Tại... luật
Để tình trạng các DN nợ BHXH diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài như vậy, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan làm ra luật! Ông lý giải: “Hiện nay mức phạt DN nợ BHXH cao nhất chỉ 30 triệu đồng thì không có tác dụng răn đe. Còn kiện DN ra tòa cũng chẳng mấy hiệu quả, vì chỉ xử theo luật dân sự, khi tòa tuyên truy thu, DN lại tiếp tục chây lì...”.
Công nhân làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Minh Nam |
Cũng theo ông Sang, mức phạt quá nhẹ khiến nhiều chủ sử dụng lao động trốn tránh, tìm cách đối phó để chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ. Bên cạnh đó, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều DN chấp nhận phạt vì hiện nay mức phạt còn thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Sau khi đổ tại... luật, ông Sang cũng nhìn nhận có một phần lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có BHXH. Tuy vậy, ông phân trần, dù được giao một nhiệm vụ lớn, nhưng BHXH lại không được giao “vũ khí”, công cụ để thực hiện. “BHXH chẳng có cái quyền xử phạt ai cả. Bức xúc quá, chúng tôi đề nghị Thanh tra Sở LĐ-TB-XH kiểm tra, xử phạt. Nhưng cũng chẳng có kết quả...”, ông Sang nói.
Khi chúng tôi đặt vấn đề lâu nay đã kiến nghị sửa luật ra sao, thì hầu như chưa có một đơn vị nào, kể cả BHXH có văn bản kiến nghị sửa luật.
''NLĐ chính là bị hại, có đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra'' - Luật sư Đặng Trường Thanh |
Không thể xử lý hình sự?
Luật BHXH quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với chức trách của mình, BHXH lâu nay đã chuyển hồ sơ DN nợ BHXH chây lì sang cơ quan điều tra đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hay chưa? Trả lời câu hỏi, thượng tá Lý Thế Sơn, Đội trưởng Đội 9 - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM, nói: “Đến nay, vẫn chưa nhận được hồ sơ nào do cơ quan BHXH chuyển qua”.
Điều đáng nói, dù Luật BHXH nêu có thể xử lý hình sự, một cán bộ PC46 lại cho rằng "không thể khởi tố hình sự DN nợ BHXH". Theo vị cán bộ này: “Việc các chủ DN giữ lại tiền BHXH do NLĐ trích nộp hằng tháng chỉ là hành vi chiếm dụng vốn của cơ quan BHXH chứ không phải là hành vi chiếm đoạt tư lợi cá nhân. Mà chiếm dụng vốn thì chỉ xử theo luật dân sự”.
Trong khi đó, nhiều luật sư khẳng định hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Theo các luật sư, hành vi không đóng BHXH cho NLĐ như trên là có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công dân. Luật sư Đặng Trường Thanh, Đoàn luật sư TP.HCM, viện dẫn: “Theo Điều 138 Luật BHXH, cá nhân có hành vi không đóng BHXH, đóng không đúng thời gian quy định, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật", và phân tích: "Đối với cơ quan BHXH thì DN là một pháp nhân “nợ” tiền BHXH chỉ có thể khởi kiện dân sự, nhưng đối với NLĐ thì ban giám đốc, người đại diện trước pháp luật và kế toán trưởng của DN là những người có những quyết định chiếm giữ số tiền 6% trích từ lương của NLĐ không nộp cho BHXH, đó là hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” (Điều 141 Bộ luật Hình sự). NLĐ chính là bị hại, có đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra”.
Cơ quan quản lý nhà nước thì thờ ơ, không tích cực đôn đốc; cơ quan bảo vệ pháp luật thì vòng vo, đùn đẩy, cuối cùng thiệt thòi chỉ có NLĐ phải gánh chịu.
Cần mạnh dạn khởi kiện Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng phòng luật sư Công đoàn thuộc LĐLĐ TP.HCM, cho biết phòng đã ra đời hơn 6 tháng và đã có những chiến dịch tuyên truyền rộng rãi cho NLĐ, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào đến nhờ tư vấn về thủ tục kiện chủ sử dụng lao động chiếm dụng BHXH. “NLĐ là người có quyền lợi nên phải trực tiếp đi kiện. Sau khi tòa thụ lý, NLĐ có thể ủy quyền cho phòng luật sư hoặc Công đoàn cơ sở nơi họ làm việc kiện DN đòi BHXH. Chúng tôi sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Trong trường hợp người đi kiện gặp khó khăn về tài chính, nếu có đơn xin hỗ trợ, LĐLĐ sẽ hỗ trợ 100% phí luật sư...”. NLĐ có thể đến văn phòng tại 215 Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM, ĐT: 08.38257621, để được tư vấn miễn phí. B.T |
B.Thiên - L.Nga - M.Nam
Bình luận (0)