Cũng trong vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà, tài sản thế nào thì được xem là vật chứng của vụ án, hay khi nào mới xử lý được tài sản tang vật?
Chưa đủ căn cứ thu hồi tài sản ông Trần Bắc Hà
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 30.7, PV Thanh Niên đặt câu hỏi sau khi ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV, qua đời trong quá trình tạm giam, các cơ quan tố tụng đình chỉ điều tra đối với bị can thì việc xử lý thu hồi tài sản trong trường hợp này như thế nào, có vướng mắc gì không?
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho rằng các tài sản đã được áp dụng các biện pháp tạm thời càng nhiều, càng rõ thì khả năng thu hồi càng cao.
Đối với trường hợp của ông Trần Bắc Hà, do chưa có bản án nên thi hành án chưa có căn cứ để thu hồi.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng trong những vụ việc như thế này, không chỉ giai đoạn thi hành án mà ngay trong quá trình điều tra cũng có biện pháp để thu hồi.
Thu hồi trong quá trình điều tra là thế nào?
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, vật chứng trong vụ án hình sự được định nghĩa tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, theo đó vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
LS Trang phân tích, tại Điều 106, Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc xử lý vật chứng do CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
LS Trang nói thêm, nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy. Nếu vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Còn nếu vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
“Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Như vậy, phải tùy vào tình hình xem xét của người có thẩm quyền trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án thì mới quyết định xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật”, LS Trang nói.
Bị can chết, trách nhiệm hình sự mất nhưng trách nhiệm dân sự nguyên vẹn
LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhấn mạnh, về thời điểm quyết định đối với vật chứng là khi xét xử vụ án, trong bản án của tòa án định đoạt luôn tài sản là vật liên quan. Ngoài ra, tùy theo từng giai đoạn tố tụng thì cơ quan đó có thẩm quyền ban hành những văn bản để giải quyết tài sản của người đó.
Ví dụ tài sản là tài sản liên quan đến hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra quyết định. Nhưng nếu là vật chứng vụ án thì phải duy trì đến khi xét xử để tòa án định đoạt đối với tài sản đó.
LS Công cho rằng, trường hợp bị can trong vụ án đã chết (giai đoạn vụ án đang điều tra), cơ quan điều tra phải đình chỉ đối với bị can nhưng việc xử lý thu hồi tài sản, tiến trình giải quyết vụ án trong trường hợp này diễn ra bình thường.
“Đối với tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của bị can đang bị phong tỏa, hoặc là vật chứng của vụ án, thì tài sản đó vẫn duy trì tình trạng phong tỏa trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Dù ở trường hợp nào vẫn phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật thì mới định đoạt được tài sản liên quan đến người đó”, LS Công nói thêm.
LS Công nhấn mạnh, việc bị can chết trong quá trình điều tra vụ án thì trách nhiệm hình sự sẽ không còn nhưng trách nhiệm dân sự, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội vẫn nguyên vẹn. Trong quá trình xét xử, tòa án sẽ quyết định những vấn đề liên quan đến tài sản đó.
Xử lý tài sản bình thường
Một nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho PV Thanh Niên biết, liên quan đến việc xử lý vật chứng vụ án của người đã chết trong một vụ án hình sự thì việc xử lý tài sản vẫn xử lý bình thường. Bị can đã chết không ảnh hưởng gì đến việc xử lý tài sản.
Theo nguồn tin, các tài sản liên quan đến bị can đã được kê biên, phong tỏa mặc dù bị can đã mất thì vẫn sẽ tiếp tục kê biên, phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản cho Nhà nước.
“Nếu trong quá trình điều tra nếu phát hiện thêm tài sản của bị can (dù đã mất, như trường hợp bị can Trần Bắc Hà - PV) thì vẫn tiếp tục kê biên phong tỏa để xử lý”, nguồn tin này nhấn mạnh.
Bình luận (0)