Cơ quan, tổ chức cũng được quyền tố cáo

23/08/2011 13:03 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những quy định mới được bổ sung vào dự Luật tố cáo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 23.8.

Theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật về một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban TVQH trong dự Luật tố cáo, đa số ý kiến trong thường trực ủy ban này tán thành việc mở rộng quy định người có quyền tố cáo bao gồm cả cơ quan, tổ chức.
 
Bởi, như giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  Phan Trung Lý, đối với những cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, cơ quan, tổ chức hoàn toàn có thể tham gia một cách độc lập vào các quan hệ kinh tế - xã hội và có khả năng chịu sự tác động của các hành vi vi phạm pháp luật nói chung.
 
“Do đó, cần thừa nhận quyền tố cáo của cơ quan, tổ chức để nâng cao trách nhiệm với cộng đồng và cũng là một biện pháp bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
 
Ông Phan Trung Lý cho biết thêm, quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong trường hợp này cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể về cách thức để cơ quan, tổ chức thực hiện quyền tố cáo (có thể thông qua người đại diện, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức) cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong trường hợp tố cáo sai, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
 
Vẫn cho phép tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại
 
Việc có nên cho phép tố cáo bằng thư điện tử, fax hoặc điện thoại hay không vẫn là vấn đề chưa đạt được đồng thuận cao trong thường trực Ủy ban Pháp luật và cả với các Ủy viên Ủy ban TVQH tại phiên thảo luận sáng nay.
 
Theo ông Phan Trung Lý, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, qua điện thoại vì cho rằng “việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tố cáo”.
 
Hơn nữa, hình thức tố cáo như vậy cũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác vẫn băn khoăn về quy định này vì cho rằng “trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cơ chế, nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để quản lý, kiểm tra, xác minh các thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên còn nhiều hạn chế. Do đó, chưa nên quy định tố cáo bằng các hình thức này trong Luật”.
 
Mặc dù vậy, ý kiến chung của đa số thành viên thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhóm ý kiến thứ nhất. “Vấn đề quan trọng không phải tố cáo theo hình thức nào mà là nội dung tố cáo có đầy đủ, chính xác hay không, tố cáo phải đủ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo trung thực, rõ ràng theo quy định (khoản 2 Điều 24) đã nêu trong dự thảo Luật”, ông Phan Trung Lý giải thích.
 
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào thì cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo; nếu thông tin chính xác và có căn cứ để kiểm tra, xác minh thì mới tiến hành thụ lý để giải quyết.
 
Qua thảo luận tại TVQH, đa số đều bày tỏ lo ngại về tính khả thi trong quá trình thực hiện quy định về hình thức tố cáo nói trên. Thậm chí, có ý kiến lo ngại quy định như vậy không những khó khăn cho quá trình tiếp nhận, xác minh mà còn có thể bị các đối tượng lợi dụng phát tán tố cáo trên mạng, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
 
Tuy nhiên, sau giải thích và ý kiến “bảo lưu” quan điểm từ phía cơ quan thẩm tra, nội dung này vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Luật, kèm theo một số quy định chặt hơn để tránh các trường hợp bị lợi dụng hình thức tố cáo này làm tổn hại đến uy tín của người khác.
 
Theo nghị trình, dự Luật tố cáo sẽ được QH thảo luận và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.