Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Có 'nhiều danh nhân Tố Hữu' trong bảo tàng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/06/2023 07:47 GMT+7

Những câu chuyện về danh nhân đang là thế mạnh của các bảo tàng tư nhân...

Đôi giày lụa đỏ và mảng tường trống

Có một mảng tường trắng trơn trên niên biểu các sự kiện trong nước, thế giới và cuộc đời nhà thơ Tố Hữu trong Bảo tàng Tố Hữu tại Hà Nội. Đó là giai đoạn trước Đổi mới 1986 với siêu lạm phát và sự kiện đổi tiền gây chấn động, cũng là thời điểm nhà thơ Tố Hữu làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế. Bà Phạm Kim Ngân, Phó giám đốc Bảo tàng Tố Hữu, cho biết về khoảng trắng này: "Khoảng trắng đó sẽ điền vào bằng một tư liệu về thời kỳ này, có thể đó là một bài viết trên Báo Nhân Dân về sự kiện đổi tiền".

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Có 'nhiều danh nhân 
Tố Hữu' trong bảo tàng  - Ảnh 1.

Trưng bày tại Bảo tàng tư nhân đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Huế

Trinh Nguyễn

Tại bảo tàng còn có trưng bày bản thảo và bài thơ Chân lý mãi xanh tươi của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1991. Tác phẩm cho thấy tâm trạng của ông khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. "Lũ phản bội, cuồng điên, hèn nhát/Và cả bay, quân cướp nước giết người/Chớ vội cười, chân lý vẫn xanh tươi/Cách mạng Tháng Mười vẫn mở đường đi tới". Một đoạn thơ khác ông viết vào năm 1992 cho thấy thêm những suy tư về con đường đã đi, sẽ tới: "Có lẽ nào ta lại quên ta/Đàn chim én báo mùa xuân tới/Vượt muôn trùng sóng lớn, đường xa/Ta sẽ đến, những chân trời mới…".

Cũng tại đây, có câu chuyện về Tố Hữu - một người cha. Gia đình đã đưa ra trưng bày một đôi giày đỏ, khâu bằng vải được vợ ông cắt ra từ chiếc áo dài cũ. "Hai vợ chồng ông đã mong rất lâu mới có được đứa con đầu lòng. Khi bà chuẩn bị sinh nở ông lại đi công tác xa. Vì thế ông mang theo đôi giày này của con cho đỡ nhớ. Ông cũng rất thích chụp ảnh và thường tự chụp ảnh cho các con", bà Kim Ngân cho biết.

Theo bà Ngân, nét mới khác của Bảo tàng Tố Hữu là dựa trên câu chuyện do chính nhà thơ tự kể, một góc nhìn tự sự. Chính vì thế, bức tượng nhà thơ ngay khi bước vào sân có hướng nhìn vào phía tòa nhà trưng bày. "Khuôn mặt ông hướng vào là mời khách vào căn nhà này, để kể cho mọi người nghe câu chuyện đời của mình, một người đã sống qua 2 thế kỷ chiêm nghiệm lại. Đó cũng là lý do vì sao bức ảnh đón chào là một trong những bức ảnh cuối của Tố Hữu trước khi tạm biệt cuộc đời. Toàn bộ câu viết, bài trích ở trong bảo tàng được trích từ nhật ký, hồi ký, thư từ của Tố Hữu, hoàn toàn không có sự bình luận gì của người làm bảo tàng. Người làm bảo tàng chỉ có một công việc là nghiên cứu tất cả bút tích của ông và sắp xếp lại theo đúng hành trình cuộc đời của ông", bà Ngân nói.

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Có 'nhiều danh nhân 
Tố Hữu' trong bảo tàng  - Ảnh 2.

Ảnh cưới ông bà Nguyễn Văn Huyên

Bảo tàng cung cấp

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, đánh giá cách trưng bày sáng tạo của Bảo tàng Tố Hữu giúp công chúng thấy "nhiều ông Tố Hữu" hơn. Chẳng hạn như tại phần trưng bày về Tố Hữu trong Bảo tàng Văn học, công chúng thấy hình ảnh một nhà thơ cách mạng, giàu cảm hứng anh hùng ca. Trong khi đó, ở Bảo tàng tư nhân Tố Hữu chứa đựng nhiều tự sự, tự sự của người cha, của người yêu lý tưởng cộng sản và thấy mất mát khi Liên Xô sụp đổ với những tâm sự rất cụ thể, chân thực.

"Có thể thấy nỗi niềm cá nhân của ông. Nỗi buồn khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô thì cũng rất con người. Ngay bản thân tôi, dù là thế hệ đi sau, tôi cũng buồn, vì thực sự mà nói chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản không có lỗi, không sai", ông Kỷ phân tích.

