Cơ phó Trịnh Hoàng Khánh: Tình yêu bầu trời xanh phía trước

18/04/2019 16:00 GMT+7

Trước thềm kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay 919 (1.5.1959 - 1.5.2019), giữa những câu chuyện về một thời vẻ vang các anh hùng phi công, cơ phó Trịnh Hoàng Khánh mang đến hình ảnh mới của thế hệ phi công trẻ...

Quá trình đào tạo gian nan

       
Trịnh Hoàng Khánh sinh năm 1993 ở Hà Nội. Sau khi học xong cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Khánh nộp hồ sơ tham dự khóa học phi công của Vietnam Airlines.
“Gia đình tôi đã có truyền thống làm phi công. Từ nhỏ, tôi đã rất ngưỡng mộ các chú, các anh phi công trong Đoàn bay 919 và luôn ao ước có một ngày sẽ trở thành giống như họ. Chính ước mơ từ bé đã thôi thúc tôi đăng ký học làm phi công của Vietnam Airlines ngay sau khi tốt nghiệp THPT”, Khánh chia sẻ.
Vượt qua kỳ kiểm tra về sức khỏe, ngoại ngữ và một số yêu cầu khác, Khánh được đưa vào Nha Trang đào tạo 3 tháng. Sau khi trải qua khóa đào tạo tại đây, Khánh mất thêm 2 tháng đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện bay miền Nam (Fly Training Center).
Quá trình đào tạo theo kỷ luật quân đội do Vietnam Airlines đài thọ đã tôi luyện Khánh từ một thanh niên 18 tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành một con người có tính kỷ luật cao - đức tính tối quan trọng cho toàn bộ công việc sau này. Khánh cười nhắc lại: “Chúng tôi cứ đúng 9 giờ là đi ngủ, sáng 5 giờ dậy chạy bền. Chăn màn gấp vuông thành sắc cạnh như... bánh chưng. Bây giờ tôi vẫn có thể làm được tốt những điều đó”. Khánh tự hào cho biết, hiện nay trong nước chỉ có duy nhất hãng hàng không Vietnam Airlines có chương trình huấn luyện phi công tại trường sĩ quan không quân. Trải nghiệm này đã giúp Khánh trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều để đến với nghề ở tuổi đời khá trẻ.
Sau 5 tháng đào tạo trong nước, Vietnam Airlines đã mời các chuyên gia thuộc trung tâm đào tạo phi công từ khắp nơi trên thế giới đến để trò chuyện, giới thiệu chương trình học với các học viên. Theo Khánh, quyết định chọn New Zealand để học là một quyết định “tình cờ”, nhưng sau một quãng thời gian nhìn lại thì đây là một “quyết định sáng suốt”.
Khi đơn vị đào tạo ở New Zealand giới thiệu về trường học, nhìn đoạn phim giới thiệu về quá trình đào tạo có hình ảnh một chiếc phi cơ bay dọc các triền núi, bay qua các thung lũng xanh, Khánh đã tự nhủ: “Đây chính là thiên đường trên trái đất. Mình sẽ phải bay như vậy!”.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo tại New Zealand khá “nặng”. Khó khăn đầu tiên là khối lượng công việc lớn nhưng phải đảm bảo theo tiến độ đào tạo. “Có lúc tôi cảm thấy rất khó khăn. Cầm xấp tài liệu kỹ thuật dày cả gang tay, mà có những từ kỹ thuật rất khó đọc, khó hiểu”, Khánh nhớ lại.
“Trong quá trình học ở New Zealand, tôi buộc phải tự tìm hiểu rất nhiều vì nghĩ rằng, mới bước vào đời, gặp khó khăn mà không nỗ lực, cố gắng thì sau này không làm được việc gì cả”, Khánh tâm sự. Sau 18 tháng nỗ lực học tập, Khánh chính thức được cấp 5 tấm bằng liên quan đến các nghiệp vụ bay, trong đó có bay thương mại.

Tình yêu và trách nhiệm

Trên cơ sở cam kết tuyển dụng sau đào tạo của Vietnam Airlines, sau quá trình đào tạo ở nước ngoài, Trịnh Hoàng Khánh chính thức về “đầu quân” cho Hãng hàng không Quốc gia. Hiện tại, anh đang là cơ phó của Vietnam Airlines trên các chuyến bay thương mại bằng máy bay Airbus A321.
       
Đến nay, cơ phó Trịnh Hoàng Khánh vẫn còn nhớ như in chuyến bay từ TP.HCM đi Phú Quốc vào ngày 10.3.2017. Khánh bảo, anh nhớ ngày này bởi lẽ, ngày 9.3 nhận được kết quả đánh giá đủ tiêu chuẩn của thầy thì hôm sau Khánh đã được nhận nhiệm vụ ngay.
“Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Phú Quốc có hành trình ngắn nhưng tôi luôn tự nhủ mình phải thật trách nhiệm. Mọi lần bay cùng thầy tôi đều luôn vững tâm. Đến bây giờ, khi không có thầy, thực thi nhiệm vụ độc lập, không có ai chỉ bảo, tôi phải học cách phối hợp và chia sẻ công việc với cơ trưởng. Bây giờ nghĩ về chuyến bay ấy, tôi vẫn thấy rất hào hứng”, anh sôi nổi kể lại.
Khánh chia sẻ, cho đến giờ, sau rất nhiều chuyến bay thương mại, anh cảm thấy may mắn vì các chuyến bay đều an toàn. “Vietnam Airlines có đội bay trẻ, nguồn lực phụ trách kỹ thuật chuyên môn cao, lại thêm việc liên tục cập nhật các công nghệ, thiết bị an toàn mới nên rất hiếm khi xảy ra sự cố. Bất kỳ vấn đề nào phát sinh đều được giải quyết theo quy trình của nhà sản xuất máy bay, quy trình an toàn của Vietnam Airlines và có ngay các phương án để phối hợp với cơ trưởng”.
Khánh bay theo lịch phân công của Đoàn bay 919. Lịch bay được phân công đầu mỗi tháng và cứ làm việc 9 tuần, anh lại được nghỉ một tuần để tái bổ sung và phục hồi năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo. Thời gian nghỉ ngơi, Khánh thường đưa gia đình đi chơi, đi du lịch và tập thể dục thể thao. “Hiện tại, mỗi ngày tôi dành một tiếng rưỡi để tập gym, tập thể lực để đảm bảo sức khỏe cho công việc và cho mỗi kỳ kiểm tra hằng năm”, anh chia sẻ. Khánh còn có một niềm vui là sưu tầm các mô hình từ vật liệu chế tạo máy bay và các đồ lưu niệm đặc trưng ở mỗi sân bay nơi anh đến.
Hỏi về những dự định trước mắt, Khánh chia sẻ tương lai là chuyện khó đoán định. Hiện tại đang là cơ phó, nên Khánh đang phấn đấu để trở thành cơ trưởng, tiếp tục cống hiến năng lực cho những chuyến bay an toàn và nuôi dưỡng tình yêu với bầu trời. Nhìn nụ cười tự tin của Khánh, người đối diện có thể nhận ra rằng, bầu trời phía trước của anh còn thênh thang và rộng mở đầy màu xanh hi vọng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.