Có thể hết dịch Covid-19 sau khi đạt miễn dịch cộng đồng?

Liên Châu
Liên Châu
12/10/2021 04:05 GMT+7

Các chuyên gia nhận định Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng khi 70 - 80% dân số được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Vậy khi đạt miễn dịch cộng đồng, dịch Covid-19 có thể biến mất không?

Vắc xin và tế bào nhớ

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, về lý thuyết, người đã tiêm vắc xin sẽ có miễn dịch chống lại vi rút, nhưng không phải ai cũng có miễn dịch này, vì không có vắc xin nào đạt hiệu quả sinh miễn dịch 100%.

Hiện tại và ngay cả khi vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% cộng đồng thì chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K; tăng cường giám sát các ca mắc mới và chưa thể “mở toang” mà bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch.

Hạn chế lây nhiễm Covid-19 chính là hạn chế phát sinh các biến chủng mới nguy hiểm có khả năng phá vỡ mọi thành quả bảo vệ do vắc xin đem lại.

TS-BS Phạm Quang Thái

Với một số loại vắc xin, khoảng 90 - 95% người được tiêm có miễn dịch, nhưng cũng có vắc xin, tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 70%. Với vắc xin Covid-19, tùy loại vắc xin, tỷ lệ người có miễn dịch phòng nhiễm sau tiêm khoảng 60 đến hơn 90%.

Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và tử vong ở hầu hết các vắc xin Covid-19 đều đạt trên 90%, thậm chí có vắc xin phòng nhiễm chỉ ở mức 70% nhưng phòng thể nặng và tử vong lại đạt trên 99%.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

Ngoài ra, vắc xin giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra tế bào nhớ. Do đó dù khá lâu sau khi tiêm, khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập, hệ thống miễn dịch lại được tái kích hoạt nhanh chóng hơn để tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Tiêm đủ liều vắc xin và đạt miễn dịch cộng đồng giúp giảm số ca nặng và kiểm soát dịch

Đậu Tiến Đạt

Miễn dịch giảm dần theo thời gian

Chuyên gia tiêm chủng cho hay, sau tiêm vắc xin, lượng miễn dịch được sinh ra ở mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch và khả năng dung nạp của cơ thể (mang tính cá thể). Ví dụ, có người tiêm đến 4 mũi vắc xin viêm gan B nhưng cơ thể vẫn không hề có kháng thể kháng vi rút viêm gan B.

Ngoài ra, TS-BS Phạm Quang Thái lưu ý, sau tiêm các vắc xin, mặc dù có miễn dịch nhưng miễn dịch này cũng giảm dần theo thời gian và tốc độ giảm cũng khác nhau với mỗi người.

Thông thường, sau khi tiêm vắc xin hoặc bị nhiễm tác nhân gây bệnh, cơ thể sẽ liên tục biệt hóa các tế bào miễn dịch để sản xuất kháng thể (miễn dịch dịch thể) và các tế bào có khả năng tiêu diệt mầm bệnh hoặc tế bào bị nhiễm vi rút (miễn dịch qua trung gian tế bào), nhưng quá trình này sẽ giảm dần khi không còn tác nhân gây bệnh nữa, miễn dịch cũng mất dần do cơ chế thanh thải này. Đây là điều bình thường, bởi cơ thể không lãng phí trong việc liên tục sản sinh ra thêm mãi các tế bào miễn dịch khi không còn tác nhân gây bệnh đó. Khi lượng kháng thể giảm đến mức rất thấp, nếu phơi nhiễm sẽ có thể bị nhiễm vi rút và thậm chí mắc bệnh.

“Như vậy, mặc dù đã được tiêm vắc xin Covid-19, người được tiêm vẫn có thể mắc bệnh, dù tình trạng bệnh có thể nhẹ hơn. Đó là lý do mỗi người tuyệt đối không chủ quan”, bác sĩ Thái nói.

Chuyên gia tiêm chủng cho biết thêm ở vùng lưu hành dịch thì miễn dịch được tạo ra do nhiễm vi rút. Nhiễm vi rút tự nhiên cũng sẽ kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch, và quá trình này tiếp diễn khi xảy ra các đợt dịch kế tiếp nhau. Đó cũng là lý do, ở vùng có dịch, sau thời gian, số đông trong cộng đồng cũng sẽ có miễn dịch.

TP.HCM quyết liệt tìm giải pháp giảm nguy cơ F0 mắc Covid-19 tử vong

Đạt miễn dịch cộng đồng sẽ không có dịch lớn

Một người khi có miễn dịch với vi rút gây bệnh sẽ bảo vệ họ không mắc bệnh và bảo vệ người khác không mắc một cách gián tiếp vì không tiếp tục lan truyền dịch. Khi một cộng đồng có tỷ lệ rất cao những người miễn nhiễm (do đã mắc bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin, hoặc cả hai), nếu có trường hợp mang vi rút xâm nhập sẽ không lây lan dịch hoặc nếu có hiện tượng lây nhiễm cũng sẽ rất nhanh kết thúc. Do đó, dịch sẽ nhanh chóng được dập tắt. Khi đạt miễn dịch cộng đồng cao thì sẽ không bùng phát dịch.

Tuy nhiên, TS Phạm Quang Thái phân tích, khi đã bao phủ vắc xin trên diện rộng, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng khá cao (70 - 80% người được tiêm), vẫn có thể có dịch lẻ tẻ, rải rác. Nguyên nhân là do vẫn còn 20 - 30% người chưa được tiêm, và bản thân các vắc xin cũng không đạt tỷ lệ bảo vệ tuyệt đối với tất cả những người đã được tiêm, vì vậy vẫn có nguy cơ nhiễm và lây bệnh.

“Với Covid-19, cũng cần lưu ý thêm, người sau tiêm vắc xin có thể nhiễm vi rút mà không có triệu chứng bệnh, đồng thời tải lượng vi rút vẫn cao nên hoàn toàn có thể vẫn lây cho người khác”, bác sĩ Thái chia sẻ và khuyến cáo: “Ngay cả với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì vẫn cần phải tiêm nhắc lại sau khoảng thời gian (tùy thuộc loại vắc xin, khả năng tiếp cận vắc xin, diễn biến dịch...), vì miễn dịch trong cơ thể giảm dần, như đã nêu ở trên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.