Có thể buôn để làm giáo dục chứ không buôn giáo dục!

11/06/2011 18:54 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT trường Đại học (ĐH) Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh như vậy.

* Tại cuộc hội thảo "Chiến lược phát triển của trường ĐH Phan Châu Trinh trong giai đoạn mới" vừa tổ chức tại Hội An, ông có phát biểu: Muốn cải cách giáo dục một cách thực sự, cần phải thực hiện tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Phan Châu Trinh chỉ ra rằng: chỉ trên cơ sở dân trí được khai sáng, dân khí bừng lên mạnh mẽ, mới có thể mưu tính “hậu dân sinh”, xây dựng những con người năng nổ, có bản lĩnh vững và kỹ năng giỏi, cho phát triển kinh tế và xã hội, cho dân giàu nước mạnh, đuổi kịp năm châu.

 
Chỉ có những ngôi trường trung thực mới tạo nên được con người trung thực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vế đầu tiên trong phương châm của Phan Châu Trinh là Khai dân trí, vế cuối mới là Hậu dân sinh. Mở mang đầu óc con người đã, giải phóng họ ra khỏi sự u tối, trì trệ, tạo nên con người độc lập, tự chủ, sáng tạo (tạo Dân khí), rồi sau đó mới có thể nói đến có được một nghề giỏi giang, để đi đến giàu có, phát đạt (Hậu dân sinh). Trong thời hiện đại của chúng ta, chúng tôi hiểu khai dân trí là cố gắng trang bị cho người học một nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, phổ quát, không chỉ để làm cơ sở vững chắc cho việc học sâu vào chuyên ngành, mà còn để cho con người ấy có được ý chí và khả năng tiếp tục tự học suốt đời để luôn tự chủ suốt đời (bởi người ta không thể ngồi ở nhà trường suốt đời, nhưng lại phải học suốt đời). Đi đôi với nền tảng tri thức nhân văn cơ bản, là các kỹ năng cần thiết, như: làm chủ vững chắc ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh), có hiểu biết về tin học, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, có tư duy phản biện lành mạnh, dám hỏi, biết hỏi, và biết tự mình đi tìm câu trả lời…

* Với tư cách là Chủ tịch HĐQT của trường ĐH mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông chọn cách đi của trường như thế nào trong tình hình hiện nay?

- Chúng tôi muốn làm một nghĩa thục, như Phan Châu Trinh từng làm. Nghĩa là không buôn bán giáo dục. Cuộc vật lộn trong hơn 3 năm qua của trường ĐH Phan Châu Trinh cũng chính là chung quanh vấn đề hướng đi này.

 
Nhà văn Nguyên Ngọc

Hãy nhớ lại Phan Châu Trinh và các đồng chí tâm huyết nhất của ông thời bấy giờ. Các ông đi buôn để làm giáo dục nhưng không buôn giáo dục. Cụ thể: các ông lập Công ty Liên Thành, đi buôn đến cả nước mắm, để làm giáo dục khai dân trí, từ đó mà cứu nước (rất thú vị, Công ty Liên Thành được lập từ thời ấy đến nay vẫn còn và vẫn làm ăn phát đạt). Chúng tôi muốn đi theo con đường đó, tìm mọi hình thức, đa dạng, năng động, sáng tạo “đi buôn”, để nuôi một ngôi trường nghĩa thục. Rất linh hoạt, nhưng để đi đến nghĩa thục. Đây là con đường rất khó khăn, nhưng chúng tôi quyết làm.

Tôi cho rằng coi thường mô hình ĐH cộng đồng là một trong những sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam

Vì sao phải làm nghĩa thục? Tôi không tin một ngôi trường buôn bán giáo dục lại có thể tạo nên những con người như ta đang muốn tạo cho đất nước: trung thực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao với xã hội, giỏi giang, thành đạt ở đời. Một con người như vậy chỉ có thể được tạo nên bởi một nền giáo dục trung thực. Như chúng ta đều biết, một căn bệnh hiểm nghèo đang gặm nhấm đến xương cốt xã hội chúng ta, là bệnh giả dối. Trong giáo dục, giả dối cũng đang tràn ngập. Chỉ có thể chống lại căn bệnh chết người ấy, cứu xã hội, cứu đất nước, bằng một nền giáo dục trung thực, những ngôi trường trung thực, con người trung thực từ trên ghế nhà trường. Một ngôi trường buôn bán giáo dục thì tức đã dối trá ngay từ đầu. Chỉ có những ngôi trường trung thực mới tạo nên được con người trung thực, cho xã hội trung thực.

Hiện các trường ĐH tư được xem như các công ty cổ phần, tức các hội buôn, ai muốn tham gia phải bỏ tiền, và ai nhiều tiền hơn thì chỉ huy tuyệt đối và toàn diện ngôi trường! Gần đây hiện tượng “bán trường” đang diễn ra ngày càng trắng trợn và phổ biến. Chúng tôi muốn thoát ra tình cảnh thê thảm đó.

* Hiện nay đa phần học sinh không thích dự thi vào các trường cao đẳng (CĐ) hay học nghề. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tôi đã nghe nhiều trao đổi sôi nổi về các trường “đẳng cấp quốc tế” đang được nhà nước bỏ tiền rất lớn đầu tư để vào tốp nọ tốp kia. Hẳn đều tốt cả thôi. Duy chỉ có điều không thấy ai nhắc một câu, một chữ, đến các khoa học xã hội nhân văn!

Và tại sao không làm CĐ? Đúng hơn đây là mô hình ĐH cộng đồng 2 năm, có liên thông tốt, mềm với ĐH 4 năm. Trong hội thảo vừa qua, một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm trong giáo dục và từng nghiên cứu sâu về ĐH Mỹ, cho biết: ở Mỹ có những ĐH rất lớn và lừng danh như Harvard, Princeton, MIT… nhưng bên ấy người ta tự hào nhất không phải là về các ĐH đó mà là về hệ thống ĐH cộng đồng của họ! Tôi cho rằng coi thường mô hình ĐH cộng đồng là một trong những sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam. Chúng ta nghèo mà bao giờ cũng chỉ muốn “chơi sang”. CĐ (hay ĐH cộng đồng được liên thông tốt) vừa đảm bảo cho con người sớm có nghề, là việc hết sức thiết thực, đồng thời cũng là tạo đầu vào tốt cho ĐH. Miền Trung nghèo, rất nên suy nghĩ về điều này.

Và cũng cần nghĩ đến một hình thức dự bị ĐH, vì nhiều lý do: Với lối học và thi hiện nay, các em không qua được kỳ thi ĐH chưa hẳn tất cả đều là kém. Thậm chí những em có tư duy độc lập lại thường dễ bị trượt trong lối học và thi “thuộc lòng” còn chưa chữa được hiện nay. Cần tạo lại cơ hội cho các em. Mặt khác, lối học ở phổ thông hiện nay quả thật không chuẩn bị được tốt cho sinh viên vào ĐH, khiến ĐH thành một thứ “phổ thông cấp 4” (mà cũng là phổ thông tồi). Cần chuẩn bị lại cho các em cách học ĐH (đúng ra là cách học nói chung, kể cả ở phổ thông) mà chúng ta đã làm hỏng. 

Mai Nhung
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.