Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/06/2023 06:48 GMT+7

Chỉ 2 tháng sau Quốc khánh 2.9.1945, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành Sắc lệnh 65, sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. Sắc lệnh có đoạn "việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước VN" đã đặt nền móng cho các bảo tàng công. Hiện nay, với xu thế hợp tác công - tư trong văn hóa, các bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) cũng được khuyến khích phát triển để phát huy di sản. Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng nhắc nhở phát huy di sản một lần nữa, bảo tàng tư nhân là một thiết chế như vậy. Làm sao để cổ tích được phát huy ở đó.

Kỳ 1: Mắc kẹt trong núi tài sản

Ánh sáng chiếu vào những bức tranh Đông Dương hay cổ vật ở một số bảo tàng tư nhân, mang theo cả ẩn họa làm xuống cấp hiện vật đang chưa thể sắp xếp trật tự, đẹp đẽ…

Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Mắc kẹt trong núi tài sản  - Ảnh 1.

Bảo tàng Quang San nhiều tranh danh họa, song trưng bày chưa chuyên nghiệp

Nhật Thịnh

Mỏ hiện vật

Chiếc thạp Đông Sơn, hiện vật duy nhất của bảo tàng tư nhân được công nhận bảo vật quốc gia, nằm ngay gian chính tầng 1 của Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng (Bắc Ninh). Phía trên cao là bức hình cỡ lớn chụp chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và giây phút trao hợp đồng mua bán chiếc ấn nhà Nguyễn đẹp nhất này giữa ông Nguyễn Thế Hồng (chủ sở hữu bảo tàng) với đại diện nhà đấu giá Millon (Pháp). Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo cũng chắc đến 100% sẽ trở thành bảo vật quốc gia. Nhưng ông Nguyễn Thế Nam, con trai ông Hồng, vẫn nói: "Chúng tôi còn có hiện vật khác đang chuẩn bị làm bảo vật quốc gia".

Những bảo tàng tư nhân đầu tiên được quyết định thành lập từ năm 2011, cho tới nay đã đạt con số 66. Trong số các bảo tàng này có Bảo tàng Chu Lai tại Quảng Nam. Chủ bảo tàng, ông Trịnh Hoàng Long cho tới giờ cũng có trong tay giấy phép 4 bảo tàng khác nhau. Tại Bảo tàng Văn hóa Việt ở Tây Ninh, ông Long có 7 tòa nhà 2 tầng đâu đâu cũng tràn hiện vật. "Ở bảo tàng tại Tây Ninh, tôi mới kiểm định được 460.000 hiện vật, còn từng đó hiện vật chưa kiểm định nữa. Số hiện vật tại Chu Lai cũng lớn tương đương", ông Trịnh Hoàng Long nói. PGS-TS khảo cổ học Trịnh Sinh cho biết lượng hiện vật của ông Long ở Chu Lai lớn tới mức nếu 2 chuyên gia kim khí và gốm cùng làm việc liên tục phải mất 1 tháng mới kiểm định sơ bộ hết.

Bảo tàng Quang San cũng mới "chào sân" tại TP.HCM với nhiều tranh danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Pháp) đánh giá: "Điều vui mừng là hiện giờ chúng ta chẳng cần đi đến những đất nước xa xôi để có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của hội họa Việt Nam. Chúng ta có thể ngắm những tác phẩm chưa bao giờ công bố của Nguyễn Tường Lân, Vũ Văn Thu, hoặc hiếm hoi của Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị… Cái đẹp tiến dần về phía chúng ta bằng những bước chân nhẹ nhàng nhưng chắc chắn".

Một bảo tàng khác tại Huế, Bảo tàng Mỹ thuật của Cecile Phạm, lại giữ rất nhiều hiện vật quý từ nhiều nước khác nhau. Có thể hình dung đây như một "Guimet" (Bảo tàng Nghệ thuật châu Á nổi tiếng ở Paris) tại VN. Trưng bày Phật giáo ở đây có nhiều phiên bản tượng đa quốc gia, đa chất liệu…

Đồ đẹp, bày chưa sáng

Đồ quý là vậy, nhưng đánh giá chung về chỉnh lý của các bảo tàng tư nhân đều không mấy sáng sủa. Ở Bảo tàng Nam Hồng, vốn có "người nhà" trong ngành bảo tàng, các hiện vật ở tầng 1 được ưu tiên về chú thích, trưng bày hơn cả. Bảo tàng cũng mới dừng ở việc có nhãn chú thích, chưa phát triển câu chuyện hiện vật. Tại Bảo tàng Chu Lai, PGS-TS Trịnh Sinh cho biết cũng phát hiện một số vật giả mà chủ bảo tàng bị mua nhầm khi được mời thẩm định… "Làm trưng bày gì cũng khó, nhưng trưng bày cổ vật thì càng cần chuyên gia nghiên cứu hơn, đó là cái khó của bảo tàng tư nhân", PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.

