Cổ tích của cô thủ thư vào lớp 1 năm 15 tuổi

11/07/2017 14:13 GMT+7

Huỳnh Thị Xậm bị khuyết tật cả tay và chân từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống chị đã viết nên câu chuyện cổ tích cho chính bản thân mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 6 chị em gái ở vùng đất sông nước Hậu Giang, Huỳnh Thị Xậm (35 tuổi) khuyết tật cả tay và chân từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống, chị đã viết nên câu chuyện cổ tích cho chính bản thân mình.
VIDEO: CHUYỆN CỔ TÍCH CỦA CÔ XẬM THỦ THƯ
Thực hiện: Văn Nguyện
Chị Nguyễn Thị Xậm vui vẻ với công việc hiện tại của mình Văn Nguyện
15 tuổi bước vào lớp một
Nhà có 6 chị em gái nhưng mình chị bị khuyết tật, mọi hoạt động hằng ngày của chị phải dựa vào 4 ngón chân. Do vậy mà Xậm không được đến trường như mọi người. Khao khát được một lần cắp sách đến trường, được ê a câu chữ vẫn cứ hiện hữu mãi trong chị. Thế rồi biến cố ập đến gia đình, ba mất khi Xậm mới chỉ 14 tuổi, gánh nặng mưu sinh của cuộc sống giờ đây lại đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ Xậm. Một mình bà tảo tần, chạy vạy để nuôi bảy miệng ăn trong gia đình.
Chị làm mọi công việc hằng ngày bằng chính đôi chân của mình Văn Nguyện
“Lúc đó tôi thương mẹ tôi lắm, mẹ thì cũng già yếu rồi, tôi thấy chị em tôi đi học nên tôi cũng xin phép để được đến trường đi học như các bạn”, Xậm chia sẻ. Bắt đầu con đường đến trường là Xậm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước. 15 tuổi bước vào lớp một, với Xậm đó là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình.
Xậm kể: “Thời gian học lớp 1 thì Xậm đi bằng ghe. Có 1 chiếc ghe mẹ hay đi bán lá để lo cho gia đình, bữa nào mẹ đi bán thì tôi sẽ nghỉ học và mẹ ở nhà thì được đến lớp học. Một thời gian sau đó, khoảng lớp 1, lớp 2, huyện đã đến cho chiếc xuồng nhỏ. Ngay từ lúc đó tôi đã đi học bằng chiếc xuồng ba lá”.
Không ai có thể tượng tưởng được với thân hình nhỏ nhắn lại khuyết tật cả tay chân nhưng Xậm vẫn có thể tự mình chèo xuồng đến trường. Con đường từ nhà đến trường đối với người bình thường mất khoảng 30 phút nhưng với Xậm phải mất mấy tiếng đồng hồ.
“Tôi đi một mình thì phải bơi từ 5 giờ sáng, khi đó nơi của tôi ở là một vùng sông nước rất sâu. Tôi cũng không biết bơi lội gì dưới nước hết. Tôi nghĩ là nếu có sự cố gì chìm xuồng thì chỉ có chết thôi chứ không biết cách nào mà lội được”, Xậm cười.
Vượt qua mặc cảm của bản thân, bạn bè trêu chọc, người đời nhìn ngó, Xậm vẫn quyết tâm không để con đường đến trường của mình bị gián đoạn. Thế rồi, Xậm cũng qua được cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3.
Xậm bảo: “Trước đó không bao giờ tôi nghĩ được biết chữ, không bao giờ biết được bạn bè hay là gặp được thầy cô. Khi quyết định đi học vậy rồi tôi mới thấy đây là một bước khởi đầu rất là thú vị và đầy niềm vui”.

