Vừa rồi, tôi tới một cơ quan công quyền chứng nhận giấy tờ. Thời gian chờ đợi chỉ vài phút là tờ đơn được đóng dấu, song thực sự tôi không hài lòng bởi những dòng bút phê chữ viết quá cẩu thả, không thể nào đọc nổi.
Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock |
Hôm sau, tôi đưa đơn cho anh bạn “dịch thử”, xoay tới xoay lui một hồi, anh cũng lắc đầu bó tay? Nhân chuyện lá đơn của tôi, anh kể: “Cơ quan tôi có anh nhân viên rất có năng lực nên được sếp giao kiểm tra, thực hiện các loại giấy tờ được viết bằng tay, đến khi hồ sơ hoàn thành thì chuyển cho đơn vị khác. Thế nhưng, 10 lần chuyển thì bị trả lại hết 9 lần, vì những người tiếp nhận không tài nào đọc được chữ viết của anh ta”.
Câu chuyện nhỏ này càng cho thấy nét chữ cũng có vai trò cần thiết trong công việc. Trước đây, những người viết chữ đẹp thường được trưng dụng để viết các loại văn bằng, giấy chứng nhận... do các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp, nhưng đến thời kỳ công nghệ thông tin, việc viết lách hầu như ít người sử dụng. Có người nói ngày nay nét chữ không còn vai trò quan trọng nữa. Điều này cũng không sai, song chưa đúng, bởi ngay trong thời điểm hiện nay có không ít tài liệu, giấy tờ... bắt buộc phải viết tay chứ không thể sử dụng vi tính. Có lẽ không ít người từng nhìn thấy nhiều loại sổ sách cơ quan nhà nước cấp cho người dân, mẫu mã được in ấn công phu, màu sắc, hoa văn rất đẹp đẽ nhưng thật tréo ngoe khi trong các trang ấy lại hằn lên những dòng chữ ngoằn ngoèo, chữ “như gà bới”, thậm chí phải căng mắt ra cũng không thể đọc được.
Chữ đẹp không chỉ là nét đẹp truyền thống của cội nguồn văn hóa Việt có từ lâu đời mà nó còn mang giá trị tôn vinh, thể hiện sự kế thừa, gìn giữ cái đẹp. Viết cho người khác bằng những con chữ đẹp là thể hiện tấm lòng, sự trân trọng đối với người mình cần trao đổi, giao dịch và ngược lại sẽ làm khổ người đọc. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước cần lựa chọn, bố trí những nhân viên, công chức viết chữ đẹp, hoặc chí ít cũng là những người có nét chữ rõ ràng để viết các loại giấy tờ cấp phát cho dân.
Bình luận (0)