Có từ chức, buộc từ chức mới chọn được người thực tài làm việc

14/06/2010 03:05 GMT+7

* Mới có 58,6% kiến nghị cử tri được giải quyết Đó là nhìn nhận của GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, bộ máy nhà nước...

GS Thuyết nói: Việc quy trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên và chúng ta ra quy chế về trách nhiệm người đứng đầu quá chậm. Khi Nhà nước giao trọng trách thì anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm ở trọng trách đó. Tốt thì được khen, xấu thì bị chế tài và vi phạm phải kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật thì phải xử lý hình sự.

 

GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Tuệ Nguyễn

Tuy nhiên, có thể nói là những người đứng đầu ở những lĩnh vực xảy ra vấn đề lớn thời gian qua, nhất là những người đứng đầu ở những thứ hạng cao, thì gần như chưa có ai phải chịu trách nhiệm gì cả. Sập nhiều cái cầu nhưng tất cả các vị lãnh đạo Bộ GTVT vẫn ngồi nguyên tại chỗ... Hoặc việc trẻ con phải đánh đu trên dây cáp qua sông Pôkô để đi học nhưng từ lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo bộ không có một ai làm sao cả. Sau khi báo chí phản ánh thì thêm một “động tác” là phát cho mỗi người một cái áo phao. Đó thực ra không phải là giải pháp; mà việc đó xảy ra từ cơn bão số 9 cách đây 7-8 tháng rồi, hoàn toàn có thể khắc phục được...

Tôi cho rằng những việc như thế người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, mà người đứng đầu có chịu trách nhiệm thì mới chịu khó lo toan những công việc trong ngành mình quản lý để không xảy ra những việc như thế. Tôi cho rằng có từ chức, buộc từ chức như vậy thì mới chọn lọc được những người thực tài lên cầm quyền. Chứ một ông mà cứ ngồi mãi hết khóa này đến khóa kia, để xảy ra bao nhiêu chuyện mà không bị làm sao cả thì làm sao thúc đẩy được sự phát triển.

Có sự nể nang trong điều hành

* Vậy theo ông, việc cứ ngồi mãi ở một vị trí, dù xảy ra nhiều chuyện mà vẫn không bị làm sao cả ấy nguyên nhân là do đâu?

- Tôi cho một nguyên nhân dễ thấy là sự nể nang trong điều hành của Nhà nước. Người xưa có câu: “Thương anh em để trong lòng, việc công thì cứ phép công em làm”. Đất nước có những chuyện như thế thì tại sao lại không thể xử lý kỷ luật một ai cả? Tôi cho rằng phải xử lý kỷ luật. Nếu không, tối thiểu thì người ta cũng nghĩ ở đây có sự nể nang, mà nếu mọi việc cứ xử lý theo kiểu nể nang như vậy thì công việc không thể chạy được. Đó là chưa kể tiêu cực, tồn tại đó cứ kéo dài mãi thì người ta sẽ không chỉ đơn thuần nghĩ rằng đó là sự nể nang...

Tôi cho là từ chỗ chúng ta xử lý chưa nghiêm nên không thể nào khắc phục được những yếu kém đã được chỉ ra, không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, yêu cầu của nhân dân. Tôi lấy ví dụ, vụ SCIC, các bộ thay mặt Chính phủ để quyết định mức lương như vậy. Vậy thì sẽ phải giải trình đến nơi đến chốn trước cơ quan nào? Đó là tôi chưa nói đến chuyện phải giải trình trước công luận, ai phải đứng ra giải trình, phải kết luận đúng sai như thế nào, xử lý kỷ luật như thế nào để nhân dân được biết. Hay những vụ cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. Phải có xử lý, quy trách nhiệm chứ không thể không có ai chịu trách nhiệm ở đây được. Hoặc vụ Hiệu trưởng Sầm Đức Xương, báo chí nói rằng theo điều tra thì nhiều quan chức ở tỉnh Hà Giang cũng liên quan. Vậy cụ thể như thế nào phải được làm rõ chứ. Nếu báo chí đưa tin sai thì người tung tin phải chịu trách nhiệm, còn nếu đúng như vậy thì phải làm sáng tỏ chứ. Nếu các vụ việc cứ “bung” ra rồi “gói” lại như vậy thì tôi không biết mọi chuyện sẽ còn đi tới đâu.

