Trống và thạp đồng Kính Hoa - nối dài câu chuyện Đông Sơn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/02/2023 06:43 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Kính có tới 3 bảo vật quốc gia, và đều là hiện vật văn hóa Đông Sơn.

Sau đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất, tên gọi "Kính Hoa" dường như đã trở thành một "nhận diện" nhà sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn. Hiện có tới 3 bảo vật quốc gia có tên Kính Hoa: trống đồng Kính Hoa, trống đồng Kính Hoa II và thạp đồng Kính Hoa (2 bảo vật sau mới được công nhận trong đợt vừa qua). Tất cả đều thuộc sở hữu nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (Hà Nội), cũng là nhà sưu tập đầu tiên có bảo vật quốc gia cách đây 3 năm.

Trống và thạp đồng Kính Hoa -  nối dài câu chuyện Đông Sơn - Ảnh 1.

Thạp đồng Kính Hoa

Chiếc trống siêu lớn vắng hình cóc

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết: trống Kính Hoa II có kích thước khá lớn, với đường kính mặt cũng như đường kính tang, đường kính chân đều hơn 1 m; cao 0,7 m. Vì thế, Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá trống Kính Hoa II thuộc nhóm trống có kích thước lớn nhất hiện nay trong hệ thống trống Đông Sơn ở VN. Cũng trong nhóm này còn có trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa, Đông Hiếu, Hữu Chung. Về thứ hạng, trống Kính Hoa II là trống Đông Sơn lớn thứ hai, sau trống Sao Vàng, phát hiện tại Thanh Hóa, đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy bên cạnh tỷ lệ đồng - chì - thiếc tương đồng các trống Đông Sơn đã biết ở VN, trống Kính Hoa II còn có hơn 1% tỷ lệ asen trong thành phần hợp kim. Sự có mặt của asen được cho không phải là ngẫu nhiên, mà do người thợ đúc cho vào, có chủ ý để hạ thấp điểm nóng chảy của hợp kim và làm tăng độ sáng, đẹp của sản phẩm đúc. Ngoài ra asen còn là chất dẫn chảy tốt, chỉ một lượng nhỏ cũng làm tăng khả năng loang rộng của nước đồng, điền kín khuôn đúc. Nó cho thấy sự phát triển của kỹ nghệ đúc đồng.

Về tạo hình, trống Kính Hoa cũng rất độc đáo, không giống với bất cứ trống Đông Sơn nào từng phát hiện ở VN. Trống có các hoa văn giống trống Đông Sơn nhóm C1, nhưng cũng có các yếu tố hoa văn của trống nhóm A. Hội đồng Di sản quốc gia cũng đánh giá chiếc trống này đặc biệt ở chỗ không có tượng cóc ở trên mặt như thường thấy trên các trống nhóm C. "Có thể nói trống Kính Hoa II là một gạch nối giữa trống nhóm A và nhóm C trong hệ thống Đông Sơn ở VN", hồ sơ bảo vật nêu.

Điều này cũng khác biệt nếu so với nhóm trống ở Indonesia như trống Selayar hay Sangeang. Các nhóm trống ở hải đảo này đều có tượng cóc. Do đó, trống độc đáo không chỉ trong hệ thống trống Đông Sơn ở VN mà còn ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, trống Kính Hoa II cùng các trống lớn như Sao Vàng, Đông Hiếu… còn cho thấy trong giai đoạn trước và sau Công nguyên, sức sống văn hóa Đông Sơn rất mạnh mẽ bất chấp sức ép từ văn hóa Hán, một nền văn hóa phi trống đồng từ phương Bắc xuống.

Trống và thạp đồng Kính Hoa -  nối dài câu chuyện Đông Sơn - Ảnh 2.

Trống đồng Kính Hoa

Tư liệu Cục Di sản

Thạp có nắp hiếm hoi

Thạp đồng Kính Hoa được đúc với kỹ thuật ghép khuôn (sau khi đúc xong sẽ phá khuôn lấy sản phẩm) rất cao. Theo hồ sơ bảo vật, ở thân thạp, dấu vết ghép khuôn là hai đường chỉ đúc đối xứng và chạy dọc thân. Đường chỉ đúc rất mảnh và mờ, chia thân thạp thành hai phần bằng nhau. Việc ghép khuôn trong quá trình đúc thân thạp cũng có độ chính xác rất cao, để các băng hoa văn trên sản phẩm đúc thuộc hai nửa thân gần như không có độ lệch. Ở nắp thạp, các băng hoa văn ở hai nửa mặt nắp cũng hầu như không có độ lệch.

Theo PGS-TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học), hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết nếu như trống đồng Đông Sơn được phát hiện nhiều ở VN và Đông Nam Á, thì những thạp đồng hiện biết phần lớn phát hiện ở VN. Thạp thường tập trung ở lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Cho đến nay, ở VN đã thống kê được trên 280 thạp đồng (chưa kể một số thạp nằm trong sưu tập tư nhân chưa lộ diện). Con số này ở nam Trung Quốc chỉ là 26, và cũng được cho là do trao đổi mà có.

Trong khi đó TS Hà Văn Phùng (Viện Khảo cổ học) cho biết tính đến năm 2005, tại VN đã phát hiện 235 chiếc thạp đồng. Trong số này, thạp không nắp có số lượng lên đến 205 chiếc, thạp có nắp chỉ có 26 chiếc… Loại có nắp không chỉ hiếm hơn mà cũng có hoa văn trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ hơn, với những hình tả cảnh sinh hoạt, thuyền chiến, động vật... Tính đến 2021, cả nước có 31 chiếc thạp Đông Sơn có nắp đã được phát hiện, nghiên cứu và công bố. Thạp đồng Kính Hoa được xếp vào loại hình thạp Đông Sơn có nắp, và là chiếc thứ 32 thuộc loại hình này.

Thạp đồng Kính Hoa được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá là có trang trí tinh xảo, độc đáo và phong phú, thể hiện rõ qua tổ hợp hoa văn thuyền - người và động vật được bố cục ở vị trí trung tâm. Đặc biệt, hình tượng bốn con thuyền chở chiến binh với vũ khí, mái chèo đang lướt sóng trên thạp đã chứng minh trình độ phát triển cao trong kỹ thuật đóng tàu thuyền của cư dân Đông Sơn. Căn cứ vào hình tượng đó, thuyền của người Đông Sơn không chỉ đi trên sông mà đã có thể chinh phục được biển lớn. Thêm vào đó, hình tượng các động vật vùng biển như cá, rùa, sam đã chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.