Như vậy, từ mảng tường trắng chờ điền vào đến kỷ vật cá nhân và những bài thơ bày tỏ nỗi niềm, trăn trở, Bảo tàng Tố Hữu, theo bà Phạm Kim Ngân, cho thấy sự thay đổi lớn về quan điểm làm bảo tàng. Bà đặc biệt nhấn mạnh yếu tố quan điểm của những người con nhà thơ khi làm bảo tàng cho cha mình. "Đó là tôn trọng lịch sử, khách quan lịch sử, không nói quá và cũng không bớt đi. Sự thành công của Bảo tàng Tố Hữu chính là chỗ đó. Các bảo tàng danh nhân đều cần có sự khách quan như thế mới thành công", bà Ngân nói.

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Có 'nhiều danh nhân 
Tố Hữu' trong bảo tàng  - Ảnh 3.

Mô hình thu nhỏ cho thấy từ trên nhìn xuống bảo tàng tư nhân Lê Bá Đảng như một tác phẩm land art

Tiểu tự sự thành câu chuyện bảo tàng

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ cũng đánh giá trên thực tế, góc nhìn danh nhân của bảo tàng ngoài công lập có thể đa dạng hơn so với cách nhìn của bảo tàng nhà nước. Nhiều bảo tàng ngoài công lập về danh nhân có chất lượng rất tốt như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Lê Bá Đảng, Bảo tàng Tố Hữu.

Tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, góc nhìn được chọn là của con cái kể về bố mẹ. Ở đó, có góc về bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái cả của vị Bộ trưởng Giáo dục này, kể về chuyện tình của cha mẹ mình. Ban đầu ông bà ngoại đã chấp nhận gả mẹ bà cho nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhưng bà đòi sêu trả (trả lại lễ của nhà trai). Ông Dương Thiệu Tước sau đó viết bài hát về mối tình đơn phương của mình là Ngọc lan, một nhạc phẩm tiêu biểu của thời kỳ đầu tân nhạc Việt. Bài hát cũng được phát với âm lượng nhỏ, du dương tại bảo tàng. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, nói về việc mẹ mình trả lễ, rồi yêu và cưới bố mình: "Cái còn lại là giá trị mà người ta lựa chọn. Như mẹ tôi, đã luôn chọn giá trị gia đình và tình yêu".

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Có 'nhiều danh nhân 
Tố Hữu' trong bảo tàng  - Ảnh 4.

Đôi giày đỏ của con đầu lòng nhà thơ Tố Hữu

Trinh Nguyễn

Tại không gian Lê Bá Đảng ở Huế, cùng với nhiều tác phẩm tiêu biểu, bộ phim tài liệu của NSND Đặng Nhật Minh cho thấy hình dung về họa sĩ như một người cha rất thương yêu con, yêu đến mức sau khi con mất, tác phẩm của ông đều mang góc nhìn từ trên bầu trời trông xuống, tựa như thể hiện góc nhìn của thiên thần nhỏ đang trên cao ngắm tác phẩm của cha mình. Toàn bộ tòa nhà bảo tàng cũng được thiết kế như một tác phẩm Lê Bá Đảng, dựa trên chính bản vẽ của ông, để có thể nhìn từ bầu trời xuống. Điều này khác với Lê Bá Đảng tại trưng bày của bảo tàng công lập cũng tại Huế - nơi ông được mô tả đậm đặc là một họa sĩ yêu nước, từng ra Trường Sơn, từng thu hút các nghệ sĩ nước ngoài đấu tranh kêu gọi phản chiến ở VN.

Bảo tàng tư nhân về đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội sẽ khai trương ngày 6.7 tới đây. Trước đó, gia đình cũng có một bảo tàng tư nhân về đại tướng tại Huế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai út của đại tướng, cho biết khi thực hiện bảo tàng thứ hai này, nhóm thực hiện đã có nhiều thay đổi về nhận thức trưng bày bảo tàng. "Trưng bày ở Huế khác và trưng bày ở Hà Nội có cái nhìn khác", ông Nguyễn Chí Vịnh nói. Cái khác này không chỉ nằm ở việc Hà Nội có những hiện vật lần đầu công bố của đại tướng, hay khác về chất liệu (đồng ở Hà Nội, composite ở Huế) của các tượng trưng bày. Như vậy, có thể hiểu gia đình cũng mong có những đại tướng Nguyễn Chí Thanh "khác nhau".

Về cách các bảo tàng tư nhân thành công với câu chuyện danh nhân, PGS-TS Nguyễn Văn Huy nói: "Sự linh hoạt của tư duy từ cá nhân, gia đình khi kết hợp với nghiên cứu sẽ cho những hình dung nhân vật sống động, tình cảm, đa dạng hơn. Đấy là điều nhiều bảo tàng tư nhân về danh nhân đang làm tốt".

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.