Các pho tượng Phật Chuẩn đề, tượng Phật A Di Đà... được làm bằng chất liệu gỗ, được sơn son thiếp vàng cách đây hơn 300 năm của hòa thượng Thích Từ Nghiêm được đặt trang trọng ngay chính giữa phòng Triển lãm cổ vật người Đà Nẵng. Ít ai ngờ rằng, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập tượng Phật của một nhà sư.
Thú sưu tầm tượng Phật cổ đến với thầy Nghiêm như một căn duyên. Thầy Nghiêm kể, trong những chuyến đi nước ngoài làm việc, thấy rằng ở tất cả các nơi đều có bảo tàng, triển lãm về tượng Phật. Mỗi một pho tượng đều gắn với lịch sử, ý nghĩa riêng, văn hóa Phật giáo mỗi nước được in dấu ấn rõ nét qua phong cách điêu khắc tượng Phật. “Đơn cử, tuy cùng xuất phát từ Ấn Độ nhưng khi Phật giáo qua Trung Quốc, Việt Nam đã có sự khác biệt lớn do ảnh hưởng văn hóa bản địa. Tương tự, khi Phật giáo qua Thái Lan, Campuchia... thì lại mang sắc thái riêng”, thầy Nghiêm chia sẻ. Người ta làm được, tại sao mình không làm? Và, công việc sưu tầm tượng Phật được thầy lặng lẽ thực hiện kể từ dạo đó, cách đây hơn 10 năm. Dần dần, nó trở thành niềm đam mê thứ hai của thầy, sau kinh kệ.
Những tượng Phật được thầy Nghiêm sưu tầm khá phong phú, đa dạng về chủng loại và chất liệu từ đồng, gỗ, sành, bạc, ngọc và tượng được thiếp vàng. Nhiều tượng được mọi người trầm trồ yêu thích như: tượng Phật Di lặc điêu khắc từ gỗ mun có niên đại hơn 200 năm đến tượng đồng Cô Xá Na Phật thời Minh niên đại 500 năm, tượng Quán Thế m điêu khắc từ gỗ hóa thạch, rồi bộ tượng Linh sơn tam Thánh làm bằng men bạch định đời nhà Thanh, tượng Thập nhất diện Quan m niên đại 300 năm, Quan m thác kiến bằng gỗ hóa thạch niên đại cách đây 700 năm... Mỗi một pho tượng gắn với một lịch sử riêng, một mối lương duyên riêng. Có cái thầy thỉnh lại từ những nhà sưu tầm khác trong nước, có tượng thầy thỉnh về trong các chuyến đi Trung Quốc, Lào, Nhật Bản..., có cái do phật tử tặng.
|
Ước mơ một bảo tàng Phật giáo
“Nhất kỳ, nhì cổ”, đó là tiêu chí chọn tượng Phật của hòa thượng Thích Từ Nghiêm. Đi đâu hoặc nghe ai giới thiệu, thấy tượng đẹp, lạ là thầy thỉnh về chứ không nhất thiết nó phải là đồ cổ. Nổi bật trong bộ sưu tập này là pho tượng Quan m thác kiến bằng gỗ hóa thạch cách đây hơn 700 năm có một không hai. “Cách đây 400 năm, Đà Nẵng giao lưu với Nhật Bản và tặng một bức tranh vẽ về bức tượng này. Mới đây, người Nhật Bản đem tặng lại bức tranh đó như để nhắc nhớ về tình cảm bang giao thuở xưa”. Một nhà sưu tầm tư nhân bật mí với PV bức tượng này của thầy đã được người chơi cổ vật trả giá 500 triệu đồng nhưng thầy nhất quyết không bán.
Bộ tượng Linh sơn tam Thánh đời Thanh từ cách đây hơn 200 năm làm bằng men bạch định, hay còn gọi là men trắng rất quý hiếm cũng đến với thầy thật tình cờ và đầy duyên nợ. Cùng một bộ nhưng sau thời gian lưu lạc lại quay về căn phòng nhỏ hơn 20 m2 của thầy chỉ trong vòng 2 năm. Trong số đó, pho đức Thích ca được vớt lên từ dưới biển, được thầy tìm về tại Đà Nẵng. Còn hai tượng còn lại là Phật Văn Thù được thỉnh về từ TP.HCM và Phật Phổ Thần được thỉnh về từ Đà Lạt. Bộ 18 vị La hán cũng bằng men bạch định từ thời nhà Thanh rất ít người có cũng được thầy thỉnh về từ TP.HCM. Một bức tượng hiếm khác mà thầy Nghiêm sưu tầm được là tượng Phật được làm theo phong cách thời Hùng Vương (chưa xác định được chính xác niên đại).
“Mình đã bỏ công sức ra sưu tầm rồi, tượng đến với mình là một mối lương duyên nên mình chưa bao giờ có ý định sẽ đổi, hoặc bán các cổ vật. Tất cả sẽ được tập hợp lại để thầy thực hiện ước mơ mở một phòng triển lãm tượng Phật cổ. Trong đó, có sưu tầm thêm tranh đá quý, tranh sứ, các chậu kiểng vẽ văn hóa Phật giáo... cùng với các bộ kinh đặc biệt để tạo nên một không gian văn hóa Phật giáo độc đáo riêng để giới thiệu mọi người”, thầy Nghiêm tâm sự. Vì vậy trong bộ sưu tập của mình, nếu hỏi thầy yêu thích tâm đắc cái nào nhất thì quả là câu hỏi hóc búa với người sưu tầm đặc biệt này.
Căn phòng chưa đầy 25 m2 của thầy Nghiêm đã nhường chỗ hết cho không gian trưng bày bộ sưu tập tượng quý này, và cứ sau mỗi một lần thỉnh tượng, góc sinh hoạt của thầy lại trở nên chật chội hơn. Nhưng với thầy Nghiêm đó không là điều quan trọng mà cái chính là làm sao có điều kiện, cơ hội được thỉnh thêm nhiều tượng Phật có giá trị để thực hiện ước mơ xây dựng phòng triển lãm, bảo tàng riêng về văn hóa Phật giáo nói chung và tượng Phật cổ nói riêng của mình.
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)