Đó là thắc mắc của thí sinh tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Những ngành thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển" do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 15.8.
Thích học quản trị kinh doanh nhưng đặt làm nguyện vọng 2!
Theo dõi chương trình tư vấn trực tuyến, Dương Xuân Sơn (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), đặt câu hỏi: "Em được 20 điểm, em đã đăng ký xét tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Duy Tân nhưng đặt ngành này làm nguyện vọng (NV) 2. Như vậy, trường hợp của em sau khi lọc ảo là như thế nào? Nếu NV1 của em đậu thì có phải là em sẽ bị loại khỏi danh sách để xét NV2 là quản trị kinh doanh của ĐH Duy Tân?".
Giải đáp thắc mắc trên, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết: "Tình huống này có rất nhiều thí sinh gặp phải, khi đăng ký một ngành làm ưu tiên đầu tiên - NV1, nhưng lại không thích ngành đó nữa. Theo quy định về xét tuyển, nếu trúng tuyển NV1 thì các em sẽ không được xét NV2 mặc dù em đủ điểm trúng tuyển NV2 của trường ĐH Duy Tân".
Theo tiến sĩ Hải, thời gian từ nay đến 17 giờ ngày 20.8, Bộ GD-ĐT tiến hành lọc ảo và quy trình này được diễn ra 6 lần. Trong quá trình lọc ảo này, nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào NV1 thì mới được xét tiếp NV2, nếu NV2 trúng rồi thì không xét tiếp NV tiếp theo. Quy trình lọc ảo nhằm loại bỏ tình huống một thí sinh trúng tuyển nhiều NV hoặc không trúng tuyển NV nào.
"Với mức điểm 20, em hoàn toàn có thể đậu vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Duy Tân, tuy nhiên với điều kiện em không đủ điểm đậu NV1. Trong trường hợp NV1 của em cũng là một ngành ở ĐH Duy Tân và em trúng tuyển NV1, nếu em không thích học ngành đó mà thích học ngành quản trị kinh doanh, thì khi đó trường sẽ xem xét hỗ trợ chuyển ngành cho em", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Cần làm gì tiếp theo nếu trúng tuyển?
Trong khi đó, phụ huynh Quang Tuấn, Đồng Nai, lại thắc mắc: "Con tôi 19 điểm khối D, đặt NV1 ngành quan hệ công chúng của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, vậy điểm này có cơ hội trúng tuyển không? Nếu trúng tuyển thì con tôi phải làm các thủ tục gì tiếp theo?".
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, giải đáp: "Ngành quan hệ công chúng của trường có điểm sàn xét tuyển là 17, nên với mức điểm 19 khả năng trúng tuyển của em rất cao. Đây là ngành học thu hút rất nhiều thí sinh. Học xong các em có thể làm truyền thông tại các doanh nghiệp hoặc làm việc ở các tòa soạn báo, đài truyền hình…".
Thạc sĩ Nguyên lưu ý, khi trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và đến trường làm thủ tục nhập học. "Trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh và có bảng hướng dẫn quy trình nhập học. Các em sẽ liên hệ với từng bộ phận để thực hiện các thủ tục như kiểm tra tiếng Anh, xếp lớp, nhận tài liệu… Giấy tờ cần chuẩn bị khi nhập học là phiếu điểm tốt nghiệp THPT bản gốc, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp công chứng, hộ khẩu, căn cước công dân…", thạc sĩ Nguyên thông tin.
Cũng tại chương trình, Trương Anh Dũng, thí sinh ngụ tại TP.Thủ Đức, lại băn khoăn không biết mức điểm 19,5 tổ hợp môn toán, lý, hóa có trúng tuyển vào các ngành công nghệ ô tô điện, công nghệ kỹ thuật ô tô và kỹ thuật cơ khí của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM? Được biết thí sinh này đặt cả 3 NV trên khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thầy Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Với mức điểm này em hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển vào cả 3 ngành. Quan trọng là em đăng ký NV1 là ngành nào thì sẽ trúng tuyển và học ngành đó".
Bình luận (0)