Cơ quan thẩm tra dự luật băn khoăn vì 'Chính phủ giữa đường đổi ý'

Vũ Hân
Vũ Hân
24/08/2018 16:16 GMT+7

Sáng 24.8, Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án luật Thi hành án hình sự với rất nhiều băn khoăn về chất lượng soạn thảo dự luật.

Có nên trình Quốc hội một dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ?
Mở đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã lưu ý các đại biểu “hôm nay phải quyết một vấn đề rất lớn” là phạm vi sửa đổi của dự án luật, vì “Chính phủ giữa đường đổi ý”. Ban đầu đưa vào chương trình chỉ là “luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự”, nhưng vào phút chót, Chính phủ lại đề nghị sửa đổi toàn diện dự án, và đổi tên thành “luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)”.
Cơ quan thẩm tra băn khoăn khi dự án này đã lùi 1 kỳ họp, trễ hơn hẳn các dự án luật trong lĩnh vực tư pháp khác, gây vướng mắc cho việc thực thi trên thực tế; nhưng nếu trình ra Quốc hội thì chất lượng soạn thảo quá thấp.
Theo bà Nga, Chính phủ đề nghị sửa đổi cơ bản 92/182 điều, bổ sung hơn 50 điều, thay đổi kết cấu của luật, bổ sung thêm chương. "Điều băn khoăn lớn nhất là Ủy ban Tư pháp có thể “ôm” được luật này với chất lượng soạn thảo và phạm vi như vậy hay không? Chúng tôi rất lo lắng”, bà Nga bày tỏ và đề nghị các thành viên của ủy ban cân nhắc kỹ.
Trình báo cáo nghiên cứu về dự luật này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng nêu ra nhiều vấn đề còn băn khoăn, như dự thảo còn quá nhiều điều giao Chính phủ quy định chi tiết (15 điều); hồ sơ trình chưa có dự thảo nghị định, trong khi quy định là phải trình cùng lúc để đảm bảo khi luật ban hành có thể thực thi luôn; chưa lấy ý kiến đầy đủ của các đối tượng bị tác động...  
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra hàng loạt các vấn đề cụ thể khác cần xem xét, nên đã đề nghị 2 phương án, hoặc chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 này mà giao Chính phủ chuẩn bị lại, trình tại kỳ họp 7.
Để Chính phủ hoàn thiện hay thông qua trong 3 kỳ họp là “thận trọng hơn”?
Có thể bởi còn nhiều băn khoăn, không thành viên nào của ủy ban chủ động phát biểu, khiến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phải chỉ định từng người bày tỏ chính kiến để đưa vào báo cáo thẩm tra của ủy ban.
Sau khi liên tiếp 3 đại biểu đề nghị chưa trình ra Quốc hội tại kỳ họp này, vào khoảng 10 giờ 23 phút - giữa buổi thẩm tra, Phó chủ nhiệm Nguyễn Công Hồng đứng lên cho biết Bộ Công an (cơ quan chủ trì, soạn thảo) đã gửi thêm 5 dự thảo nghị định, và bày tỏ: nếu trình ra theo quy trình 3 kỳ họp sẽ tranh thủ được ý kiến của Quốc hội và sẽ “thận trọng hơn” là trả về cho Chính phủ hoàn thiện lại, vì có ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Chính phủ trình dự án luật Ảnh NS
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sau đó cũng lên tiếng, cho rằng nếu trả lại Chính phủ soạn thảo “bao giờ đủ điều kiện thì trình” thì không biết đến bao giờ, địa phương không thể đợi được.
Nhiều đại biểu sau đó đồng tình với quan điểm này, trừ đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng “đừng bắt Quốc hội cho ý kiến vào một dự án luật chưa kỹ, tốn thời gian, tốn chi phí” của Quốc hội. Theo đại biểu, một dự án còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau thì mới nên trình, còn nếu “do chuẩn bị chưa kỹ, chưa đến nơi đến chốn, thì nên mang về làm lại”.
Do đó, đại biểu Thủy đề nghị nên tập trung xử lý những vướng mắc hiện nay trước, còn sửa đổi toàn diện thì để Chính phủ hoàn thiện rồi trình sau.
Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, người được ủy quyền thay mặt Chính phủ trình dự án luật, khẳng định sẽ “ôm” luật về làm lại cho kỹ lưỡng, nhưng vẫn bày tỏ nguyện vọng được trình ra Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 để các đại biểu tham gia, với lý do “luật này liên quan đến quyền con người, cần lấy ý kiến rộng rãi”.
Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng tập thể Ủy ban Tư pháp nhất trí trình dự án luật ra Quốc hội ngay kỳ họp thứ 6 để cho ý kiến, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cũng lưu ý cơ quan soạn thảo rút kinh nghiệm việc “giữa chừng đổi ý” và làm luật kiểu “chạy tiếp sức” (nay cử thứ trưởng này đi họp, mai lại giao cho thứ trưởng khác).
“Đáng lẽ tổng kết 10 năm thi hành luật thì Chính phủ phải biết là cần sửa toàn diện, nhưng cách đây 2 năm rưỡi các đồng chí bảo chỉ cần sửa một số điều, giờ lại bảo sửa toàn diện, chúng tôi chạy theo không được”, bà Nga nói rõ và cho biết ngay tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban cũng sẽ để 2 luồng ý kiến (trả lại Chính phủ hoàn thiện hoặc trình ra thông qua trong 3 kỳ họp) để Quốc hội quyết định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.