Cơ sở mầm non tư thục: Nỗi lo mất nhân sự sau đại dịch

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
23/10/2021 07:18 GMT+7

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, TP.HCM có gần 10.000 giáo viên mầm non đã mất việc. Không thể chờ tới ngày trường được mở cửa, nhiều người trong số họ chuyển ngành, tìm kiếm công việc mới.

Điều này khiến nhiều nhà giáo dục, chủ các trường tư thục thêm lo lắng về vấn đề nhân sự khi được mở cửa.

Giáo viên chuyển nghề

7 giờ, thay vì đón và chăm sóc trẻ mầm non như trước đây thì bây giờ cô Trịnh Thị Lan (34 tuổi, H.Yên Định, Thanh Hóa) đã có mặt ở căn tin của Bệnh viện H.Yên Định. Cô bắt đầu công việc mỗi ngày của mình với việc quét dọn, lau chùi, chuẩn bị chén bát, sau đó là nhập hàng, kiểm hàng, báo cáo doanh thu… Những công việc này không phải là chuyên ngành của mình nhưng cô Lan đều làm thoăn thoắt, không nề hà bất kỳ việc gì.

Cô là giáo viên (GV) mầm non ở nhóm trẻ mầm non Tháng 10 (H.Hóc Môn, TP.HCM). Với mức lương khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của cô và con gái trước đây chỉ đủ chi tiêu cơ bản nếu thật tiết kiệm. Dịch ập đến, cô Lan vội vàng đưa con về quê vì lo ngại trường học đóng cửa lâu dài. Một mình nuôi con, nên về quê được thời gian thì cô tất bật đi tìm việc ở nhiều nơi, may mắn được nhận vào nơi làm mới.

Cô Lê Thị Mỹ Linh, giáo viên mầm non ở TP.HCM hiện đang làm công việc khác ở quê

NVCC

Tương tự, câu chuyện của cô Lê Thị Mỹ Linh (24 tuổi, TT.Phước Dân, H.Ninh Phước, Ninh Thuận). Gần 2 tháng nay, cô Linh mỗi ngày đều tất bật ngồi vắt sổ, may áo quần tại một công ty gần nhà. Linh là GV Trường mầm non Bee (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nhưng vào đầu tháng 5 khi trường nhận được văn bản về việc cho học sinh nghỉ học thì cô khăn gói về quê thăm cha mẹ.

“Lúc đầu mình cũng chỉ nghĩ về quê 1 - 2 tuần rồi vào làm lại như trước đây nhưng không ngờ dịch sau đó cứ kéo dài hết tháng này đến tháng khác, nên đầu tháng 6 mình bắt đầu đi làm cho một công ty may gần nhà. Công việc khá vất vả, nhưng bù lại có thêm thu nhập để hỗ trợ gia đình”, cô Linh chia sẻ.

Nói về dự định tương lai của mình, Linh ngập ngừng: “Đến giờ trường mầm non vẫn đóng cửa im lìm nên bọn em cũng không biết tính toán sao”.

Nhiều GV mầm non làm việc tại các cơ sở mầm non tư thục khác ở TP.HCM đều phải tìm kiếm cho mình một công việc khác khi trường học đã đóng cửa gần nửa năm trời.

Covid-19 sáng 23.10: 881.522 ca nhiễm, 803.326 ca khỏi | TP.HCM hỗ trợ đợt 3 đến tháng 11

Trường lo mất nhân sự

Sự dịch chuyển nghề nghiệp của GV mầm non do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang là nỗi lo lớn của các chủ trường mầm non.

Là chủ trường mầm non tư thục lớn, cô Nguyễn Thị Lành, Trường mầm non 1.6 (Q.Bình Tân, TP.HCM), nhận định: “Lực lượng GV mầm non ở các cơ sở ngoài c ông lập nhiều tháng rồi không có việc làm, chịu áp lực về vấn đề kinh tế, cuộc sống. Ngoài ra, lương của ngành này thấp, không đủ tích lũy, nhiều tháng liền không có thu nhập khiến họ phải suy nghĩ lại về công việc của mình”.

Các cơ sở mầm non đóng cửa nhiều tháng qua để phòng chống dịch

nguyễn loan

Trong khi đó, ở góc nhìn vừa là chủ trường vừa là nhà đầu tư thì ông Tạ Ngọc Việt, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường mầm non Việt Reschool (Q.Bình Tân), cho rằng đại dịch không chỉ khiến GV mầm non dịch chuyển nghề nghiệp mà nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà khi đầu tư vào giáo dục mầm non.

“Bây giờ nếu trường có hoạt động lại thì chúng tôi vẫn lỗ nặng vì lượng học sinh sau dịch sẽ giảm đi rất nhiều vì số trẻ theo cha mẹ về quê nhiều, quy định giãn cách trong lớp học, tâm lý e ngại của phụ huynh.... trong khi chi phí vận hành khó lòng cắt giảm. Hiện tôi đã đầu tư hơn 50 tỉ để làm trường mầm non, nếu tôi dùng số tiền này đầu tư vào bất động sản, siêu thị, hàng hóa… thì lợi nhuận thu lại sẽ tốt hơn”, ông Việt nhận định.

Về nỗi lo nhân sự, ông Việt cũng cho rằng chắc chắn lĩnh vực mầm non sẽ mất rất nhiều nhân sự sau đợt dịch này vì hiện nay hầu hết các trường đều không còn khả năng chi trả lương cho người lao động. Nếu họ tìm được công việc tốt, mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn thì họ sẽ khó lòng quay lại với nghề, khi trường học cứ mở được ít tháng lại đóng.

Theo ông Việt, mức lương GV mầm non dao động từ 6 - 8 triệu đồng. Trong mùa dịch nhiều GV họ chuyển sang việc khác, như bán hàng trực tuyến… cũng có thể kiếm được mức lương tương đương, thậm chí cao hơn. Trong đó, nhiều người họ còn có gánh nặng gia đình, con cái, họ cần một khoản thu nhập ổn định cùng các chính sách hỗ trợ để duy trì cuộc sống và lo cho gia đình.

“Có rất nhiều yếu tố, nhưng nếu chỉ tâm huyết thôi không đủ để giữ mọi người lại”, ông Việt nói. “Chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ từ Chính phủ, ví dụ về lãi suất vay dựa trên quy mô đầu tư để cho những nhà đầu tư lĩnh vực giáo dục mầm non có thể chạm được đến những gói hỗ trợ này. Hiện nay có rất nhiều chính sách vay ưu đãi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào chạm tay tới”, ông Việt đề xuất.

Trường mầm non tư thục chiếm hơn 65% ở TP.HCM

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng vai trò của mầm non tư thục rất quan trọng, góp phần “chia lửa” với lĩnh vực mầm non ở TP.HCM khi dân số đông và tăng mạnh hằng năm.

Hiện TP.HCM có 1.368 trường mầm non, trong đó 896 trường là mầm non tư thục, chiếm 65,5%. “Vai trò rất lớn trong việc “chia lửa”, nếu không có các cơ sở mầm non ngoài công lập thì TP.HCM không thể nào kham nổi. Hiện mỗi phường đang có khoảng một trường công lập nhưng với tình trạng tăng dân số nhanh từ người nhập cư hằng năm thì mầm non công lập không thể nào đáp ứng đủ”, bà Điệp nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.