Cổ tử cung không mở

02/10/2011 17:32 GMT+7

Thường thì đến cận giờ sinh, cổ tử cung của thai phụ sẽ mở trọn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tử cung không thể mở, gây nhiều trở ngại cho cuộc “vượt cạn”.

Nguyên nhân

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà (Trưởng khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM),  thường thì khi thai đủ trưởng thành, dưới ảnh hưởng nội tiết sẽ xuất hiện cơn gò tử cung, từ đó gây xóa mở cổ tử cung. Cổ tử cung sẽ mở từ từ dần đến 10 cm (đã mở trọn) là lúc thai nhi được sinh ra. Quá trình chuyển dạ được chia làm 3 giai đoạn gồm xóa mở cổ tử cung, sổ thai và sổ nhau; trong đó thời gian sổ thai và sổ nhau không quá 60 phút.


Tử cung mở trọn, việc sinh nở sẽ dễ dàng hơn - Ảnh: T.Tùng

Sở dĩ có hiện tượng cổ tử cung không mở là do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: rối loạn cơn gò xuất hiện trong ngày dự sinh hoặc lúc chuyển dạ - cơn gò tử cung yếu hoặc quá mạnh; cổ tử cung xơ cứng do những tổn thương như viêm nhiễm, ung thư; sẹo xơ trước đó do những thủ thuật khoét chóp, cắt đoạn, đốt điện trên cổ tử cung đều gây ra hiện tượng này.

“Cũng không loại trừ nguyên nhân xuất phát từ tâm lý sản phụ hay áp lực cuộc sống. Những trường hợp sản phụ quá lo lắng, căng thẳng thì có thể gây nên hiện tượng cổ tử cung không mở”, TS-BS Thu Hà cho biết.

Cách xử lý

Tình trạng cổ tử cung không mở gây nhiều khó khăn cho sản phụ, không chỉ làm trục trặc quá trình sinh tự nhiên mà còn làm chuyển dạ kéo dài, gây đau đớn nhiều hơn trong thời gian sản phụ sinh con. Ngoài ra, có nhiều trường hợp gây rối loạn cơn gò tử cung và nguy cơ băng huyết sau sinh nếu không can thiệp kịp thời. 

TS-BS Thu Hà cho biết, khi gặp tình trạng này, bác sĩ sẽ dùng nhiều phương pháp để giúp cổ tử cung mở như: tách ối, đặt túi nước vào buồng tử cung, hướng dẫn se đầu vú, cho thuốc tăng co bóp... Mức độ thành công từ những phương pháp này khá cao. Nhưng nếu các biện pháp trên vẫn không giúp tiến triển tốt thì sẽ mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

“Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của thai phụ kém hơn và nguy cơ bị tác động bởi nhiều yếu tố môi trường sống, công việc... rất cao. Vì vậy, để kịp thời phát hiện các bệnh tật lúc mang thai, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và thai nhi như tình trạng nói trên, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ và tuân thủ lời dặn của bác sĩ trong cả quá trình mang thai. Ngoài ra, thai phụ cần giữ tâm lý thoải mái, lạc quan. Khi tinh thần ổn định, cơ thể khỏe mạnh thì thai nhi sẽ phát triển tốt và cuộc “vượt cạn” dễ dàng hơn”, TS-BS Thu Hà khuyên.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.