Xe

Vẫn chưa xác định được số người chết trong vụ sập hầm vàng ở Lào Cai

24/08/2016 14:18 GMT+7

Sáng 24.8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, đã có 7 người thiệt mạng tại địa phương này trong 3 ngày qua.

Theo thông báo số 171 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Lào Cai, trong số 7 người thiệt mạng, có 2 người là công nhân Công ty CP Nhẫn (trụ sở tại phường Túc Duyên, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên): Anh Hoàng Văn Từ (40 tuổi, ngụ ở xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) và Phạm Văn Tự (39 tuổi, ngụ ở xã Mỹ Tâm, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là công ty đang khai thác trong bãi vàng Mà Sa Phìn.
sap-ham-vang
Vợ nạn nhân Bách thuật lại việc chồng mình đi làm phu vàng
5 người khác thiệt mạng đều ở xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), gồm: Triệu Văn Bách (34 tuổi), Trương Văn Nhất (20 tuổi), Bàn Văn Nhung (20 tuổi), Bàn Văn Lợi (17 tuổi) và Bàn Văn Ngân (17 tuổi). 
Nguyên nhân gây thiệt mạng đối với 5 người dân ở xã Cam Cọn, báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN nêu rõ là đang điều tra xác minh, làm rõ. 
Ngoài ra còn cháu Châu A Dế (14 tuổi, ngụ ở xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị mất tích.
sap-ham-vang
Chiếc cầu bắc qua sông dẫn vào bãi vàng bị nước lũ phá hỏng Ảnh Hữu Phương
Sáng 24.8, trao đổi với nhiều phu vàng trong bãi vàng Mà Sa Phìn đang tìm đường ra trung tâm huyện Văn Bàn bắt xe khách về quê, chúng tôi được biết, trong bãi vàng phần lớn là lao động tự do, không có hợp đồng. Không những thế, trong số phu vàng, có rất nhiều em đang ở độ tuổi thiếu niên.
Khẩn trương xác minh thông tin lao động Trung Quốc ở bãi vàng
Nhằm làm rõ những vấn đề liên quan tới việc sử dụng lao động Trung Quốc và trẻ em tại nơi khai thác vàng này, sáng 24.8, phóng viên Thanh Niên đã làm việc với bà Nguyễn Thị Bích Hiền, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Lào Cai.
Theo bà Hiền, hiện tổ công tác kiểm tra đang trên đường tiếp cận hiện trường, chưa làm rõ được một số vấn đề. Chẳng hạn, với những trường hợp là lao động trẻ em thì phải làm rõ xem họ có hợp đồng lao động với công ty hay không? Có được đóng bảo hiểm hay không?
Nếu trong trường hợp không có thì phải xử lý Công ty cổ phần Nhẫn theo đúng quy định của luật pháp và trách hiệm quản lý thuộc về Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh. Ngoài ra, nếu những lao động là trẻ vị thành niên này làm việc chui thì trách nhiệm thuộc về xã, huyện đó.
Về việc có hay không sử dụng lao động Trung Quốc khai thác vàng tại đây, bà Hiền cho biết: "Nếu công ty sử dụng lao động là người nước ngoài thì phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội. Hiện sở đang rà soát việc này và chưa có kết quả cụ thể".
Trước câu hỏi về việc “có hay không các đoàn công tác kiểm tra đảm bảo an toàn lao động trong bãi vàng”, bà Hiền cho biết “do không trực tiếp theo dõi vấn đề này, cho nên phải tổng hợp thông tin, số liệu cụ thể từ các phòng ban... Sau đó sẽ thông báo cụ thể tới báo Thanh Niên”.
Mỏ vàng được cấp phép khai thác
Liên quan đến thông tin mỏ vàng Mà Sa Phìn (xã Nậm Xây) vừa bị sập vốn không được cấp phép, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lào Cai.

Con đường độc đạo dẫn vào bãi vàng Mà Sa Phìn
Một góc của bãi vàng Mà Sa Phìn bị sập
Theo ông Dương, mỏ vàng ở xã Nậm Xây được chia làm 2 phần. Phần thấp có diện tích hơn 10 ha được UBND tỉnh Lào Cai cấp phép khai thác vàng cho Công ty cổ phần Nhẫn từ năm 2011.
Phần trên cao có diện tích khoảng 80 ha là Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác vàng cho Công ty cổ phần Khoáng sản 3. Nhưng từ năm 2016, Công ty cổ phần Khoáng sản 3 lại chuyển đổi cho Công ty cổ phần Nhẫn. Giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp. Như vậy, đến nay pháp nhân duy nhất khai thác vàng tại xã Nậm Xây là Công ty cổ phần Nhẫn.
Trong quá trình khai thác, Công ty cổ phần Nhẫn có liên kết với công ty nào khác hay không thì phía Sở Tài nguyên - Môi trường chưa biết vì không có báo cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.