Cô Pháp và những đứa học trò nhỏ của mình - Ảnh: Quang Hiệp |
Nhưng ở nơi heo hút ấy có một câu chuyện tình đẹp tựa cổ tích của một cô giáo cắm bản và chàng trai người Vân Kiều giỏi giang, chăm làm...
“Đập vỡ” lời nguyền...
Thuyền cập bờ, giữa cái nắng chang chang chúng tôi “bò” trên con đường do đi nhiều mà thành, qua 4 con suối cạn và nhiều lùm cây rậm rạp... Chợt tặc lưỡi nghĩ, hơn 20 năm trước một cô gái miền xuôi mới tuổi đôi mươi mà dám vào chốn này “cắm bản” thì quả là... liều mạng. Người đồng hành cùng tôi, ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông, thậm chí còn ví von rằng: “Những hòn đá to, lởm chởm trên con đường này cũng giống như những rào cản khủng khiếp mà cô Pháp đã phải vượt qua để đến được với tình yêu của mình”.
Người giáo viên ấy tên Phan Thị Pháp (52 tuổi, quê ở xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình). Năm 1983, cô Pháp cùng một giáo viên nữa được điều động vào Khe Ngài “gõ đầu trẻ”. “Vừa cầm tấm bằng sư phạm trên tay, nhiệt huyết dư thừa nhưng khi vào với Khe Ngài tôi đã thực sự choáng váng với cảnh nghèo nơi đây. Nhưng chính thế mà tôi càng thương bọn trẻ hơn và càng khát khao đem cái chữ đến với các em”, cô Pháp tâm sự.
Ít ai biết rằng, để làm trọn công việc của mình, cô giáo trẻ đã gầy rộc vì thiếu ăn, bị bệnh tật quật cho xanh xao vàng vọt... Nhưng chính những lúc này, cô mới hiểu được tấm chân tình của người vùng cao. Họ đã chia cho cô từng củ sắn, củ khoai, sẵn sàng cõng cô băng rừng về bệnh xá huyện. Ngày đó, ngoài việc dạy cho trẻ con thì các giáo viên còn phải bổ túc cho người lớn. Đêm xuống, dưới ánh đèn dầu leo lét, cô Pháp gõ thước đều đều lên bảng đen với những ánh mắt dõi theo của dân bản. Trong đó, có chàng trai Vân Kiều Hồ Ngọc Vui...
Ông Vui hóm hỉnh kể lại rằng lúc gặp cô Pháp ông chưa có mảnh tình vắt vai, cũng chẳng biết “tán gái” là gì. “Người ta da trắng tóc dài, lại là “người Nhà nước”, có học có hành nên tôi dù ưng bụng lắm cũng đành nín thin... Ở cùng bản, chạm mặt không biết bao lần nhưng giỏi lắm thì chúng tôi chỉ dám nhìn trộm, cười trộm với nhau mà thôi”, ông Vui cười nói.
May mắn thay, mọi thứ suôn sẻ hơn ông Vui nghĩ. Hết “nghĩa vụ”, cô giáo kia sớm rời Khe Ngài, trong khi cô Pháp tiếp tục “chế độ”... im lặng, sáng sáng vẫn cắp giáo án đến trường. Cuối cùng, mọi người mới lờ mờ hiểu ra rằng trái tim cô Pháp đã thuộc về nơi này, nơi có dáng hình chàng trai Vân Kiều thật thà, chăm làm, hay cười như tên gọi mà thôi! “Cha mẹ, họ hàng và bạn bè của tôi ngày đó cứ tưởng tôi bị đồng bào bỏ bùa mê thuốc lú gì rồi nên ra sức kéo tôi về xuôi, thậm chí ép tôi bỏ dạy. Họ nói, đừng chôn vùi đời con gái ở chốn khỉ ho cò gáy này...”, cô Pháp nhớ về quá khứ.
Trong khi đó, biết cô Pháp và ông Vui có tình ý với nhau, những người già, độc miệng ở bản cũng gọi ông Vui đến răn dạy, đe dọa đủ điều. “Họ nói lấy vợ cũng như đi mua con trâu, phải biết cày và kéo gỗ... Con gái quanh bản khỏe mạnh đầy ra đấy, mày lấy cô giáo yếu ớt thế thì sao giúp được việc nhà. Cả ngàn mùa trăng qua, bản Khe Ngài này có ai lấy người Kinh đâu, mày làm vậy sẽ bị thần núi, thần rừng bắt tội đấy”, ông Vui thuật lại.
Nhưng những lời thề nguyện bên bờ suối đêm trăng dạo nọ như “keo nhà trời” dính chặt lấy 2 người. Vượt qua mọi rào cản, thuyết phục những người thân, năm 1989, họ nên duyên. Đám cưới cũng rượu trắng xôi vò thôi nhưng đông nghịt người vì ai hay tin cũng đến dự và xem bằng được mặt mũi cô dâu, chú rể.
Chỉ có tình yêu thôi
Đôi thanh niên khát khao yêu đương xưa nay đã già. Họ sống ở một ngôi nhà gỗ cũ kỹ trên ngọn đồi nhỏ, phía trước là vài luống sắn, phía sau là những khoảng ruộng lúa nước xinh xắn. Có lẽ, sống ở đây nếu tình yêu không sinh sôi mới là điều lạ... Hằng ngày, cô Pháp vẫn đến trường trong khi ông Vui vác rựa, vác cuốc đi về phía khe Cô Roa để chăm bẵm cho 5 sào lúa nước của gia đình. Họ cũng trồng hoa màu và nuôi gà nhưng cũng như lúa gạo, họ không bán hoặc trao đổi mà chỉ để dùng trong gia đình.
Dẫu phong tục, tập quán của đôi bên nội ngoại có chút khác biệt nhưng có hề gì nếu như cả hai cùng nhẹ nhàng bày vẽ cho nhau. Ông Vui bảo cô Pháp bây giờ nói được cả tiếng của người Vân Kiều và làm được tất cả những việc mà phụ nữ Vân Kiều làm được, thậm chí còn giỏi hơn. “Những người già ngày trước can ngăn tôi nay lại gật đầu khen tôi biết chọn vợ...”, ông Vui đánh đét vào đùi, đắc chí.
Thời gian cứ thấm thoắt thoi đưa, cây rừng qua nhiều lần thay lá, tình yêu của họ cũng có những “trái ngọt” là 2 đứa con ngoan hiền. Anh cả nay đã đi dạy “cắm bản” ở xã Pa Nang, cô em thì cũng vừa xong lớp 12.
Sau nhiều lần xin “nghĩa vụ” tiếp tục cắm bản ở Khe Ngài, cô Pháp cũng chỉ còn 3 năm nữa là về hưu. Nhiều người khuyên cô nên rời chốn thâm sâu, ra ngoài lộ, dựng nhà mới để có một cuộc sống thoải mái hơn. “Có thể đối với họ như vậy là thoải mái, nhưng với tôi thì không. Lúc trai trẻ tôi đã chọn nơi này thì cớ sao lúc già nua lại bỏ đi cơ chứ?”, cô Pháp chép miệng.
Từ biệt vợ chồng cô Pháp, tôi quay ra trên con đường cũ. Đi một quãng xa ngoái lại vẫn thấy ngôi nhà gỗ của họ. Nó chỉ có một mình trên đồi nhưng không hề lẻ loi. Bởi nơi ấy, ngoài gió mây, tình yêu luôn dư thừa...
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)