tin liên quan

Bác bảo vệ khu phố 5 năm ròng nhặt ve chai mua gạo cho người nghèo
Cứ mỗi buổi sáng, người dân tại khu vực sông Vàm Thuật (P.5, Q.Gò Vấp TP.HCM) lại thấy một người đàn ông nước da ngăm đen, tay cầm gậy có gắn nam châm và một túi nilon lom khom nhặt ve chai. Tưởng ông mưu sinh, ai ngờ ông bán lấy tiền mua gạo tặng người nghèo.
Tốt nghiệp đại học
Năm 2006, sau khi học xong phổ thông, Xậm may mắn được một cô trong Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi (TP.HCM) nhận vào để tiếp tục học nghề. Lúc đầu Xậm được học lớp vi tính, đến năm 2009 chị được trung tâm cho đi học đại học ở khoa Xã hội học (trường Đại học Mở TP.HCM).
Nụ cười luôn hiện trên khuôn mặt chị Văn Nguyện
“Khi mà được cơ hội đó thì tôi rất vui nhưng lo lắng phải nói là nhiều hơn nữa, nhiều hơn lúc đầu đi học ở tuổi 15. Bởi vì điều kiện đi lại và khả năng tiếp thu của tôi không được như người ta. Lên đại học là cả một vấn đề vất vả khó khăn lắm nào tài liệu, nào học tập phải tìm tòi thêm”, Xậm chia sẻ.
Bắt đầu chinh phục con đường đại học như bao người khác, hằng ngày trên chiếc xe máy, Xậm được một người em chở đi học vượt hàng chục kí lô mét để đến trường. Xậm chia sẻ nhiều lúc chân rất đau, không thể ngồi nổi nhưng nghĩ lại những gì mình đã vượt qua được, Xậm vẫn cố chịu đựng.
Chị bảo: “ Đến trường đi xuống thì ngại mọi người nhìn nữa. Có những buổi học đến trên lầu 1, lầu 2 thỉnh thoảng đến lầu 3. Học được một năm rồi thì được mấy chị trong ban cán sự lớp cùng thầy cô tạo mọi điều điện để cho Xậm học được ở dưới tầng trệt, cho dễ dàng”.
4 năm đại học trôi qua với chị không hề bằng phẳng. Thế nhưng vượt lên trên tất cả, chị đã tốt nghiệp được đại học và cầm trên tay tấm bằng. Vào lớp một năm 15 tuổi, rồi nay tốt nghiệp được đại học, một kì tích nữa được chị viết nên cho chính cuộc đời mình.
Trở thành cô thủ thư của trung tâm
Chia sẻ cảm xúc về cô thủ thư Xậm, nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Hỏi – Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi, cho biết: “Mặc dù chỉ học bằng bàn chân thôi nhưng Xậm tốt nghiệp đại học loại khá. Từ đó ban giám đốc mới thấy rằng đây là một con người tiêu biểu trong việc vượt qua số phận của mình và giữ Xậm lại để tập huấn cho Xậm phụ trách thư viện của trung tâm. Xậm phi thường, vượt qua số phận của mình có thể làm được những điều mà người bình thường chưa chắc có thể làm được. Xậm hiện nay là một tấm gương để cho tất cả các em học viên khuyết tật noi theo”.
Góc làm việc của chị ở thư viện của trung tâm Văn Nguyện
Hằng ngày cứ đều đặn trên chiếc xe lăn đã sờn cũ, Xậm lại đến thư viện của trung tâm, sắp xếp, trông coi truyện, sách. Chị chỉ tay vào góc nhỏ làm việc của mình cười: “Công việc thì tôi kiểm tra những đầu sách và sắp xếp cũng như xem coi nó cho gọn, ngăn nắp. Đối với tôi thì cả một cuộc đời của mình hôm nay được làm việc ở trung tâm như thế này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, rất vui rồi”.
Ngoài trông coi thư viện, Xậm còn tham gia lớp học vẽ của trung tâm vào 2 buổi sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu hằng tuần. Với chị, việc học và vẽ lên được bức tranh như mình mong muốn cũng giống như cách mà chị đã tô vẽ cho cuộc đời mình vậy, tuy không hoàn hảo nhưng lại đầy sắc màu của nỗ lực và cả sự cố gắng bằng chính đôi chân khuyết tật.
Chị tươi cười khoe bức tranh mới vẽ Văn Nguyện
Lúc nào trên khuôn mặt chị cũng nở nụ cười. Nụ cười chiến thắng bản thân, chiến thắng số phận. Chị còn tham gia xóa mù chữ cho các em câm điếc và khiếm thị vào buổi tối. Chị mong muốn được phần nào giúp cho các em ở trung tâm có hoàn cảnh khó khăn như mình vượt lên được mặc cảm, hòa nhập với xã hội. Chia sẻ về ước mơ của bản thân, chị ngập ngừng nói: “Nếu mà có được tay chân lành lặn hơn thì tôi sẽ có nhiều ước mơ. Giờ thì tôi cũng chỉ mong có được thật nhiều sức khỏe và tìm hiểu những gì trong khả năng nhỏ của mình để giúp lại cho các bạn cũng như thầy cô đã giúp đỡ mình bao nhiêu năm qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.