Độc đáo những con thú đuổi nhau trên thạp đồng văn hóa Đông Sơn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/02/2023 07:13 GMT+7

Bảo vật thạp đồng văn hóa Đông Sơn có một băng hoa văn với 14 con thú trong tư thế như đang đuổi nhau.

Chiếc thạp lạc nắp

Bảo vật quốc gia thạp đồng văn hóa Đông Sơn thuộc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (tỉnh Bắc Ninh) là loại thạp có nắp, tuy nhiên chiếc nắp đã bị thất lạc. Thạp có dáng gần hình trụ tròn (hình quả nhót), phần miệng hơi thu lại, phần thân trên phình ra và thon dần xuống đáy. Đáy nhỏ hơn miệng. Miệng thạp có gờ ở mép để đậy nắp. Trên thân thạp có gắn đôi quai kép nằm đối xứng nhau qua thân. Quai được gắn vào sau, không đúc liền với thân thạp.

Độc đáo những con thú đuổi nhau trên thạp đồng văn hóa Đông Sơn - Ảnh 1.

Chiếc thạp bị mất nắp

Về kích thước: thân thạp cao 39 cm, tương đương với kích thước của thạp Hợp Minh - bảo vật quốc gia năm 2013. Đường kính miệng thạp 33 cm; đường kính đáy thạp 28,5 cm.

Bảo vật quốc gia này được Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nhận chuyển nhượng lại từ nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Trần Quốc Bình ngày 30.12.2021. Hiện tại, chiếc thạp được trưng bày trang trọng trên tầng 5 tòa nhà của Công ty TNHH Nam Hồng (tại TP.Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong hồ sơ bảo vật quốc gia, công ty này cho biết đang có dự án xây dựng bảo tàng để trưng bày cổ vật và chuẩn bị cho chiến lược quảng bá đến với khách tham quan.

Theo các nhà nghiên cứu, thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được đúc bằng kỹ thuật khuôn 2 mang. Theo đó, trước khi đúc, người thợ tạo ra một bản dương bằng đất, khắc hoa văn sắc nét. Từ bản này, thợ đúc tạo ra bản âm bằng đất sét trộn bã thực vật và cát để không bị nứt; tiếp đó sẽ cắt thành hai nửa (chỗ này sau sẽ có dấu vết của hai nửa khuôn trên hiện vật), rồi đổ đồng để tạo ra bản dương. Thạp đồng của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cũng vẫn có dấu vết ráp khuôn này. Đó là đường chạy dọc theo thân thạp, chia thân ra làm hai nửa bằng nhau.

Hồ sơ bảo vật cho biết thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp patin hơi xanh gỉ đồng ngả vàng. Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm.

Độc đáo những con thú đuổi nhau trên thạp đồng văn hóa Đông Sơn - Ảnh 2.

Thân thạp cao 39 cm

Đàn thú nối đuôi chạy ngược chiều kim đồng hồ

Một trong những điểm độc đáo của thạp đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hoa văn động vật trên các băng trang trí. Trong số này, tại băng thứ 21 có trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong, mỗi con có chiều dài dao động từ

8 - 8,5 cm. Đây cũng là băng hoa văn chính, trung tâm của thạp đồng. Đàn 14 con thú này nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài.

Theo Hội đồng Di sản quốc gia, đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang chạy đuổi theo nhau, theo chiều ngược kim đồng hồ. Điều này tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động. Đó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn vận dụng vô cùng hiệu quả. Hội đồng cho rằng đến nay đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn duy nhất hiện biết ở VN có trang trí băng hoa văn này.

Cảm giác đàn thú chuyển động cho thấy giải pháp mỹ thuật vô cùng biến ảo của người thợ đúc thời Đông Sơn. Sự khác nhau của kích thước và tư thế vận động của đàn thú cũng giúp tránh việc lặp lại đơn điệu, vốn là nhược điểm của đường nét thô cứng do công nghệ đúc tạo ra.

Độc đáo những con thú đuổi nhau trên thạp đồng văn hóa Đông Sơn - Ảnh 3.

Hình ảnh tổng thể thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng

Tư liệu Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL)

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia: hoa văn trên thạp được bố cục hài hòa, chặt chẽ làm nổi bật băng hoa văn chính. Các họa tiết hoa văn được bố trí theo vòng tròn khép kín, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Cũng trên thạp này, tại băng thứ 7 của thân thạp có họa tiết hồi văn chữ S nằm ngang, đầu xoắn tròn. Trên đó có những trang trí nét mác, làm cho người xem liên tưởng đến biểu tượng của những tia chớp, rất gần với hiện tượng tự nhiên, được cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời Đông Sơn quan tâm trong quy trình canh tác của họ.

Hồ sơ bảo vật cho biết căn cứ vào hình dáng, hoa văn trang trí, độ dày của patin bao phủ và so sánh với những chiếc thạp Đông Sơn khác ở VN, có thể khẳng định chúng có chung một không gian phân bố thuộc thượng lưu và hạ lưu các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.