Lời chúc mừng của Georges Condominas
Những thanh đàn đá trong cuộc khai quật Bình Ða (P.An Bình, TP.Biên Hòa, Ðồng Nai) năm 1979 xuất lộ cùng với công cụ đá, đồ gốm và tàn tích các loại. Loại hình di tích và di vật phát hiện trong tầng văn hóa của di tích khảo cổ học Bình Ða được xác định thuộc niên đại khoảng 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay thông qua nghiên cứu so sánh với các di tích khảo cổ học thuộc Văn hóa Ðồng Nai.
Giờ đây sưu tập thanh - đàn đá Bình Ða năm đó đã trở thành bảo vật quốc gia. Bộ sưu tập gồm 51 hiện vật, trong đó có 5 thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh. Bề mặt các thanh, đoạn đều đã phủ lớp patin màu xám nhạt. Bảo vật được bảo quản tốt, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Ðồng Nai.
Các nhà khoa học khi đó cũng lấy một mẫu than tro từ độ sâu 1,9 m của tầng văn hóa khảo cổ học được giám định C14 tại Viện Cổ sử và khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Ðức (nay là Cộng hòa Liên bang Ðức) cho kết quả: 3.080 ± 50 năm trước Công nguyên.
Theo hồ sơ bảo vật, khảo cổ học di tích Bình Ða đã định niên đại cho di tích này nằm trong khung niên đại 3.500 - 3.000 cách ngày nay. Kết quả này cũng được công bố trên nhiều diễn đàn khoa học khác nhau trong và ngoài nước. Kết quả đó cũng giúp xác định niên đại đàn đá Bình Ða và loại hình di vật đàn đá VN có tuổi từ 3.000 năm cách ngày nay.
Tháng 5.1981, khi tiếp xúc với sưu tập những thanh đàn đá Bình Ða, GS Georges Condominas phát biểu: "Các ông có may mắn hơn tôi nhiều, đã tìm thấy đàn đá trong tầng văn hóa cổ". Và trong công trình L’Exotique est quotidien tái bản lần 3 vào năm 1981, ông bổ sung 24 dòng chữ giới thiệu khám phá đàn Khánh Sơn, Bác Ái, Bình Ða và ghi chú tuổi của đàn đá Bình Ða khoảng 4.000 - 3.000 năm.
Nói là may mắn vì bản thân GS Georges Condominas từng tiếp nhận một bộ thanh đàn đá để mang về Paris. Những thanh đàn này được phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak (Ðắk Lắk) hồi năm 1949, không phải trong địa tầng văn hóa cổ.
Cổ nhất thế giới
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết việc phát hiện được đàn đá Bình Ða cùng với các công cụ bằng đá và đồ gốm cổ từ trong di chỉ khảo cổ học là tư liệu rất quan trọng giúp trả lời chính xác câu hỏi về niên đại. Do đó, phát hiện sưu tập thanh, đoạn đàn đá trong tầng văn hóa khu di tích Bình Ða cũng đem lại đầy đủ cứ liệu để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam đã xuất hiện cách ngày nay từ 3.500 - 3.000 năm.
Bộ sưu tập này cũng được nghiên cứu, so sánh với các phát hiện sau năm 1975 tại các địa điểm khảo cổ học khác thuộc tỉnh Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Bình Phước và Bình Thuận. Từ đó, các nhà khoa học xác lập được hai truyền thống đàn đá. Ðó là truyền thống Ndut Liêng Krak - Bình Ða phân bổ ở vùng Ðông Nam bộ, Nam Tây nguyên và truyền thống Khánh Sơn - Bác Ái thì phân bố ở khu vực Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Thuận. Truyền thống Khánh Sơn - Bác Ái được đánh giá là chế tác đơn giản hơn, dạng hình không ổn định, các vết ghè đơn giản và thô dễ được chế tác.
Một trong những lý do sưu tập thanh đoạn đàn đá Bình Ða được công nhận bảo vật chính là việc đây là một sản phẩm bản địa. Hồ sơ nêu rõ bộ sưu tập này là một sản phẩm bản địa, cũng là sưu tập độc bản (với ý nghĩa là được phát hiện trong địa tầng một hố khai quật một cách khoa học), có tuổi cổ nhất thế giới được xác định niên đại bằng cả phương pháp nghiên cứu so sánh và phương pháp phân tích carbon phóng xạ (C14).
Một lý do để trở thành bảo vật quốc gia khác của bộ sưu tập đàn đá Bình Ða là kỹ thuật chế tác. Tại Ðồng Nai, khảo cổ học đã phát hiện nhiều công xưởng chế tác như Suối Linh, đồi Phòng Không… Khảo cổ cũng tìm thấy ở đó nhiều loại hình công cụ sản xuất chế tác chưa hoàn thành hoặc những công cụ bị vỡ trong quá trình chế tác bị bỏ lại… trong tầng văn hóa của địa tầng hố khai quật. Từ đó, các nhà khảo cổ cho rằng khu vực Ðồng Nai là một trong những trung tâm chế tác đồ đá như công cụ sản xuất, đồ trang sức các loại đạt trình độ cao thời tiền sử ở vùng đất Nam bộ. Sưu tập thanh đàn đá Bình Ða cũng là kết tinh của những thành tựu này.
Bộ sưu tập thanh đoạn đàn đá Bình Ða được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá là một sưu tập được định dạng rõ ràng, kỹ thuật chế tác được sử dụng là kỹ thuật cưa, kỹ thuật ghè trực tiếp, gián tiếp, ghè tu chỉnh ép. Có thể thấy bàn tay khéo của cư dân cổ Ðồng Nai qua dấu ghè đẽo trực tiếp và gián tiếp đến các bước tu chỉnh tỉ mỉ, các lớp ghè chỉnh lớn, nhỏ, nông sâu, chồng chất nhau ghi nhận kỹ thuật đẽo đi đẽo lại nhiều lần trên từng thanh đàn.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia: "Sưu tập Ðàn đá Bình Ða không chỉ là tư liệu vật thật minh chứng đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Bình Ða mà còn khẳng định đây là sưu tập di vật có giá trị đặc biệt, nguồn gốc bản địa, được sản xuất tại chỗ trên vùng đất Ðồng Nai cổ xưa". (còn tiếp)
Bình luận (0)