Có thể cho điểm từ lớp 4, 5

22/08/2016 07:52 GMT+7

PGS Nguyễn Đức Minh, GĐ Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN đã trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên xung quanh việc sửa Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học trong thời gian tới.

PGS Nguyễn Đức Minh cho biết: “Chúng tôi kiến nghị với Bộ GD-ĐT tất cả những gì vì học sinh (HS) thì chúng ta nên quyết tâm thực hiện, những khó khăn, bất cập nếu có thì tìm cách sửa và khắc phục”.
Vậy theo ông Thông tư 30 sẽ sửa theo hướng nào?
Mục tiêu của Thông tư 30 rất rõ, tuy nhiên trong nội dung cần phải chỉnh sửa theo hướng đơn giản, dễ hiểu nhất và không gây khó khăn, bức xúc cho giáo viên (GV) nhưng vẫn giữ quan điểm giúp HS thường xuyên tiến bộ. Điều quan trọng là những quy định không tạo gánh nặng cho GV nhưng trong đánh giá thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ, trong bất cứ hoạt động giáo dục nào thì GV vẫn nhận ra HS của mình có điểm nào tốt, điểm nào cần khắc phục, cần phát triển để nhận xét, hướng dẫn kịp thời cho HS.
Sửa Thông tư 30 cần theo hướng không bắt GV làm quá nhiều việc hành chính. Một lời nhận xét, khích lệ, động viên HS kịp thời của GV sẽ tốt hơn nhiều những lời nhận xét vô bổ, vô cảm ghi trong hồ sơ, sổ sách.
Có thể cho điểm từ lớp 4, 5
PGS Nguyễn Đức Minh
Tinh thần là trong đánh giá HS tiểu học, việc đánh giá thường xuyên đặc biệt quan trọng chứ không phải đánh giá cuối kỳ, cuối năm. Điều chỉnh Thông tư 30 cần thực hiện theo hướng chú trọng đánh giá tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục để giúp HS tiến bộ, phát huy tối đa khả năng của mỗi HS chứ không phải chỉ chú trọng vào 1 - 2 môn học.
Điểm số không có nhiều ý nghĩa đối với HS các lớp 1, 2, 3. Với lớp 4, lớp 5 có thể tăng cường cho điểm và tăng dần theo mức độ phát triển của mỗi trẻ. Điều quan trọng là những điểm số trong đánh giá HS chỉ sử dụng cho GV, cho mỗi HS và phụ huynh của HS đó nếu cần thiết, không được công khai cho tất cả HS và không được mang ra so sánh giữa các HS trong lớp.

tin liên quan

Sửa Thông tư 30 để không làm khó giáo viên
Đánh giá những mặt tích cực góp phần thay đổi cách thức đánh giá đối với học sinh (HS) tiểu học theo Thông tư 30 nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc thực hiện, đánh giá thường xuyên giáo viên còn gặp khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định.
Theo ông có nên quay lại việc chấm điểm nhưng cùng với điểm là tăng cường nhận xét và không công khai điểm số ấy trước tập thể?
Không nên quay lại việc chấm điểm thường xuyên. Với HS tiểu học, điểm số ít có giá trị trong việc giúp HS tiến bộ. Điểm số không giúp HS nhận biết được những điểm mạnh, hạn chế của mình trong từng hoạt động học tập và rèn luyện. Bỏ chấm điểm là để GV chú trọng vào việc nhận xét thường xuyên nhằm động viên, giúp HS kịp thời điều chỉnh ngay trong quá trình học tập rèn luyện. Có điểm là phụ huynh sẽ chỉ quan tâm tới điểm số rồi so điểm của con mình với con người khác mà không quan tâm con mình đã cố gắng, đã tốt hơn so với chính nó hay chưa.
Khi chỉ đạo sửa Thông tư 30, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng sẽ phải tăng đánh giá định lượng bằng cách xếp loại A, B, C, D đối với mỗi môn học. Liệu điều này có gây khó khăn, nặng nề so với cho điểm?
Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là không phải nhằm xếp hạng HS. Sử dụng các mức độ A, B, C, D không chỉ đánh giá HS về kiến thức, kỹ năng mà còn cả về các biểu hiện của mỗi phẩm chất, năng lực của HS. Ví dụ HS nhóm A sẽ gồm những HS có kiến thức, kỹ năng tốt, có một số năng lực nào đó nổi trội nhưng không có nghĩa HS ở nhóm D là kém so với nhóm A bởi vì dù có ở nhóm này thì mỗi HS vẫn có thể nổi trội về một mặt nào đó.
Việc xếp nhóm như vậy sẽ không gây cho HS tâm lý tiêu cực mà để HS và phụ huynh biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, điểm nào cần phát huy và điểm nào cần khắc phục. Xếp mức độ đạt được của HS về từng mặt là để tìm biện pháp hỗ trợ chứ không phải để xếp hạng. Việc xếp mức độ này cũng không công khai cho tập thể lớp, mục tiêu là giúp từng HS phát triển và phải cụ thể hóa hỗ trợ ở điểm gì, như thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.