Kỹ thuật trưng bày cũng khiến các trưng bày chưa đẹp được như nó cần. Tại Bảo tàng Quang San, nhiều tác phẩm được trưng bày một cách thiếu thẩm mỹ dù chủ nhân đã phân chia các tầng, các phòng theo lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ lúc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương đến những nghệ sĩ thành danh đầu những năm 2000. Một nhà sưu tập ẩn danh đánh giá: "Cách trưng bày mang tính phô diễn, bày càng nhiều càng tốt hơn là một sự chọn lọc tinh tế… Quá nhiều ánh sáng trời không được xử lý chiếu thẳng vào tranh ở các chất liệu dễ tổn thương như lụa, giấy, vừa gây bóng và phản chiếu rất khó chịu cho người xem, vừa nhanh làm hại tác phẩm".

Lỗi của thiết kế ánh sáng cũng là điều xảy ra với nhiều bảo tàng tư nhân khác, hoặc do tòa nhà vốn không phải thiết kế để làm bảo tàng, hoặc không có bàn tay chuyên nghiệp làm ánh sáng. Tại Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh ở Huế, tượng được đặt ở sát cột nhà rường dẫn đến việc các cụm tượng 2 người như bị chia ra làm 2 nửa, hoặc tượng bày phía trước ảnh khiến không xem được ảnh… Bảo tàng Văn hóa Việt ở Tây Ninh cũng có quá nhiều ánh sáng như ở Bảo tàng Quang San. Đôi khi ánh sáng còn khiến việc quan sát khó khăn khi người xem đứng ngắm ngược sáng.

Giám tuyển Trần Lương: Bảo tàng chưa có "con mắt xanh"

Bảo tàng mỹ thuật tư nhân ở VN chưa có mấy, và cũng mới chỉ là quá trình thực hành bước đầu. Các tác phẩm bảo tàng mua không đều về chất lượng. Hiện tượng chung là mua mà không hiểu nhiều, chủ yếu theo cảm tính hay nghe chuyện họa sĩ rồi mua, chứ không có giám tuyển chuyên nghiệp. Nói chung, các nhà sưu tập như thế "không có con mắt xanh". Sau này cuộc "thanh lọc" sẽ diễn ra, và tranh giả cũng sẽ được bán từ bảo tàng tư nhân ra, nguy cơ "rửa tranh" là có. Mới vừa rồi, tôi cũng phân tích và cảnh báo tranh giả ký tên họa sĩ Trần Lưu Hậu, có nguồn gốc từ bảo tàng tư nhân ở Hà Nội. Gia đình họa sĩ cũng lên tiếng về việc đó. Kiểm soát "rửa tranh" ở bảo tàng tư nhân còn khó hơn ở bảo tàng nhà nước.

TS Phạm Trung, Viện Nghiên cứu mỹ thuật: Một thế hệ quản lý bảo tàng tư nhân mới từ nước ngoài

Có một làn sóng con của các nhà sưu tập đại gia lựa chọn gắn bó với nghệ thuật chuyên nghiệp. Có thể thấy con của các nhà sưu tập lớn như nhà Apricot, Indochine House đã đi học và trở về từ nước ngoài. Con của chủ Bảo tàng Quang San, Bảo tàng Đức Minh cũng học giám tuyển, mỹ thuật… Đấy là thế hệ được học bài bản và có tiềm năng thúc đẩy cả nghệ thuật lẫn bảo tàng tư nhân sau này đi đúng hướng, đúng chuẩn quốc tế.

Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đánh giá một số bảo tàng tư nhân còn thiếu sức hấp dẫn, trưng bày thiếu sáng tạo, hạn chế trong ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Ở nhiều bảo tàng các trưng bày hiện vật vẫn chỉ dừng lại ở việc sắp đặt đơn điệu, không nghệ thuật cũng chẳng khoa học, thậm chí chỉ như một kho mở. Việc ứng dụng xu hướng mới như tạo không gian trải nghiệm, tương tác hai chiều giữa trưng bày và khách tham quan thiếu vắng. Phần lớn bảo tàng vẫn áp dụng hình thức trưng bày pano in ấn thông thường, nhiều chữ và đơn điệu nội dung.

Nói cách khác, đa số các bảo tàng tư nhân vẫn trong tình trạng "mắc kẹt" trong tài sản. Họ có của nả, thậm chí là gia sản lớn, nhưng chưa thể trưng bày tốt để kéo công chúng lại gần được. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn ở trong thời kỳ đầu phát triển từ không có sang có bảo tàng tư nhân. Bản thân các bảo tàng cũng đang tích lũy hiện vật cũng như kiến thức tổ chức để phát triển thời gian tới. Theo thông lệ nước ngoài, các bảo tàng tư nhân thường có hỗ trợ nhà nước hoặc từ các tập đoàn kinh tế lớn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.