Có thể xử vắng mặt Út 'trọc' ?

Phan Thương
Phan Thương
17/04/2021 10:22 GMT+7

Phiên xử bị cáo Út 'trọc' và đồng phạm phải hoãn do sức khỏe của bị cáo. Nếu phiên xử được lên lịch lại nhưng bị cáo tiếp tục vắng mặt, vậy vụ án có thể được xét xử hay không?

Vừa qua, ngày 12.4, TAND cấp cao tại TP.HCM phải hoãn lần 2 phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, do không trích xuất được bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “trọc”, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng, người "đứng sau" Công ty Yên Khánh)
Cụ thể, trong quá trình tạm giam bị cáo Út "trọc" sức khỏe yếu, nhịp tim nhanh, đau ngực kéo dài, ho nên trại giam đưa bị cáo tới Bệnh viện 175 (TP.HCM) để điều trị nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trước ngày xử, Trại giam T17 đề nghị cho bị cáo Út "trọc"xuất viện để trích xuất tới tòa nhưng bệnh viện không đồng ý vì sức khỏe của bị cáo đang yếu, nếu xuất viện sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho Út "trọc"và những người liên quan.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) và đồng phạm nói lời sau cùng tại phiên tòa ngày 31.7.2020

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị cáo vì sức khỏe mà không đến tòa. Trước đây, trong các phiên tòa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thiệt hại cho Trustbank, bị cáo Hứa Thị Phấn cũng không đến tòa vì lý do sức khỏe và HĐXX đã quyết định xét xử vắng mặt Hứa Thị Phấn.

Việc vắng mặt không gây trở ngại đến xét xử, vẫn xử

Theo kết luận giám định tại giai đoạn điều tra, bà Phấn mất sức khỏe 93%, do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại.
Trong các phiên tòa xét xử liên quan đến Hứa Thị Phấn, dù vắng mặt nhưng bị cáo và luật sư bào chữa không có đơn xin hoãn phiên tòa. Theo các luật sư của bà Phấn, việc bà Phấn vắng mặt tại các phiên xử là do yếu tố khách quan nên đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án đối với các nhân bà Hứa Thị Phấn.
Tuy nhiên yêu cầu của các luật sư đều bị HĐXX bác. Theo HĐXX của các phiên xử liên quan đến bà Phấn, dựa vào tình trạng sức khỏe của bị cáo Phấn nên HĐXX không thực hiện việc áp giải bị cáo đến tòa và xét thấy việc vắng mặt của bị cáo Phấn không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Đồng thời, chủ tọa cho biết HĐXX không căn cứ vào sự có mặt hay không có mặt của bị cáo Phấn, không căn cứ vào lời khai của bị cáo Phấn hay bất cứ một bị cáo nào khác để xét xử bị cáo mà HĐXX căn cứ vào tất cả các chứng cứ sẽ được thẩm tra, tranh luận công khai tại phiên tòa.
Hơn nữa, bị cáo Hứa Thị Phấn có 5 LS bào chữa nên việc vắng mặt của bị cáo Phấn không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án và quyền lợi của bị cáo cũng không bị ảnh hưởng.
Qua đó, trải qua 3 vụ án, bị cáo Phấn vẫn bị tổng hợp hình phạt là mức án 30 năm tù, bồi thường hơn 16.000 tỉ đồng.

Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015: Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa

1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Từ quy định trên, nếu sự vắng mặt của Út "trọc" rơi vào một trong các điểm thuộc khoản 2 thì HĐXX vẫn có thể xét xử vắng mặt bị cáo.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.