Cơ trưởng 9X người Việt 5 lần thú vị đón giao thừa trên máy bay

31/01/2017 07:02 GMT+7

Đã từng đón thời khắc giao thừa trên máy bay đến 5 lần, thế nhưng với Đạt 'chảnh': “Mỗi lần như vậy đều mang một cảm xúc và ý nghĩa khác nhau”.

Với vẻ bề ngoài điển trai như diễn viên, không ít người nghĩ Đạt “chảnh” và khó nói chuyện. Thế nhưng, ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Đạt là một chàng trai vui tính và hòa đồng.
Diện trang phục sơ mi trắng, quần jeans, Đạt cười hiền, cuối đầu nhẹ rồi nói: “Xin lỗi, chị chờ Đạt lâu không? Do chuyến bay đáp cánh muộn hơn dự định một chút”.

tin liên quan

Nghề phi công hấp dẫn giới trẻ
Trở thành phi công đang là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Không chỉ là thu nhập cực kỳ hấp dẫn và được đi khắp nơi trên thế giới, phi công thực sự là một nghề nghiệp đẹp với khát vọng “chinh phục bầu trời” của những chàng trai cô gái khỏe đẹp, mạnh mẽ. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hàng không Việt Nam, sức hút của nghề này đối với lớp trẻ đang rất lớn.
Coi bắn pháo hoa trên trời
Lần thứ 2 trong buổi trò chuyện Đạt khiến tôi ngạc nhiên khi gọi 1 ly trà hoa cúc thay vì các đồ uống khác. Cậu bạn lý giải, vì trà hoa cúc giúp thanh nhiệt và sáng mắt. “Mình bay nhiều, mà làm phi công thì ngoài việc giữ sức khỏe còn phải giữ mắt luôn sáng rõ”, Đạt chia sẻ.
Khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, Quang Đạt cho biết, nghề phi công thật sự rất áp lực vì phải đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn. Công việc không có chỗ cho người thiếu kỷ luật. Bước lên máy bay với 200 người, trọng trách của phi hành đoàn rất lớn.
"Ở độ tuổi 26 và trở thành chỉ huy máy bay, chắc chắn mình không tránh được những ánh mắt dò xét và sự thiếu tin tưởng. Ngay cả bản thân mình cũng sẽ có những lúc phải tự nhìn lại những thiếu sót để khắc phục và sửa chữa. Vậy nên mỗi lần bước lên máy bay, mình đều nghiêm túc và cố gắng hết sức, kể cả khi làm việc cùng cơ phó người nước ngoài lớn tuổi hơn mình", Đạt tâm sự.
. Cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt (26 tuổi) đã đón giao thừa trên máy bay đến 5 lần.
Có lẽ đó cũng là lý do hầu hết đồng nghiệp đều dùng 3 từ: nghiêm túc, trách nhiệm và…già trước tuổi mỗi khi nhắc đến chàng phi công trẻ tuổi nhất Việt Nam này. Đạt cũng chia sẻ thêm, nghề bay luôn bận rộn và áp lực. Đặc biệt, nhu cầu đi lại trong dịp tết của người dân lại tăng cao nên thời gian dành cho gia đình của cả tổ bay gần như là không có.
Quyết định nghỉ ĐH Ngoại thương, chàng trai Nguyễn Quang Đạt (26 tuổi) lựa chọn theo học chương trình đào tạo phi công thương mại trường CTC, Hamilton, New Zealand và trở thành cơ trưởng của Hãng hàng không Jetstar Pacific.
Nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ trong những đợt bay tết, Đạt kể, hôm đó anh là người nói trên loa lời chúc sức khỏe, chúc năm mới và cảm ơn đến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Khi nghe xong, mọi người đều vỗ tay, cùng nhau nói lớn Happy New Year. “Đó cũng là lần mình được nhìn thấy pháo hoa ngay trên trời. Không khí lúc đó thật sự rất xúc động, và mình cảm giác như mọi người đều là gia đình của mình vậy”, Đạt nói với vẻ hạnh phúc.
Có một điều khiến tôi rất mến Đạt là trong suốt buổi trò chuyện, ngoại trừ lúc cho tôi xem hình ba mẹ thì Đạt hoàn toàn không sử dụng điện thoại. “Mình không thích lạm dụng vào smartphone hay công nghệ quá. Mình bay suốt, nếu có thời gian dành cho gia đình hay bạn bè thì chỉ muốn được nói chuyện trực tiếp cùng nhau thay vì cứ tập trung vào điện thoại”.
Hầu hết đồng nghiệp đều nhận xét Đạt (thứ hai từ trái sang) là người có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc và…già trước tuổi.
Chờ con về mới ăn tết

Đã từng đón thời khắc giao thừa trên máy bay đến 5 lần, thế nhưng với Đạt “mỗi lần như vậy đều mang một cảm xúc và ý nghĩa khác nhau”. Ngưng một chút, Đạt mở điện thoại cho tôi xem hình ba mẹ rồi nói tiếp: “Nhìn mọi người mang theo bao nhiêu thứ quà về quê ăn tết, nhiều khi mình cũng chạnh lòng. Nhưng nghĩ đến công việc của mình giống như một người chở niềm vui, chở tết về cho mọi người nên thấy lòng cũng ấm áp hơn rất nhiều”.
Thời điểm trước và sau tết là lúc mọi người trở về với gia đình sau một năm làm việc vất vả, nên đông đúc nhất chính là các đường bay nội địa. Những năm gần đây, nhu cầu du lịch nước ngoài cũng tăng cao nên các đường bay quốc tế cũng rất đông. Nhìn chung tết chính là khoảng thời gian bận rộn nhất của người làm hàng không. Nên trong 7 năm đi làm, Đạt chỉ may mắn có được 2 năm đón tết ở nhà.
"Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên nếu không ở nhà ngày tết, mình sẽ nghe bài "Nhớ về Hà Nội" vì mình đặc biệt thích câu "Ôi nhớ chiều 30 Tết, chen giữa đào hoa tươi thắm, đường phố đông vui chờ đón tất niên...". Mỗi lần như vậy lại nhớ những chiều 30 tết đi chợ hoa Hàng Lược, ngồi chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Vào thời khắc giao thừa thì Đạt sẽ nghĩ đến những gì đã và chưa làm được trong năm cũ và những kế hoạch năm mới. Và đặc biệt là cầu bình an cho mọi người thân, bạn bè và gia đình", Đạt chia sẻ.
Trong những ngày tết ở nơi đất khách thì Đạt sẽ gọi điện về cho bố mẹ chúc tết, hỏi xem năm nay nhà có gì mới, mẹ nấu món gì, sẽ đi đâu chơi và anh hứa với bố mẹ là sau tết "con sẽ về và nhà mình ăn tết lại". "Năm nay mình cũng sẽ bay tết đấy, nên hẹn gặp mọi người trên các chuyến bay của Jetstar Pacific!", Đạt nói vui.
Sắp đến giờ bay, Đạt chào tôi rồi nhanh chóng di chuyển vào khu vực dành riêng cho phi hành đoàn để chuẩn bị. Nhìn Đạt từ phía sau, trong tôi lại hiện lên gương mặt với nụ cười hiền của chàng cơ trưởng trẻ tuổi mỗi khi nhắc về mẹ, qua câu nói: “Phi công là niềm đam mê, và Đạt may mắn khi có gia đình ủng hộ. Dù không được đón giao thừa cùng bố mẹ, nhưng chắc chắn bố mẹ sẽ luôn dành cho Đạt những món ăn ngon nhất và đợi mình về mới bắt đầu đón tết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.