Hàm ý của ông là đã đến lúc Liên Hiệp Quốc cân nhắc khai trừ Triều Tiên.
Theo điều 5 và điều 6 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì việc khai trừ vĩnh viễn hoặc trong thời gian nhất định đối với một thành viên nào đó là điều có thể xảy ra. Đại hội đồng sẽ biểu quyết theo khuyến nghị của HĐBA. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có thành viên nào của Liên Hiệp Quốc bị khai trừ dù vĩnh viễn hay nhất thời.
Trong bối cảnh hiện tại, đề nghị của Hàn Quốc là bất khả thi bởi dù Mỹ, Anh và Pháp có muốn thì 2 thành viên thường trực còn lại của HĐBA là Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết.
Không phải Seoul không nhận thức được điều đó, nhưng vẫn đưa ra lời kêu gọi nói trên để cảnh báo Liên Hiệp Quốc về mức độ nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ở đây còn hàm chứa ý định gia tăng áp lực đối với Trung Quốc và Nga để tác động mạnh mẽ hơn nữa tới Triều Tiên.
Trong thực chất, việc loại Triều Tiên ra khỏi Liên Hiệp Quốc sẽ phản tác dụng. Nó sẽ đẩy nước này vào bước đường cùng và càng phải bám giữ vào chương trình hạt nhân/tên lửa để tự vệ, sẽ càng phản ứng thái quá và khó lường. Triển vọng giải quyết vấn đề càng thêm mờ mịt. Thay vì xô đẩy Triều Tiên vào tình thế cảm nhận rằng chẳng còn gì để mất, khôn ngoan và thực tế hơn là phải khiến Bình Nhưỡng chỉ mất chứ không được, hoặc mất rất nhiều mà được rất ít nếu cứ tiếp tục như lâu nay.
Bình luận (0)