Lấy kỷ luật làm trọng tâm

* Xung quanh việc chế tài trách nhiệm, theo ông trong thời gian tới nên khắc phục như thế nào?

- Tôi cho rằng, các cơ quan lãnh đạo, các cá nhân những người có trách nhiệm phải gương mẫu trong việc xử lý những hành vi vi phạm, trong đó có nhiều đồng chí phải tự xử lý mình. Xử lý một vài vụ việc nghiêm thì mới ổn định kỷ cương được ở những chỗ khác. Rất nhiều ngành, nhiều địa phương kêu là hiện nay không đủ thanh tra để đi giải quyết hết tất cả sự việc. Nhưng tôi cho rằng, nếu thanh tra mà đi đến nơi để lập biên bản rồi về thì tốt nhất là đừng thanh tra làm gì, mà người ta cũng không cần anh phải đi thanh tra tất cả mọi việc, chỉ cần thanh tra một số vụ việc nhưng phải xử lý dứt điểm. Tất nhiên, mình không thể lấy chuyện trừng trị làm chính, nhưng trong khi xã hội còn thiếu kỷ cương thì phải lấy chuyện đó làm trọng tâm để mà giải quyết các vi phạm.

* QH có quyền hạn nhất định trong việc chế tài trách nhiệm và việc giám sát thực hiện trách nhiệm của các cơ quan hành pháp. Vậy theo ông QH đã làm hết trách nhiệm để thúc đẩy kỷ cương thực hiện chính sách, pháp luật chưa?

- Cơ chế quản lý hiện nay của ta rất khó. Việc bỏ phiếu miễn nhiệm một thành viên nào đó đã được QH bầu cũng rất khó, phải có những điều kiện nhất định, ví dụ phải 20% đại biểu QH đề nghị mới được. Thực ra thì người ta cũng giao cho Thường vụ QH thực hiện mà không cần đến 20% đề nghị miễn nhiệm. Nhưng vì sao không làm được? Ở đây có một vấn đề, về tổ chức thì QH không phải hoàn toàn quyết được. Thứ hai, có rất nhiều chuyện QH đã kết luận, đã kiến nghị gửi Chính phủ nhưng không được thi hành và cũng không bị làm sao cả.

Ví dụ trường hợp mà Báo Thanh Niên đăng về di tích lịch sử giả ở mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng. Chính vì có dư luận báo chí nên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cử một đoàn giám sát về Nghệ An vào tháng 9 năm ngoái. Chúng tôi kết luận, đó là di tích giả, đặt vấn đề phải thu hồi bằng chứng nhận di tích ấy, đồng thời kiểm tra xem trong nước có bao nhiêu kiểu di tích giả như vậy. Thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự với những người tự bịa đặt ra chuyện này. Tuy nhiên, kiến nghị của chúng tôi đến nay vẫn chưa được giải quyết...

* Thưa ông, sắp tới chúng ta dự kiến sẽ sửa hiến pháp. Theo ông, có nên sửa đổi những quy định trong Hiến pháp, Luật Bầu cử QH... để tăng quyền của QH?

- Vâng, tôi nghĩ rằng cũng phải tính đến những sửa đổi, để thậm chí là Mặt trận Tổ quốc ở địa phương cũng có thể có quyền nhất định, ví dụ miễn nhiệm đại biểu QH. Đại biểu mà suốt cả mấy kỳ họp QH không có một ý kiến nào, kể cả thảo luận ở tổ thì liệu có nên tiếp tục nữa không? Hoặc các thành viên của Chính phủ, các thành viên khác mà QH bầu chưa chuẩn, nếu không hoàn thành nhiệm vụ và có ý kiến của đại biểu QH thì Ủy ban Thường vụ QH cũng nên xem xét, thăm dò trước QH, báo cáo trước tổ chức của Đảng... Tôi cho rằng, những việc đó làm được thì chắc chắn sẽ tốt lên.

