Rapper Đen Vâu nhận định: “Hiện các bạn trẻ trong làng rap Việt mới 18, 20 tuổi nhưng viết rap rất hay. Vì vậy, tương lai của những rapper này sẽ rất tươi sáng vì không phải mất thời gian loay hoay tìm cộng đồng như thời của mình”.
Sống tốt nhờ... rap
Mặc dù còn là sinh viên Trường ĐH Duy Tân (TP.Đà Nẵng) nhưng Hoàng Ngọc Ngân Hà đã có thể hoạt động như một rapper. Dù vẫn dành thời gian cho việc học, nhưng "kho" bài hát của Hà đã lên tới gần 500 bài. Thể loại rap của Hà là rap melody, chú trọng vào giai điệu tương tự những nghệ sĩ lâu năm trong làng rap Việt như Kimmese, JustaTee.
Học một ngành nghề thoạt nghe có vẻ không liên quan đến nghệ thuật nhưng thực tế, ngành quản trị khách sạn đã bổ trợ rất nhiều cho Hà từ việc chỉn chu ngoại hình trên sân khấu, cho đến cách trò chuyện, giao tiếp.
“Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ là một người làm nhạc rap nhưng may mắn sau 5 năm hoạt động, mình luôn có các show diễn thường xuyên, ổn định. Bây giờ không cần là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, hát rap cũng có thể tạo ra được một nghề tốt cho mình", Hà chia sẻ.
Học ngành truyền thông đa phương tiện nhưng Nguyễn Trần Tâm (23 tuổi, rapname Lusic), ngụ tại P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã theo đuổi rap một cách nghiêm túc trong 4 năm qua. Không theo rap với tư cách là rapper, Tâm là người làm âm thanh, thiết kế phần nhạc sao cho "bắt tai", phù hợp nhất với những phần lời rapper sáng tác.
"Khi bước vào làm rap, mình nhận ra rằng để làm ra sản phẩm nhạc rap đòi hỏi phải có khả năng tự nghiên cứu rất cao, có sự hiểu biết và sử dụng âm thanh, lời hát một cách thông minh, linh hoạt. Mình luôn nghiên cứu từ các nghệ sĩ lớn cả trong nước lẫn quốc tế để tạo ra những nền tảng âm thanh đa dạng khiến cho sản phẩm rap trở nên mới mẻ", Tâm nói.
Làm nhạc rap từ năm 17 tuổi, đến nay Wang An Nan (23 tuổi), ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã có gần 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Wang hợp tác với những nghệ sĩ lâu năm của Việt Nam như OnlyC, Lou Hoàng…
“Sản xuất âm nhạc đã mang lại cho mình một cuộc sống tốt nhưng không phải ngày một ngày hai mà có được. Bởi vì bất kỳ ngành nghề nào cũng phải học hỏi rất nhiều kiến thức mới có thể thành công, làm nhạc rap cũng vậy”, Wang nói.
Bắt nguồn từ một thời điểm bị chấn thương nặng khi chơi thể thao, ngừng mọi hoạt động bên ngoài, cũng không có ai để tâm sự, chia sẻ, thế là Wang tìm đến âm nhạc để viết ra những lời nhạc từ chính những đau đớn của mình rồi đem đến một phòng thu nhỏ và bắt đầu làm ra những bài nhạc rap từ năm 2018.
Đến nay, Wang đã quản lý một nhóm sản xuất âm nhạc 12 người. "Nhóm của mình ít đi chơi, ít tham gia những cuộc vui không cần thiết, chỉ tập trung vào âm nhạc", Wang cho biết. Theo Wang, dù gia đình không thích mình theo nghề sản xuất nhạc rap nhưng cũng không cấm cản gì, đó là niềm may mắn cho bản thân.
Thay đổi định kiến
"Từ khi những chương trình tìm kiếm tài năng rap xuất hiện, mình đã có cái nhìn khác hơn về rapper. Họ không phải là những người xốc nổi, bốc đồng như mình từng nghĩ. Họ đều có câu chuyện riêng, nỗi niềm riêng cần được giải tỏa bằng rap. Có rất nhiều bạn rap về tình yêu quê hương, đất nước khiến mình xúc động", chị Trần Thanh Dung (32 tuổi), ngụ tại P.Phú Hòa, TP.Huế chia sẻ.
Cũng là một người mới nghe rap, nhưng Nguyễn Hồng Châu (30 tuổi), ngụ tại P.Láng Thượng, Q.Đống Đa (TP.Hà Nội) đã nhanh chóng yêu mến thể loại nhạc này. Châu nói: "Mình nghĩ ngành nghề nào cũng vậy, cũng có những người có lối sống ăn chơi, xa hoa. Nhưng cũng có những người chỉ tập trung vào công việc, cố gắng làm tốt công việc của họ. Mình từng gặp một số bạn rapper rất đàng hoàng, nhã nhặn dù vẻ bề ngoài trông hầm hố".
"Rap là bộ môn nghệ thuật có thể theo đuổi và phát triển cũng giống như những bộ môn nghệ thuật khác như vẽ, diễn xuất, ca hát. Khi có đủ một khung lý thuyết về cách gieo vần, nhả chữ và tạo ra những giai điệu, âm thanh hoàn chỉnh thì có thể nói nghệ thuật rap cũng giống như một ngành nghề có triển vọng", thạc sĩ Bùi Thị Nga, giảng viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, đưa ra quan điểm.
Thạc sĩ Nga nhận định: "Việt Nam là một môi trường khá thuận lợi vì khán giả chưa đòi hỏi quá cao về nhạc rap. Không phải được đào tạo bài bản là có thể làm được sản phẩm nhạc rap, đôi khi chính sự "thiếu thốn" lại tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Làm âm nhạc phải hiểu cuộc sống bên cạnh hiểu về kỹ thuật và lý thuyết".
“Trước giờ nghệ sĩ chơi thể loại nhạc rap thường là những người rất cá tính, cho nên chủ đề họ đưa vào bài đa phần khá gai góc. Nhưng những nghệ sĩ như Đen Vâu thường có lời rap mang nhiều tầng nội dung sâu sắc, gần gũi với cuộc sống", thạc sĩ Nga chia sẻ thêm.
Bình luận (0)