Có thể sẽ tổ chức chấm thi THPT quốc gia theo cụm

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/09/2018 20:48 GMT+7

Có 6 giải pháp dự kiến sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo độ tin cậy trong kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm tới. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định những thay đổi này không ảnh hưởng tới quá trình ôn tập của thí sinh.

Sáng nay, 17.9, tại Bộ GD-ĐT đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của các thành viên ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở GD-ĐT.
Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp để hoàn thiện kỳ thi năm 2019.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã trao đổi, cung cấp thông tin tới báo chí xung quanh nội dung cuộc họp này.
6 giải pháp đảm bảo độ tin cậy kết quả thi
Theo ông Trinh, qua thảo luận nghiêm túc, đồng thời nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, các đại biểu dự họp thống nhất: Kỳ thi THPTQG được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kỹ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. Cụ thể, có đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi THPTquốc gia.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát. 
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các hội đồng thi.
"Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới", ông Trinh nói.
"Làm sao để người ta muốn gian lận cũng không gian lận được"
Việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bắt tay nhau trong điều chỉnh kết quả chấm thi. Có ý kiến cho rằng, có lẽ nên để Bộ GD-ĐT tổ chức chấm thi tập trung ngay tại Bộ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Mai Văn Trinh: Đúng là những năm trước đây, chúng ta đã tổ chức chấm chéo, nhưng bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều, nay chúng ta có thuận lợi về công nghệ. Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các giải pháp kèm theo nữa, thì giả sử vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác. Chúng tôi sẽ cân nhắc một cách thận trọng.
Chắc chắn những bài học kinh nghiệm, những gì diễn ra trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để làm sao kế thừa, chắt lọc những tinh hoa, thuận lợi, nhưng phải áp dụng cụ thể với điều kiện hiện nay. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện.
Vậy bao giờ Bộ có thể chốt phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kỳ thi năm sau?
Cuộc họp sáng nay đã bàn kỹ vấn đề này. Chúng tôi có lời nhắn đến các học sinh lớp 12 năm nay: các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh. Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh, nếu có, chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập.
Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các sở GD-ĐT chủ động trong kế hoạch năm học.
Tôi đề nghị các Sở GD-ĐT chủ động triển khai kế hoạch năm học theo hướng dẫn để bảo đảm, thi không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng hơn là tổ chức giảng dạy để học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt nhất bước vào kỳ thi này cũng như có thể sẵn sàng bước vào cuộc sống.
Nhiều trường ĐH, CĐ chưa quan tâm, cử nhân viên về coi thi
Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy được mấy điều: người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh; theo tôi, trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.
Tôi có cảm giác 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường ĐH, CĐ quan tâm đúng mức, nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi; như vậy sẽ không đảm bảo tính nghiêm túc.
Bộ nên chỉ đạo để các trường ĐH thấy rằng, việc các trường ĐH về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm của các trường nữa. Bộ nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc phân công cho các trường ĐH làm nhiệm vụ thanh tra ở địa phương, nhất thiết trong các đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một người của Bộ. (Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD- ĐT Quảng Nam) 
Không nhất thiết phải chấm chéo
Trước hết hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá.
Về khâu coi thi, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, vẫn nên có sự phối hợp với các trường ĐH, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường ĐH của T.Ư, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.
Khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, để làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Tôi cho rằng, không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực.
Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian đối của cán bộ chấm thi. (Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa) 
Đề nghị ổn định thời gian thi
Chúng tôi đề nghị Bộ ổn định thời gian thi. Khi ổn định tương đối thời gian thi từ 24 - 27.6 như năm vưa qua, các Sở trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổng kết năm học, ôn tập, kế hoạch thi thử, đồng thời thực hiện song hành với công tác tuyển sinh lớp 1, 6, 10 đầu cấp ở địa phương.
Chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất, chúng ta chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau và chúng ta yên tâm là kết quả chính xác. Thi trắc nghiệm bản thân nó là kết quả luôn chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi. (Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng) 
Sớm công bố nội dung thi năm 2019 
Thứ nhất, Bộ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra đề thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.
Cần công bố sớm nội dung chương trình thi THPT quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018 là có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 nhưng cần xác định khối lượng chuẩn kiến thức lớp 11 để học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn, giảm áp lực cho học sinh (học thêm, học trước chương trình...).
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy trình chấm thi. Thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực, quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ GD-ĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố (thời điểm công bố trước thời điểm bàn giao bài thi về địa điểm chấm không nhiều).
Tổ chấm trắc nghiệm tiếp nhận đề thi từ các hội đồng thi; cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm và lực lượng thanh tra, giám sát phải được cách ly hoàn toàn với bên ngoài kể từ lúc tiếp nhận bài thi từ các Hội đồng thi (hoặc từ khi được tập trung; thời gian tập trung bao gồm thời gian tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi và thời gian chấm thi) đến khi công bố kết quả thi tạm thời (hoặc đến khi gửi dữ liệu xử lý bài thi gốc về Bộ GD-ĐT). (Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.