* Xin cảm ơn ông!

Mới có 58,6% kiến nghị cử tri được giải quyết

Trưởng ban Dân nguyện của QH, ông Trần Thế Vượng cho biết tính đến ngày 10.5.2010, mới có 697 kiến nghị (chiếm 58,6% tổng số kiến nghị) của cử tri do UBTVQH chuyển đến được các cơ quan phản hồi tiếp thu, giải quyết. Các kiến nghị còn lại, ngoài 263 kiến nghị (chiếm 22%) đang trong quá trình xem xét, giải quyết; 94 kiến nghị (chiếm 7,9%) được ghi nhận để nghiên cứu ban hành chính sách; 50 kiến nghị (chiếm 4,2%) tuy thuộc trách nhiệm của bộ, ngành ở trung ương nhưng việc giải quyết cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương; 66 kiến nghị (chiếm 5,5%) được cơ quan có thẩm quyền giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; còn 18 kiến nghị chưa có văn bản trả lời, trong đó Chính phủ “nợ” 14 kiến nghị và BHXH “nợ” 4 kiến nghị. So với kỳ họp trước đó, số kiến nghị còn nợ cử tri đã giảm được 8.

UBTVQH đánh giá: cùng với việc tập trung chỉ đạo, điều hành để tiếp tục duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân, chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được nâng cao, nhiều kiến nghị đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của cử tri đã được trả lời sẽ ghi nhận để nghiên cứu giải quyết hoặc đang xem xét giải quyết nhưng các cơ quan chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, đề ra lộ trình cụ thể trong việc ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với những vấn đề nảy sinh trong đời sống thực tiễn; việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chậm; có trường hợp còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết.

UBTVQH đơn cử: một số văn bản trả lời chưa đúng, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri như văn bản trả lời của Bộ Y tế về thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp người bị tai nạn giao thông; việc trả lời và thông báo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của một số cơ quan còn chậm như Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam...

Nguyệt Minh

Trách nhiệm

Vài kỳ họp gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều đặn thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền và báo cáo trước QH tại mỗi kỳ họp, trước phiên chất vấn. Theo dõi các báo cáo thì thấy kiến nghị của cử tri gửi đến QH ngày càng nhiều (kỳ họp thứ 7 này QH nhận được 1.170 kiến nghị, so với 993 kiến nghị của kỳ họp thứ 6); tỷ lệ các kiến nghị được trả lời từ các cơ quan thẩm quyền (do QH chuyển đến) cũng cao hơn sau mỗi kỳ họp (kỳ họp thứ 6 đạt 97,7%, kỳ họp thứ 7 tăng lên là 98,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ kiến nghị được tiếp thu và giải quyết thì giảm đi. Theo báo cáo của UBTVQH, chỉ có 58,6% kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6 được tiếp thu và giải quyết, con số này ở kỳ họp trước là 62,94%.

Rất tiếc là trong báo cáo của UBTVQH (do Ban Dân nguyện thực hiện) không chỉ rõ những kiến nghị (còn lại) không được giải quyết là do kiến nghị của cử tri không phù hợp, không thể giải quyết hay do cơ quan có thẩm quyền không giải quyết để cử tri có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ tiếp thu và giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Song, rõ ràng có một thực tế mà báo cáo của UBTVQH nhận định: có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Chuyện bỏ lỡ một cách đáng tiếc thời cơ xuất khẩu gạo giá cao trong năm 2008 là một ví dụ rất điển hình. Có lẽ cảm giác ngẩn ngơ, tiếc nuối về việc để vuột mất cơ may làm giàu trăm năm có một khiến cử tri không thôi kiến nghị, đòi hỏi xem xét trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Rõ ràng các câu trả lời chung chung mà lỗi đơn giản là do “cơ chế” đã không khiến cử tri bằng lòng.

