Ẩm thực sân bay không chỉ dành cho người giàu
Trở về từ Singapore sau chuyến du lịch hồi đầu tháng 6, chị Minh Thanh (Q.7, TP.HCM) vẫn chưa hết "choáng" bởi số tiền phải trả nợ thẻ tín dụng cho hành trình chỉ 4 ngày 3 đêm ở đảo quốc sư tử. Đã 3 năm không quay trở lại Singapore, chị Thanh ước tính mặt bằng giá cả hiện nay đã phải tăng gấp 1,5 - 2 lần.
Gia đình 6 người nhà chị Thanh chủ đích đi du lịch trải nghiệm, khám phá nên luôn cân nhắc không chọn những nhà hàng tại các địa điểm quá sang chảnh nhưng dù ăn trong khu food court đường phố thì hóa đơn cho một bữa ăn cũng không thể dưới 250 đô la Singapore (SGD, tương đương hơn 4 triệu đồng). Tất nhiên, bữa ăn có chi phí "tốt hơn ngoài mong đợi", lại là bữa chia tay Singapore tại sân bay Changi - một trong những sân bay đắt đỏ nhất thế giới.
"Vì ra sân bay khá sát giờ nên chúng tôi ngồi ăn luôn ở khu food court nhỏ trên lầu 2, nhà ga T4. Em trai gọi một phần mì ramen hơn 26 SGD. Đổi sang tiền Việt thấy gần 450.000 đồng mà xót xa. Ở Nội Bài, 1 tô phở hơn 100.000 đồng đã bị kêu trời. Tính nhẩm trung bình 25 SGD/người, tôi đưa thêm thẻ cho lũ nhỏ vì chắc chắn số tiền mặt hơn 120 đô còn lại không thể đủ. Thế nhưng, một phần bún thịt nướng (thêm chả giò) ở quầy đồ Việt mà đứa em gái mua thì chỉ hơn 14 đô. Cùng quầy đó, một tô phở thập cẩm bò bình thường gần 19 đô - tuy gấp gần 3 lần tô phở ở sân bay Việt Nam nhưng so với ở đây, thế cũng là rẻ rồi. Tôi đi xem qua một vòng thì cũng có kha khá món giá thấp dưới 10 đô. Nếu chịu khó tìm kiếm thì không phải món nào ở sân bay Changi cũng 'cắt cổ' đâu" - chị Minh Thanh nói.
Changi không phải cảng hàng không duy nhất đang nỗ lực cải thiện "mác" thực phẩm siêu đắt đỏ của các sân bay. Tại ga đi quốc tế sân bay Incheon (Hàn Quốc), du khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy những set mì cay giá dao động từ 12.000 - 14.000 won (khoảng 220.000 - gần 260.000 đồng) bên cạnh những phần cơm trộn hoặc mì trộn gần 20.000 won. Nếu thèm vị đồ ăn Việt, du khách có thể tìm thấy một tô phở bò ở khu CJ Food Word giá khoảng 13.500 won (khoảng 250.000 đồng).
Tương tự, một số sân bay ở Nhật Bản cũng đã có nhiều loại thực phẩm giá cả phải chăng: một tô mì ramen hoặc mì udon có dải giá trải dài từ 900 - 1.800 yen (từ 150.000 - hơn 300.000 đồng).
Các sân bay tại Việt Nam cũng không nằm ngoài "cuộc cạnh tranh" về giá này. Sự tham gia của ngày càng nhiều hãng hàng không với nhiều phân khúc đối tượng khách hàng khác nhau đã thúc đẩy các công ty dịch vụ mặt đất phải linh hoạt xây dựng hệ thống sản phẩm thích ứng bởi nhu cầu của thị trường. Bên cạnh tô phở bò Wagyu đặc biệt giá khoảng 200.000 đồng, bạn hoàn toàn vẫn có thể nếm trọn vị phở Việt với một tô phở bò tái chỉ 69.000 đồng, phở tái nạm hơn 70.000 đồng...
Mới đây nhất, Công ty Dịch vụ mặt đất SASCO đã cho ra mắt dòng sản phẩm Ready2Eat takeaway để phục vụ các khách hàng muốn ăn thật nhanh, tiết kiệm chi phí. Dòng sản phẩm này gồm nhiều món như phở bò Úc, phở gà, nui xào bò, xôi mặn, cháo sườn... giá chỉ từ 49.000 đồng, ngang giá tô phở bò bình dân ở quận 4.
Ngoài ra, đối với khách hàng không muốn chi tiêu nhiều tại sân bay, chuỗi cửa hàng tiện lợi Fresh2Go kinh doanh thức ăn nhanh và thực phẩm thiết yếu với mức giá từ 20.000 đồng.
Nếu hầu bao rủng rỉnh hơn, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn tại nhà hàng Phố Chợ phục vụ món ngon các vùng miền Việt Nam với mức giá từ 39.000 đồng hoặc trải nghiệm cảm giác "hành khách sang chảnh" tại hệ thống nhà hàng Cuisine de Saigon, The Phoenix... với mức giá tương đương các nhà hàng đẳng cấp tại khu vực bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất.
