà Mai. Trong báo cáo của Chính phủ trình QH nêu rõ, khi CPH giá trị vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp CPH được đánh giá tăng thêm 18,4% so với giá trị còn lại trên sổ sách. Ông Khanh cho rằng: "Đó không phải là tăng thêm mà đó chính là tài sản Nhà nước đã được khấu hao không đúng thực tế và chắc chắn không chỉ dừng lại ở 18,4%". Ông Khanh đặt nghi vấn về việc rất nhiều doanh nghiệp đánh giá tài sản khi CPH rất thấp. "Bằng chứng là giá cổ phiếu khi bán đấu giá trên thị trường thường cao hơn mệnh giá 30-200%, cá biệt có nơi cao đến 4-5 lần. Ví dụ: Công ty xây dựng số 1 Hà Nội, giá một cổ phần là 13.000 đồng, đến lúc đấu giá thành 39.000 đồng", ông Khanh nói.
Thực ra, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH trước đó cũng đã đề cập đến vấn đề này. Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, nói trước QH rằng việc tính giá trị tiềm năng của doanh nghiệp như thương hiệu, danh tiếng, lợi thế kinh doanh... chỉ được tính áng chừng, không có cơ sở và cách tính toán phù hợp mà thực tế cũng rất ít doanh nghiệp áp dụng. Nguyên nhân, theo ông Kiên là do "công tác giám sát, kiểm tra đôn đốc thực hiện các đề án CPH đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết".
Người nước ngoài vẫn chưa có chỗ trong doanh nghiệp CPH
Đối tượng mua cổ phần hạn hẹp được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách xác định là nguyên nhân chính khiến đa phần các doanh nghiệp sau CPH không có sự thay đổi đáng kể trong phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ: "Trong thời gian dài, cổ phần lần đầu chủ yếu do Nhà nước nắm giữ phần chi phối, tiếp đến là bán cho người lao động, nhà đầu tư, cá nhân có quan hệ với doanh nghiệp... Quyền mua cổ phần của người quản lý trong doanh nghiệp rất hạn chế. Nhà đầu tư có tiềm năng vốn, công nghệ, năng lực quản lý (bao gồm nhà đầu tư trong và ngoài nước) chỉ được mua số lượng cổ phần hạn chế".
Cũng theo báo cáo giám sát, có đơn vị xác định nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp thành viên trong nội bộ tổng công ty. "Trong 2.935 doanh nghiệp cổ phần chỉ có 20 công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, chiếm chưa đến 1%. Ở TP.HCM, 17 công ty cổ phần có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, chỉ nắm giữ 2% vốn điều lệ", báo cáo chỉ rõ.
Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang) cũng tỏ ra bức xúc vì xu hướng khép kín trong CPH, quá nhiều những quy định, ràng buộc khiến cho các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài không thể đem năng lực quản lý, thiết bị công nghệ để thay đổi bộ mặt doanh nghiệp Nhà nước.
Hôm nay 7/11, QH thảo luận về chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Có nên đưa giá trị QSD đất vào giá trị doanh nghiệp CPH? Vấn đề gây phân hóa nhiều nhất trong các đại biểu QH là thái độ đối với giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi CPH. Mở đầu cho quan điểm ủng hộ việc đưa giá trị QSDĐ vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi CPH, coi đó như một phần vốn Nhà nước góp vào công ty cổ phần, ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) lý luận rằng: "Khi đưa giá trị QSDĐ vào giá trị của doanh nghiệp cổ phần hóa thì có tác dụng buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và sử dụng đất hợp lý. Nếu chiếm quá nhiều đất so với nhu cầu sử dụng sẽ dẫn đến giá trị của doanh nghiệp tăng lên quá mức và Nhà nước cần phải thu hồi diện tích đất dư thừa so với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, việc đưa giá trị QSDĐ vào giá trị doanh nghiệp cổ phần là phù hợp, tạo lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế". Đứng đầu “phe phản đối”, ĐB Trương Văn Hiền (Nghệ An) cho rằng: "Nếu đưa giá trị QSDĐ vào sẽ làm chậm tiến độ CPH; thứ hai, lợi nhuận cổ tức sẽ không có do phải tính trên giá trị đất". Theo ông Hiền, phương án giải quyết ở đây là cho phép các công ty sau CPH cũng được thuê đất giống như các doanh nghiệp Nhà nước trước đây. |
Tuyết Nhung
Bình luận (0)