Tại kỳ họp thứ 6, những kiến nghị bức xúc dai dẳng buộc UBTVQH phải đưa thành nội dung giám sát. Và kết quả cho thấy, đúng là “có chuyện”, rằng “Bộ Nội vụ, Bộ Công thương không làm đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi nghiên cứu, quyết định phê duyệt Điều lệ của Hiệp hội lương thực Việt Nam”. Điều này dẫn đến có sự không phù hợp giữa điều lệ này với Luật Thương mại, dẫn đến những ách tắc cho công tác xuất khẩu gạo và thiệt thòi cho nông dân. Nhưng kiến nghị “hậu giám sát” chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều cử tri không hài lòng, khi cũng chỉ dừng lại ở việc sai thì sửa.

Nếu vẫn tiếp tục có sự né tránh, nể nang tồn tại ngay chính trong hoạt động giám sát và cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với một chức danh do QH bầu và phê chuẩn được luật định không một lần được sử dụng, thì sẽ không có gì bảo đảm rằng, tỷ lệ kiến nghị của cử tri được tiếp thu và giải quyết sẽ không còn tiếp tục giảm đi. Các phiên chất vấn cũng sẽ giống như một phiên “trình diễn” của các bộ trưởng nếu các cam kết của họ không gắn với chế tài trách nhiệm.

An Nguyên

Cách chức, kỷ luật, lấy ai mà làm việc?

 
Tôi đồng ý xử nghiêm, xử đúng quy định pháp luật. Kể cả các bộ, các ngành, Phó thủ tướng, Thủ tướng thì các đồng chí QH có thể xử lý... đúng quy định của pháp luật, đúng thực tiễn của tình hình để chúng ta cân lên, đặt xuống và xử lý một cách thận trọng. Còn hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí? Giả sử làm mười việc tốt, có một việc sai thì cũng phải tính toán...

Cho nên quy định của Đảng, pháp luật có cái đạo đức, tính hợp lý là phải cân nhắc, thận trọng, có tính toán. Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm. Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp. (Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12.6)

Người nhậm chức phải có cam kết lộ trình hành động

 
Xưa nay chúng ta chỉ kỷ luật những người làm sai chứ không kỷ luật những người không làm và như vậy tạo nên một sức ỳ rất lớn trong bộ máy, tức là không ai muốn làm cả vì nếu làm sai thì sẽ bị kỷ luật. Làm trăm việc đúng mà chỉ có một việc sai cũng sẽ bị kỷ luật, trong khi đó nếu không làm việc gì cả thì lại không bị làm sao. Tôi cho rằng cần có những yêu cầu khác về trách nhiệm. Tôi giao cho anh một lộ trình, tiêu chí cụ thể, ví dụ năm nay phải giảm số giờ cắt điện xuống 50%, sang năm là 30% và năm sau nữa là chấm dứt... Tôi chọn người đạt được các tiêu chí đó, người đó phải hứa trước QH nếu tôi được giao chức vụ đó thì tôi sẽ làm đúng lộ trình đó, hoặc có thể xin thêm thời gian là 1-2 năm chứ không thể cứ lần lữa hết năm này đến năm khác như vậy.

Có nhiều người đề nghị một quan chức khi nhận chức phải đưa ra một cam kết, một chương trình hành động. Tôi cho rằng như vậy là rất đúng. Phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hiện nay, thực tế ngay cả QH chưa có thể bãi miễn một vị trí nào thì cũng phải xem xét lại cơ chế. (ĐB Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ của QH)

Nguyệt Minh - Tuệ Nguyễn (ghi)

Quốc hội sẽ quyết nghị chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc trước khi bế mạc

Từ hôm nay 14.6 đến hết ngày 19.6 là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XII. Sáng mai 15.6, QH thảo luận ở hội trường về Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong 3 ngày làm việc tiếp theo, QH dự kiến xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Trong tuần này, QH cũng biểu quyết thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế, nhà đất; Luật Con nuôi; Luật Bưu chính; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Thi hành án dân sự; Luật Trọng tài thương mại; Luật An toàn thực phẩm.

Ngay trước phiên bế mạc, QH sẽ thông qua một số nội dung quan trọng như: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; Nghị quyết giám sát chuyên đề; Nghị quyết về chất vấn (nếu có).

Tuệ Nguyễn

Nguyệt Minh - Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.