(TNO) Thẩm tra dự luật Báo chí (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không tán thành nhiều quy định để cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động báo chí.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi
- Ảnh: Ngọc Thắng |
Trình báo cáo thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, về tổng thể, dự luật đã kế thừa những nội dung cơ bản của luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, dự thảo luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh.
Theo cơ quan thẩm tra, về quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí, dự luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
“Quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí”, ông Đào Trọng Thi nói.
Ủy ban này đề nghị ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí.
Việc này, theo lý giải của Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, là nhằm tăng quyền tự chủ, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động, phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, hiện có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dự thảo luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng trên, mà lại duy trì cơ chế bao cấp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 (Đảm bảo trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí; nguồn kinh phí cho cơ quan báo chí chưa bảo đảm chi phí hoạt động).
Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng dự luật cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, báo cáo thẩm tra cho biết, Điều 10 dự thảo luật kế thừa quy định về những nội dung không được thông tin trên báo chí của luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.
Theo Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải cụ thể, minh bạch hóa ngay trong luật theo quy định của Hiến pháp 2013.
“Tuy nhiên, điểm i khoản 2 và khoản 3 lại ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp”, đại diện ủy ban này nói.
Lập văn phòng đại diện: Chỉ thông báo, không cần xin phép
Liên quan đến quy định về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, dự luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân (UBND) địa phương đó.
Theo cơ quan thẩm tra, quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí vì thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương.
Theo ông Đào Trọng Thi, dự luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại điện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí phải gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.
Bình luận (0)