Chỉ đạo không thể để "thiếu thầy giáo", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: "Có trò là phải có thầy" và cho rằng hiện nay, với cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, có thể biết ngay một xã, phường, huyện hay thành phố năm nay có bao nhiêu cháu đi học. Và khi "có trò" rồi thì phải chủ động để "có thầy".
Năm học nào tình trạng thiếu giáo viên (GV) cũng là vấn đề nhức nhối, cứ năm sau lại trầm trọng hơn năm trước. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiếu GV lại càng trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn khi có một số môn học mới, một số môn trước kia là tự chọn thì nay thành bắt buộc.
Việc thiếu GV không phải vấn đề phát sinh, bị động. Như Tổng Bí thư đã chỉ ra, dữ liệu quốc gia về cư dân hoàn toàn có thể cho biết trước năm học tới hoặc 5 năm tới một phường, một xã sẽ có bao nhiêu học sinh ở từng cấp học; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng có nhiều năm chuẩn bị trước khi chính thức đưa vào triển khai, có đủ thời gian để trường sư phạm đào tạo GV, nhưng rồi ngành giáo dục vẫn bị động, vẫn lúng túng vì không có GV; có chỉ tiêu biên chế, có chính sách hợp đồng nhưng không tuyển dụng được hoặc không có nguồn tuyển.
Chỉ cách đây vài tuần, thông tin một loạt trường học ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa phải tạm dừng dạy một số môn học chính khóa do không có GV đã gây sửng sốt cho những người quan tâm tới giáo dục. Điều hiển nhiên, chương trình là pháp lệnh, những môn bắt buộc trong chương trình phải đảm bảo tất cả nhà trường, dù ở vùng thuận lợi hay đặc biệt khó khăn đều phải tổ chức dạy học. Do vậy, việc trường không thể tổ chức dạy học do thiếu GV là điều khó có thể chấp nhận.
Các nhà trường và địa phương này sau đó có phân trần dù đã xoay xở đủ cách, từ điều chuyển GV dạy nhiều trường trong cùng địa bàn; điều GV huyện này sang huyện khác đến "đôn" cả GV mầm non lên dạy tiểu học nhưng vẫn không đủ GV để giảng dạy…
Trước đó, các huyện miền núi như Mèo Vạc (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái)… từng nổi tiếng cả nước khi trưởng phòng GD-ĐT xin các trường ở Hà Nội dạy trực tuyến giúp môn tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 bởi không có GV và cũng không thể tuyển được GV môn học này.
Trình Quốc hội dự thảo luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất mang tính đột phá, đó là chuyển giao quyền chủ trì việc tuyển dụng, điều động nhà giáo cho ngành giáo dục thay vì ngành nội vụ như lâu nay. Đề xuất này cơ bản nhận được sự đồng thuận bởi sẽ giải quyết tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ hiện nay. Tuy nhiên, khi được giao quyền tuyển dụng nhà giáo thì ngành GD-ĐT cũng sẽ phải chịu trách nhiệm "trọn gói" từ khâu đặt hàng đến đào tạo GV đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Khi ấy, ngành GD-ĐT không thể đổ lỗi cho việc thiếu GV là không có nguồn tuyển. Đó cũng là những vấn đề chưa được thể hiện trong dự luật Nhà giáo.
Giải quyết tận gốc tình trạng thiếu GV được đặc biệt kỳ vọng sau chỉ đạo của Tổng Bí thư: "Bây giờ thiếu thầy thì các cháu đi học thế nào? Cái gì dẫn đến thiếu thì phải giải quyết", đồng thời ông lưu ý rất nhiều chính sách phải được bao quát vào luật.
Bình luận (0)