Cô trò nhỏ, con đường xưa và bác xích lô

18/12/2019 09:00 GMT+7

Ngày ấy, khi tôi đang học lớp đệ ngũ trường Nữ trung học Gia Long, tôi và hai nhỏ bạn cùng xóm đi bộ đến trường mỗi ngày.

Sài Gòn những năm ấy xe cộ thưa thớt, phương tiện di chuyển công cộng có xe lam và xe buýt, nhưng chỉ chạy trên những tuyến đường lớn.
Xóm nhỏ nhà tôi ở cuối đường Phan Đình Phùng, không phải tuyến đường chính nên cả xe lam lẫn xe buýt đều không “phủ sóng” đến. Chúng tôi học buổi chiều. Nắng Sài Gòn dạo ấy rất dịu êm. Nhà thơ Nguyên Sa từng lãng mạn :”Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Chúng tôi áo vải đơn sơ không cần áo lụa, vì những con đường chúng tôi qua đều rợp mát bóng cây. Từ nhà, chúng tôi đi dài theo con đường Phan Đình Phùng đến Bà Huyện Thanh Quan, rẽ phải vào trường.
Sài Gòn ngày ấy vỉa hè rộng thênh thang, đường đất nhưng mùa nắng không hề bụi mù, mùa mưa không hề bùn lấm. Chỉ có lá vàng tô điểm lối đi và lá me tung bay trong gió chiều. Có lẽ nhờ bóng mát những hàng cây mà đất lúc nào cũng im ắng và nền nã. Con đường chúng tôi qua, hai bên có nhiều ngôi biệt thự rất đẹp. Có ngôi nhà thấp thoáng, khuất sau mấy cây hoa sứ, hoa ngọc lan, thoảng hương trong gió. Lại có ngôi nhà e ấp, nép sau hàng dương liễu xanh đứng uốn mình như những nàng cung nữ thời xưa.

Sài Gòn ngày ấy vỉa hè rộng thênh thang..., chỉ có lá vàng tô điểm lối đi và lá me tung bay trong gió chiều

Ảnh: Thiên Anh

Thỉnh thoảng, trên đường đi, chúng tôi rẽ vào những con đường nhỏ dẫn qua Ngô Thời Nhiệm để ngắm những ngôi biệt thự yêu thích. Chính trên con đường này, một hôm, trước tòa nhà của hãng phim Mỹ Vân, chúng tôi bất ngờ được diện kiến dung nhan của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng! Từ trên xe bước xuống, thấy chúng tôi đứng ngẩn tò te như ba con mèo khờ, cô mỉm cười thân thiện, vẫy tay chào rồi nhanh nhẹn khuất bóng sau cánh cổng. Khi đã hoàn hồn, chúng tôi chữa thẹn giây phút “đứng hình” của mình bằng cách ngâm nga câu hát Pháp đang thịnh hành lúc bấy giờ :”Elle était si jolie que je n’osait l’aimer...”, mà cả bọn hợp tác chuyển ngữ rằng là :”Vì nàng đẹp quá tuyệt vời, nên ta chỉ dám kêu...Trời mà thôi!”.
...Nhưng hôm nay tôi một mình một bóng đi giữa hoàng hôn. Chả là vì có một nàng trong lớp bị thương ở chân, không đi học được, tôi thân là trưởng lớp, có nhiệm vụ cao cả là đi ủy lạo bệnh nhân, nên về trễ. Theo đúng lô-gích thì kịch bản thăm hỏi phải là :”Lớp trưởng nhìn em lớp trưởng cười. Em nhìn lớp trưởng lệ em rơi!”. Nhưng không, ở đây người bệnh cứ cười toe trong khi người thăm thì rầu rĩ! Lý do đơn giản là, trưởng ban học tập của lớp có bổn phận ghi chép bài vở cho các bạn. Thế nhưng ở đây, người “thọ nạn” lại chính là trưởng ban học tập nên cái “nhiệm vụ cao cả” kia sẽ lại do trưởng lớp là tôi gánh vác!

Còn hôm nay chỉ có một mình, tôi nghe như có “tiếng buồn vang trong mây” của nhà thơ Hồ Dzếnh

Ảnh: Thiên Anh

Cũng con đường này tôi đã từng tung tăng nhịp bước biết bao lần, nhưng chiều nay tôi thấy sao trống vắng! Vẫn lá vàng dệt thảm, vẫn lá me bay vèo trong gió nhưng tôi không cảm nhận được nét lãng mạn hay thơ mộng chút nào. Những ngày có hai nhỏ bạn đi cùng, nhiều lúc chúng tôi chỉ lặng lẽ đi bên nhau, không nói một lời lòng vẫn vui. Còn hôm nay chỉ có một mình, tôi nghe như có “tiếng buồn vang trong mây” của nhà thơ Hồ Dzếnh. Tôi gật gù nhận ra sự khác biệt giữa đồng hành và đơn hành. Rồi tôi nhớ đến lý do của những bước chân âm thầm này. Hừ! con gái con đứa, đi đứng thế nào để chân đau đến phải nghỉ học. Vừa suy nghĩ đến đây, tôi vấp ngay một cục đá to suýt té!
Như đáp lại tiếng thở dài của tôi, một chiếc xích lô trờ tới, dừng lại ngay trước mặt tôi. Bác xích lô, trạc tuổi ba tôi, nhưng khác là gương mặt in hằn vẻ dạn dầy sương gió, đậm nét phong trần. Bác hất hàm bảo tôi : “Lên đây bác chở”. Tôi ngập ngừng một chút, rồi vén tà áo bước lên, ngồi mấp mé trên nệm xe. Bác lại bảo: “Ngồi xích vô, không té bây giờ”. Chỉ còn một quãng đường ngắn là tới nhà tôi. Tôi ngồi im, không dám hó hé . Đến đầu hẻm gần nhà, tôi bước xuống, lễ phép cám ơn bác. Nhưng tôi không về nhà ngay, mà đứng lại nhìn theo bác đạp xe đi, thần thái ung dung tự tại, cứ như Bang chủ Cái bang Kiều Phong bước ra từ Thiên long bát bộ của Kim Dung! Tôi khoan khoái mỉm cười. Hãy đợi xem tôi sẽ kể cho lũ bạn, tôi đã hạnh ngộ “Kiều Phong” như thế nào!
Vậy đó, Sài Gòn trong tim tôi đơn giản chỉ là cô trò nhỏ với những con đường xưa, dẫn đến ngôi trường thân yêu, có lũ bạn vừa hiền như “ma- sơ” vừa nghịch như “quỷ sứ” , và có cả bác xích lô tốt bụng, một buổi chiều lộng gió năm nào.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.