Có thể chưa áp dụng luật Nghĩa vụ quân sự mới

13/01/2015 04:14 GMT+7

Dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ GD-ĐT.

Dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ GD-ĐT.
Thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự - Ảnh: Diệp Đức MinhThanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo thiếu tướng Nguyễn Thiện Minh, dự luật Nghĩa vụ quân sự mới sẽ được Quốc hội (QH) thông qua vào năm 2015. Như vậy, nhiều khả năng trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, luật này vẫn chưa có hiệu lực thi hành, do đó việc gọi công dân nhập ngũ vẫn áp dụng luật và các nghị định, thông tư hiện hành.
2 phương án về độ tuổi nhập ngũ
Nếu luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi được thông qua, quy định xét tạm hoãn gọi nhập ngũ có điểm gì mới so với quy định hiện hành cả đối tượng và độ tuổi, thời gian tại ngũ?
Về xét tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, đối với học sinh và sinh viên, dự luật quy định: “Đang học tại trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học; đang học chương trình ĐH thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân” mới được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Về thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ, theo dự luật, là 24 tháng. Như vậy so với luật hiện hành, thời gian phục vụ tại ngũ sẽ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, hiện có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1, từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; phương án 2 từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi. QH thông qua phương án nào thì thực hiện theo phương án đó.
Trong dự luật có một điểm gây nhiều tranh cãi là sinh viên trúng tuyển vào các trường ĐH hệ chính quy tập trung mới được xem xét tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Điều này có nghĩa, sinh viên trúng tuyển vào trung cấp, CĐ, ĐH không chính quy sẽ không thuộc đối tượng trên. Vậy khả năng quy định này có được điều chỉnh khi luật được ban hành không?
Có điều chỉnh hay không điều chỉnh tôi nghĩ rằng không quan trọng, bởi vì nếu không đi trước thì sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn phải nhập ngũ. Đối tượng học hệ không chính quy tập trung bậc ĐH, sinh viên CĐ, học sinh trung cấp nếu được gọi nhập ngũ cũng đã đủ chỉ tiêu quân số nhập ngũ hằng năm rồi. Để ổn định khối này, tôi cho rằng nên có một lượng sinh viên ĐH chính quy sau khi tốt nghiệp vào quân ngũ để đảm bảo cả chiều rộng và chiều sâu, chất lượng và trình độ quân nhân tại ngũ trong quân đội sẽ được tăng lên.
Chỉ tạm hoãn khi đã làm xong thủ tục nhập học
Theo quy định hiện nay, khi công dân trúng tuyển mới chỉ nhận được giấy báo nhập học mà chưa làm xong thủ tục nhập học sẽ phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trước. Quy định này trong dự luật sửa đổi có gì mới?
Khi luật được QH thông qua và ban hành, các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành luật. Tôi nghĩ vấn đề này cơ bản vẫn giữ như thông tư hiện hành. Khi công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, còn khi đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tại trường mới được tạm hoãn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp đã nhập học rồi vẫn xin bảo lưu kết quả để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Các đối tượng trúng tuyển ĐH, CĐ nhưng không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ, việc bảo lưu kết quả học tập và thủ tục cụ thể theo luật mới sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng về điểm này không có gì thay đổi so với luật và nghị định, thông tư hướng dẫn cũ. Thông tư liên tịch số 13/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 22.1.2013 của liên bộ Quốc phòng - Bộ GD-ĐT quy định: “Công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.