Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 2.100 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 10%, số tử vong giảm 46% nhưng gia tăng các vụ ngộ độc lớn, với hàng trăm người mắc.
Liên quan công tác an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế cứu chữa các bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là truy xuất đến cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Đáng lưu ý, sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cùng với Bộ NN-PTNT, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi, ông Tuyên cho biết.
Thực phẩm trôi nổi đóng mác an toàn
Theo đánh giá của một lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm Bộ Y tế, tại các địa phương, chính quyền cơ sở, cơ quan trực tiếp quản lý về an toàn thực phẩm cần giám sát chặt chẽ các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Ví dụ như vụ ngộ độc thực phẩm mới ghi nhận trong tháng 5 khiến hàng trăm công nhân nhập viện, chúng tôi phát hiện cơ sở đó đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng họ mua thực phẩm trôi nổi về để đóng mác thực phẩm an toàn", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Theo vị lãnh đạo này, cả nước có tới hơn 9 triệu hộ nông dân trồng rau nuôi gà, cung cấp nhỏ lẻ nên khó thay đổi ngay về an toàn thực phẩm liên quan nguồn cung, nhưng thực tế này cũng cho thấy cần phải chú trọng vấn đề quy hoạch, mở rộng vùng Vietgap (khu vực thực hiện tốt các quy định về sản xuất nông nghiệp - PV).
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương cần giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; chế biến, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, không chấp nhận tình trạng xin cấp phép, thẩm định thì đạt quy định nhưng thực tế lại không tuân thủ nghiêm.
Xử phạt chưa phản ánh hết thực tế vi phạm
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng nêu thực trạng, trong hầu hết vụ ngộ độc phát hiện gần đây, nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm vi sinh vật, nhưng vẫn còn tình trạng chưa xác định đầy đủ các nguyên nhân, do không lấy được mẫu thực phẩm. Thực tế đó cho thấy các cơ sở chế biến, kinh doanh không tuân thủ quy định lưu mẫu, chưa kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào.
"Mua sản phẩm trôi nổi rồi đóng nhãn Vietgap là các vi phạm từng xảy ra rồi, chứ không phải mới đây", một đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết thêm.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 345 vụ liên quan an toàn thực phẩm, phạt trên 6 tỉ đồng. Trong đó, phát hiện hàng tấn thịt lợn, mỡ lợn, chân vịt đông lạnh không rõ nguồn gốc.
"Mức phạt này chưa phản ánh hết hiện trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong thực tế", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nhận định.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thực hiện 5 nội dung về an toàn thực phẩm. Cụ thể:
Kiện toàn an toàn thực phẩm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc.
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21.10.2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 13/2016 của Thủ tướng; Chỉ thị 17/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 44/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn thực phẩm.
Không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, vẫn hoạt động; kiểm soát chặt chẽ, không để thực phẩm trôi nổi vào bếp ăn tập thể.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất không ký hợp đồng với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và các cơ sở sản xuất, cung ứng thực phẩm. Đặc biệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi mua lương thực, thực phẩm ở những nơi an toàn, không mua các sản phẩm trôi nổi.
Bình luận (0)