Vì sao đồ ăn ở sân bay luôn đắt hơn bên ngoài?
Dù đa dạng dải giá nhưng không thể phủ nhận mặt bằng giá đồ ăn trong sân bay luôn đắt hơn ít nhất 15% so với giá đồ ăn bên ngoài. Chủ một chuỗi mì ramen ở sân bay Asahikawa (Hokkaido - Nhật Bản) cho biết không nên so sánh với giá bên ngoài vì như vậy hơi khập khiễng. Cùng thương hiệu, giống y nhau từ cách trình bày đến chất lượng nước súp, sợi mì, loại bò... nhưng một tô mì của ông ở ga tàu Asahikawa (trụ sở chính của chuỗi mì ramen này) sẽ rẻ hơn khoảng 50 - 200 yen so với giá ở sân bay Asahikawa, nguyên nhân chính do chi phí thuê mặt bằng cao hơn.
Theo Simple Flying, giá thuê mặt bằng thương mại tại các sân bay cao hơn gấp đôi so với chi phí trung bình của mặt bằng bên ngoài sân bay. Đồng thời, yêu cầu đối với các nhà cung cấp phải trả một tỷ lệ phần trăm doanh thu của họ dưới dạng phí nhượng quyền cho cơ quan quản lý sân bay cũng là yếu tố đẩy chi phí thực phẩm tại các sân bay cao hơn. Phí nhượng quyền giúp trang trải chi phí vận hành, bảo trì và cải tiến cơ sở hạ tầng của sân bay.
Bên cạnh đó, những thách thức về hậu cần và chuỗi cung ứng khi hoạt động trong môi trường sân bay làm tăng thêm chi phí thực phẩm. Việc cung cấp nguyên liệu tươi, đồ dễ hỏng và nguồn cung cấp cho các nhà hàng ở sân bay có thể phức tạp và tốn kém hơn so với các cơ sở ăn uống truyền thống.
"Các nhà cung cấp cần điều hướng các giao thức bảo mật, thời hạn giao hàng hạn chế và quy trình xử lý chuyên biệt..., tất cả những điều này có thể dẫn đến chi phí vận chuyển và mua sắm cao hơn. Đồng thời dẫn đến việc các nhà cung cấp tính giá cao hơn để vận chuyển hàng hóa của họ đến các nhà hàng ở sân bay. Chưa kể, các sân bay thường cách xa các khu dân cư, điều đó có nghĩa phí giao hàng có xu hướng phản ánh quãng đường mà các nhà cung cấp phải di chuyển. Chi phí tuyển dụng nhân viên trong sân bay cũng cao hơn bên ngoài" - bài phân tích trên Simple Flying chỉ rõ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, giá cả hàng hóa mặc dù có mặt bằng chung nhưng tùy thuộc từng thị trường, từng địa điểm, không gian và khu vực... sẽ có giá khác nhau. Cùng loại gạo nhưng giá bán ở Hà Nội chắc chắn phải cao hơn ở Cao Bằng. Chi phí đầu vào cao thì chắc chắn giá bán sẽ phải đẩy cao theo.
Sân bay là môi trường đặc biệt. Chi phí thuê mặt bằng, tuyển nhân viên phục vụ, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa... đều cao hơn bên ngoài. Đối tượng sử dụng máy bay cũng là người có tiền, sẵn sàng chấp nhận trả giá cao hơn với yêu cầu được phục vụ tốt, chất lượng tốt. Vì thế, rất khó để yêu cầu giá thực phẩm trong sân bay phải ngang với giá bên ngoài.
"Hiện nay có những nhà hàng, khách sạn vị trí đẹp họ bán đồ ăn đắt 'trên trời'. Người dùng đã chấp nhận giá đó vì họ chọn vị trí đó, bỏ tiền mua vị trí chứ không chỉ bỏ tiền mua chai nước hay ăn bát phở. Quan trọng nhất là giá bán đúng giá niêm yết, thuận mua vừa bán. Nhiều doanh nghiệp trong sân bay đa dạng dải giá, có những thực phẩm ngang giá ở ngoài, nghĩa là họ đang có tinh thần cải tiến; tổ chức, quản trị tốt, thậm chí đôi khi phải chịu lỗ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sân bay không có nhiều cửa hàng, không có nhiều sự lựa chọn nhưng vẫn thể hiện được tính cạnh tranh. Đấy là điều đáng hoan nghênh" - chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.
Bình luận (5)
Ngon mà đắt thì không nói chứ ăn 1 hộp mỳ tôm nếu mua ngoài giá trị là 15k mà bán 100k thì Tui Chê. Ăn 1 lần ở sân bay tp HCM chạy mất dép.
Không thể so sánh giá ở sb Sin với giá ở sb VN vì mức thu nhập chênh lệch nhiều à chị.
Uống 1 lon Beer ở Singpore bằng 12 lon ở VN ...