Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 4: Tượng thần đầu voi Ganesha

24/05/2012 03:24 GMT+7

Tượng thần đầu voi Ganesha bằng đá chế tác từ thế kỷ 17-18 ở Campuchia là tượng Ganesha duy nhất được trưng bày trong đợt này.

Vị thần của may mắn

Đây là tượng thần mình người đầu voi được thờ ở nhiều nước Đông Nam Á, riêng tượng Ganesha của Campuchia này mặc dù chiếc vòi và chỏm tóc bị sứt một chút, phía cánh tay trái và dưới đế hơi bị nứt, nhưng vẫn giữ được những nét tạo hình theo phong cách mỹ thuật truyền thống của tín ngưỡng Ấn Độ giáo.

Theo tín ngưỡng đó, một số loài vật như cọp, rắn, chim, voi được thờ chung cùng các vị thần khác, nhưng cũng có một số loài cá biệt được sùng bái và thờ riêng một cách trang trọng như thần đầu voi Ganesha (Ganapati) tượng trưng “cho sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ”, được xem là vị Phúc thần đáp ứng những điều may mắn, cát tường cho mọi lời cầu nguyện. Ngài là đứa con ra đời từ cuộc hợp hôn giữa thần Shiva với con gái của thần núi Himalaya là nàng Uma Himavutee thường được gọi bằng một tên gợi cảm là Parvati (Sơn nữ).

Sự có mặt của tượng thần Ganesha chế tác từ Campuchia là dịp để người ta liên tưởng đến các tượng Ganesha khác tại Việt Nam được phát hiện ở tháp Mỹ Sơn vào năm 1903, đồng thời xác nhận thêm sự xuất hiện cũng như ảnh hưởng khá sớm của Ấn Độ giáo ở Chăm Pa, đem lại nguồn cảm hứng thiêng liêng để sáng tác những tác phẩm điêu khắc Chăm mang giá trị cao.

 Tượng thần đầu voi Ganesha - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cung cấp
Tượng thần đầu voi Ganesha - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cung cấp

Về ý nghĩa các tượng Ganesha ở Việt Nam, bà Huỳnh Thị Được - cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, trong một tác phẩm liên quan đến thần thoại Ấn Độ đã giới thiệu Ganesha là “một trong những vị thần được yêu mến nhất của Ấn Độ. Với chiếc vòi dài, bụng phệ, bức tượng Ganesha có mặt khắp các thị trấn Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Những bức tượng tương tự như vậy từ thời Trung cổ có thể được nhìn thấy tận miền Đông Java. Người theo Ấn Độ giáo thường cúng một số lễ vật trước tượng Ganesha mỗi khi bắt dầu một chuyến du hành hay là khai trương một công việc kinh doanh, thậm chí đi hỏi vợ”.

Ảnh hưởng của Phúc thần Ganesha

Không chỉ riêng Campuchia có tượng thần Ganesha, mà một pho tượng Ganesha khác do Thái Lan chế tác hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử mang ký hiệu 2563, tạc bằng gỗ quý với sắc đỏ tự nhiên, do Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Etude Indochinois) mua lại của một nhà sưu tập người Pháp năm 1927, rồi đưa vào Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn bảo quản với ký hiệu cũ T.319. Mô tả của Phan Anh Tú, cán bộ bảo tàng, cho biết tượng Ganesha Thái Lan này được tạc với tư thế ngồi bán già trên một bệ tròn ba tầng, đầu đội mũ hình tháp (stupa), đôi tai lớn phình rộng với chiếc vòi uốn cong xuống tận bệ, miệng có hai ngà, cổ và tay chân đều có đeo vòng trang sức, tay trái cầm một chiếc bát, tay phải cầm một chiếc bình: “Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu của điêu khắc Phật giáo miền Bắc Thái Lan thế kỷ 14 xuất hiện trên pho tượng Ganesha này... Đã có sự kết hợp những yếu tố điêu khắc của Phật giáo Thái Lan hiện đại với xu hướng hình thể học của điêu khắc phương Tây, tạo cho pho tượng một phong cách hoàn hảo. Kiểu điêu khắc này, theo các nhà nghiên cứu thì nó xuất hiện tại Bangkok vào thế kỷ 19 dưới triều đại vua Rama V. Chính trong giai đoạn này, nghệ thuật Thái Lan có ảnh hưởng mạnh đến nghệ thuật Campuchia và Lào”.

Ảnh hưởng xã hội của Phúc thần Ganesha đến ngày nay vẫn còn ghi dấu ở nhiều di tích và thành thị Đông Nam Á, chẳng hạn ở TP.HCM  có một ngôi đền Ấn Độ giáo lâu đời nhất hiện vẫn còn tồn tại ở số 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM. Đền này thờ vị thần quyền lực siêu phàm trong hệ thống thần thoại Ấn Độ là Subramaniam Swamy có quan hệ huyết thống với thần hủy diệt Shiva. Trong đền đồng thời có thờ Phúc thần Ganesha là con thứ hai của thần Shiva.

Thần Ganesha như đã nói là kết quả cuộc hợp hôn của Shiva với sơn nữ Himalaya, mà các pho sách xưa chép rằng: “Khi Shiva giao hợp cùng vợ thì tia lửa lạc thú phóng xuất giúp vũ trụ hình thành từ tình yêu ấy, chính vì thế Shiva tự phân thành hai nửa, một nửa là âm và một nửa là dương, hai nửa ấy giao hòa và hóa thành đại địa cùng sự sống khắp nơi”. Bởi vậy trong đền thờ nói trên hiện vẫn còn thờ thần Shiva lưỡng tính qua biểu tượng linga đặt trên yoni tại chánh điện - nơi có tượng thần Ganesha an vị.

Campuchia với cổ vật nhiều nhất và duy nhất

Campuchia là nước có nhiều cổ vật được giới thiệu ở đợt này nhất với 58 hiện vật, trong đó có hai chiếc thố bằng đất nung niên đại thời tiền sử. Một bình bốn quai bằng gốm men nâu chảy và một chum hình trứng có bốn núm ở vai, cả hai có niên đại thế kỷ 12, 13. Ba chiếc hũ và hai bầu nậm bằng gốm men nâu thế kỷ 15, 16. Vật trang trí đầu kiệu hình chim thần Garuda bằng đồng thế kỷ 17, 18.

Tượng vũ công Campuchia bằng gỗ thế kỷ 19, 20 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cung cấp
Tượng vũ công Campuchia bằng gỗ thế kỷ 19, 20 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cung cấp
 

Đặc biệt vài cổ vật khác nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và các nhà nghiên cứu ngay những ngày đầu khai mạc là tượng voi dâng rượu bằng đồng trong tư thế quỳ với chiếc vòi quấn bầu rượu đưa lên cao. Hoặc chiếc đèn cổ có tay cầm hình con rắn Naga thế kỷ 14, 15; 6 đồng kê ngân dạng tròn có in hình con gà bằng kim loại màu trắng thế kỷ 18...

Giao Hưởng

>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 3: 5 thanh kiếm độc đáo của Malaysia
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại” - Kỳ 2: Tượng Phật Lào
>> Cổ vật Đông Nam Á “sống lại”
>> Trưng bày cổ vật các nước Đông Nam Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.