Cổ tích ở Làng Tre

02/07/2011 23:39 GMT+7

Trung tâm nhân đạo Làng Tre tọa lạc tại khu vực cầu Khỉ Khô, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai nằm biệt lập giữa những chùm đồi thấp, cạnh rừng cao su xanh biếc, đồi dốc cheo leo. Tuy nhiên, ở giữa chốn rừng núi hoang vu này có một địa chỉ luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và lời tự sự của người già vì tại đây đang nuôi dưỡng 160 mảnh đời bất hạnh.

Những đứa trẻ không cha không mẹ, những người già không nơi nương tựa, thậm chí không rõ nguồn gốc quê hương, đã được Đại đức Thích Chiếu Bổn cưu mang đem về đây nuôi dưỡng.

 

Đại đức Thích Chiếu Bổn 

Tuổi thơ vất vả

Ông Huỳnh Văn Hòa tức Đại đức Thích Chiếu Bổn, sinh năm 1972, nguyên quán tỉnh Quảng Trị. Mới 9 tháng tuổi ông phải ở với mẹ nuôi. Tuổi thơ ông vất vả, khốn khó nên chỉ học được đến lớp 9 trường làng. Mỗi khi buồn thương cho số phận ông thường vào chùa làm công quả, kiếm cơm ăn thường nhật. Năm 19 tuổi, ông xuất gia đi tu tại Tu viện Phước Hoa, huyện Long Thành. Liền tiếp sau đó 2 năm, ông theo học lớp Phật học tại TP.HCM.

Trong khoảng thời gian theo học tại TP.HCM, trong ông đã phát tâm muốn làm được việc gì đó giúp ích cho đời, vì đã gặp và chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, thương tâm. Để làm được việc này, ông mở vựa buôn bán trái cây, khi đã có chút ít tiền ông đã mở quán cơm chay Thiện Duyên, tại huyện Củ Chi phục vụ bữa ăn miễn phí cho người nghèo. Ông tham gia nhiều chuyến ủy lạo, tặng sách vở, trao học bổng cho trẻ em nghèo, làm nhà tình thương, cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, miền Tây Nam Bộ. Ông cùng với Hội đồng bảo trợ chữ thập đỏ Việt Nam đến thăm và tặng quà cho người nghèo, người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, người dân vùng lũ quét ở tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Trị… Trong những chuyến đi làm từ thiện, ông đau lòng chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh rất thương tâm. Từ đó trong ông nhen nhóm ý nguyện sẽ xây dựng một trung tâm nhân đạo cưu mang những phận người không may mắn này.

Tấm lòng của Đại đức

Đầu năm 2008, tích cóp được một số tiền và lại có một ân nhân hiến tặng 2 ha đất, ông mua thêm 2 ha nữa liền kề tại Làng Tre, với tâm nguyện sẽ quy tụ người già và trẻ em về đây nuôi dưỡng. Khó khăn, thiếu thốn chồng chất nhưng không chịu khuất phục với hoàn cảnh và số phận, ông xoay xở bằng cách mượn vốn, mua thiếu xe ủi, xe xúc để san lấp mặt bằng, rồi dựng lán trại để che mưa che nắng cho những mảnh đời bất hạnh. Những khi xe rảnh việc thì ông cho các công ty khác thuê mướn. Rồi ông mở thêm cơ sở đan lát bằng tre để lấy kinh phí trang trải cho mọi chi phí từ xây dựng, đến ăn mặc, học hành, thuốc men, áo quần cho 160 mảnh đời bất hạnh đang ở tại đây. Đại đức Thích Chiếu Bổn đã xây dựng "Đề án thành lập Trung tâm nhân đạo Làng Tre" và đã được Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phê duyệt và được bà Dương Hồng Hóa - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam trao quyết định vào ngày 11.11.2010 và bổ nhiệm ông làm Giám đốc trung tâm cũng như thông qua Quyết định phê duyệt Quy chế hoạt động của Trung tâm nhân đạo Làng Tre.

Đến Làng Tre vào những ngày đầu tháng 6.2011, chúng tôi gặp những người khiếm thị đang kết những chiếc nút áo, hột cườm, kết thành những chiếc đèn, bình hoa, và các con vật tượng trưng cho 12 con giáp. Những em lành lặn, có sức khỏe được ông cho học nghề lái xe, sửa xe máy, chụp hình, quay phim. Những em nhỏ thì được cắp sách đến trường có xe đưa đón hẳn hoi. Những người già, khuyết tật thì xâu chuỗi, đan chổi để vừa tạo thu nhập, vừa tạo niềm vui sống.

Vừa kết cườm, chị Lý Thị Tươi, 30 tuổi, quê ở miền Bắc, bị mù hoàn toàn, vui vẻ cho biết: Tôi mới vào đây được một năm do có người mách chỉ, vào đây sống sướng lắm, có cơm ăn có việc làm, lâu lâu được đi chơi ở Vũng Tàu, Suối Tiên, một ngày kết cườm được 3 con vật, mỗi con bán được 20 ngàn đồng, cũng vui... Còn em Trần Minh Vũ, 13 tuổi, không cha mẹ, không nhớ quê quán được Đại đức Thích Chiếu Bổn “nhặt” về từ TP Biên Hòa, đọc cho người viết nghe bài thơ Làng Tre yêu thương mà mắt em đẫm lệ...

Đại đức Thích Chiếu Bổn tâm sự: “Dù khó khăn đến đâu đi nữa, tôi cũng không để các con mình thất học, không để các cụ ông cụ bà thiếu ăn, thiếu mặc. Có được Trung tâm nhân đạo Làng Tre như hôm nay, đó là sự chung tay góp sức, sự chia sẻ cảm thông của các nhà doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Tôi xin cảm ơn rất nhiều và rất mong được mọi tấm lòng tiếp tục chia sẻ, quan tâm và cùng tôi chăm sóc giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn trên cuộc đời này”.   

Đức Khánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.