Tại phiên tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Trong đó, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cũng được dựng lên ngày càng nhiều, nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ sẽ dễ rơi vào “tầm ngắm”.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai |
đậu tiến đạt |
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cũng nêu bật 4 điểm yếu của doanh nghiệp Việt tại Trung Quốc: phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp; Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song sau 30 năm, sản phẩm của nước ta xuất khẩu sang thị trường này không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại; hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
đậu tiến đạt |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch thời gian qua.
Thứ trưởng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác thông tin tham mưu của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự báo, cảnh báo các xu hướng; xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong quá trình làm ăn với các doanh nghiệp bên ngoài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại tọa đàm |
đậu tiến đạt |
Vì vậy, tọa đàm được tổ chức nhằm mục tiêu cụ thể hóa, xác định những biện pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” của Đại hội Đảng XIII và thống nhất phương hướng hợp tác, đề xuất các giải pháp thực chất để ngành ngoại giao và doanh nghiệp cùng đồng hành trong phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Cơ hội lớn đang chờ doanh nghiệp Việt
Bên cạnh những thách thức và khó khăn, tọa đàm thảo luận về cơ hội mới dành cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng những lợi thế từ các hiệp định, thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam với các nước.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, nước này sẽ đẩy mạnh hợp tác thương mại với nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam và cả 2 nước cũng đã có hiệp định thương mại tự do (UKVFTA).
Theo ông Long, những dự án hợp tác liên quan tới kinh tế xanh sẽ được đẩy lên rất nhanh. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long |
đậu tiến đạt |
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cũng chỉ ra những cơ hội lớn mà Việt Nam và Singapore có thể tận dụng vì đây là 2 nước duy nhất trong ASEAN ký Hiệp định thương mại với EU. “Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này phối hợp với Singapore để xuất hàng sang EU”, ông Dũng lưu ý.
Để tận dụng các lợi thế trên, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam (CQĐD) tại nước ngoài cần tiếp tục là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế.
Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Vũ Thanh Sơn khẳng định sự giúp đỡ của các CQĐD đóng một vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Sơn cũng đã chia sẻ về những lần giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và UAE trong việc tiếp cận vào các thị trường này. Theo ông, thông tin từ các CQĐD rất quý giá, bởi đây là thông tin từ chính địa bàn và rất tin cậy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định tọa đàm sẽ là một diễn đàn thông tin hai chiều để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động đặt hàng các trưởng CQĐD thông tin về thâm nhập thị trường nước ngoài, tìm kiếm đối tác đầu tư vào Việt Nam; nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hoặc cơ hội đầu tư ra bên ngoài.
Cần sớm mở lại đường bay quốc tế để thúc đẩy thương mại và khôi phục kinh tế
Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên cho biết cần sớm mở lại chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ vì đây là một nhu cầu cấp bách với các doanh nghiệp cũng như là mong mỏi của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Theo ông Kiên, khi trao đổi với các doanh nghiệp ở Áo, câu hỏi của các doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là bao giờ Việt Nam mở cửa và nếu mở cửa thì sẽ mở cửa như thế nào. Việc trao đổi giao thương không thể chỉ diễn ra trực tuyến được. Việc trao đổi trực tuyến có thể cung cấp cho nhau thông tin và sản phẩm nhưng khi đàm phán thì không thể đàm phán qua mạng.
"Nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam nhưng họ quan tâm đến các điều kiện cách ly và quay trở về, cũng như các câu hỏi như làm việc với ai, việc thăm nhà xưởng, tìm hiểu về nguyên liệu diễn ra như thế nào? Trên thực tế, nếu không vào được thì không thể làm ăn kinh tế được", ông Kiên chia sẻ
Ông Kiên cũng cho rằng, Việt Nam dựa nhiều vào ngoại thương, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu quá lớn nên không thể đóng cửa. Chúng ta phải mở cửa nhưng mở thế nào để đảm bảo an toàn tối đa và vẫn tận dụng giao thương nước ngoài để phát triển.
Ngoài ra, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng rất mong mỏi được trở về thăm gia đình. Đây là hai nhu cầu rất lớn hiện nay đối với việc mở cửa đường bay quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long thì cho rằng, muốn khôi phục kinh tế thì bắt buộc phải mở đường bay. Đây là mong muốn của các sứ quán nhưng bảo đảm an toàn cũng là yêu cầu của Chính phủ.
"Khi tăng cường hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp phải giao thương, giao lưu, các nhà đầu tư phải sang tận nơi gặp mặt nhau trực tiếp bởi hình thức trực tuyến rất khó trao đổi", ông Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)