Tháng 7.1976, tàu thăm dò Viking 1 hạ cánh xuống sao Hỏa (ảnh), thu thập mẫu vật và không tìm thấy vết tích của sự sống nơi hành tinh đỏ. Tuy nhiên, sau hơn ba thập niên, với sự phát triển của các thuật toán phân tích tinh vi, phức tạp hơn, các nhà khoa học cho rằng các mẫu thu thập được đủ điều kiện để vi sinh vật phát triển.
|
Theo các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Keck và Đại học Siena, từ kết quả tái phân tích mẫu vật của tàu Viking 1 cùng dữ liệu do tàu Phoenix thu thập được vào năm 2008 với sự tồn tại của chất perchlorate, cho thấy đó là môi trường thích hợp đối với vi khuẩn dù các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất kết luận cuối cùng.
Nhà khoa học Christopher McKay thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA nhận định rằng dấu vết các chất hữu cơ chưa thể coi là bằng chứng của sự sống. Josheph Miller thì lại kỳ vọng vào chiếc kính hiển vi gửi lên sao Hỏa sẽ thu được một đoạn video thấy được sự dịch chuyển của vi khuẩn. Nếu có đoạn phim này thì sự tồn tại của vi sinh vật là 99%.
Để có câu trả lời chính xác, hàng loạt sứ mạng nghiên cứu sao Hỏa đang được triển khai. Theo báo Daily Mail, dự án tàu thăm dò Curiosity mang theo 10 thiết bị hiện đại sẽ được triển khai vào tháng 11 năm nay để đổ bộ xuống bề mặt sao Hỏa. Năm 2016, kế hoạch ExoMars Trace Gas Orbiter với 5 thiết bị khoa học tối tân khác sẽ được triển khai để nghiên cứu thành phần bầu khí quyển sao Hỏa với hy vọng tìm ra dấu vết của khí mê tan.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)