Nói không dễ bởi ở đất Đà Nẵng xưa, truyền thống chơi đồ cổ dường như không có. Rất hiếm người đam mê món này, có chăng cũng chỉ lác đác một hai người thế hệ trước. Nên nếu ở các nơi đều có thế hệ đi trước dẫn đường, bày vẽ thì với người chơi cổ vật Đà Nẵng quả là một sự thiệt thòi. Xét về khía cạnh kinh tế, người Đà Nẵng lực cũng không đủ mạnh để có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua những món đồ cổ giá trị và độc đáo. Để nuôi dưỡng phong trào đến nay, chỉ duy nhất dựa vào chính sức bền của ngọn lửa đam mê.
Cây đa của thú chơi cổ vật
Giới chơi đồ cổ ở Đà Nẵng, khi được hỏi, ai cũng dành tình cảm quý mến và tôn trọng đối với nhà sưu tập (NST) Dương Thái Bình. Hơn 40 năm gắn bó với cuộc chơi lắm công phu và tốn kém, ông trở thành trưởng lão của giới chơi cổ vật Đà Nẵng. Kiến thức về thú chơi này của NST Dương Thái Bình được một người bạn vong niên truyền lại.
Ngày trước vốn làm bên cung ứng tàu biển, thu nhập cao, khi đã đam mê, có bao nhiêu tiền ông cũng chỉ đắp vào đồ cổ. Đến bây giờ, bộ sưu tập của ông lên tới vài trăm món. Phần lớn trong số đó là các loại gốm sứ Trung Hoa đời Minh, Thanh, gốm sứ Nhật Bản, gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ từ Champa đến Chu Đậu, đồ sứ ký kiểu nhà Nguyễn…, còn lại là ít đồ đồng, đồ đá cổ. Tuy giá trị từng món không quá lớn, món nhiều nhất cũng chỉ trên dưới 100 triệu đồng, nhưng chừng đó hiện vật quả là khối tài sản giá trị mà những ai chơi cổ vật của Đà Nẵng đều mong muốn sở hữu. Niềm đam mê của ông cũng lây sang vợ và con, mọi người trong nhà đều ủng hộ và hậu thuẫn cho ông.
“Người sưu tầm cổ vật Đà Nẵng thường học hỏi lẫn nhau là chính. Ngoài đọc thêm sách vở thì cũng cần phải thực tế, chứ không dễ lý thuyết suông, mua trúng đồ giả lắm!”, ông Bình chia sẻ. Mang đến trưng bày trong triển lãm lần này, ông chọn bộ sưu tập 7 món gồm các loại độc bình, đỉnh có nắp và đôn Nhật Bản thế kỷ thứ 19 với hoa văn công phu, tinh xảo, đẹp hút hồn.
|
|
Thắp hương thờ đồ cổ
Đến đất Tây Giang (Quảng Nam), cả những xã biên giới giáp Lào của vùng cao khu 7, hỏi về anh Khánh cụt hay Khánh đồ cổ - “nick name” của NST Phạm Phú Khánh - thì ai cũng biết. Để sưu tập những ché, bình cổ quý giá, anh Khánh từng đi mòn lối những cánh rừng miền núi này.
Chọn cho mình hướng đi chuyên về sưu tập sành sứ Việt và Trung Hoa suốt 30 năm qua, NST Phạm Phú Khánh trở thành địa chỉ quen thuộc của những ai mê và ham chơi loại cổ vật này. Năm 20 tuổi, khi đang trong quân ngũ, chẳng may anh bị thương lúc lao động làm kinh tế ở Kon Tum. Đường đến bệnh viện phải đi gần 1 ngày, vết thương ra máu quá nhiều khiến cánh tay phải bị nhiễm trùng. Bác sĩ buộc phải cưa tay để bảo toàn tính mạng cho anh. Ra quân, về quê lập nghiệp, cơ duyên đưa anh đến với những hiện vật cổ và gắn bó anh đến tận bây giờ, đến mức anh thú nhận rằng: “Không thể tưởng tượng nổi mình sẽ thế nào nếu cuộc đời mình bây giờ không có đồ cổ ở bên”. Không chỉ “nghiện” cổ vật, anh còn sùng bái nó. Vì vậy, trên bàn thờ gia đình, anh khéo léo ốp 4 đĩa cổ dính luôn vào tường và hằng ngày thắp hương thờ nó. Bởi theo anh, “mỗi cổ vật qua các đời đều chất chứa giá trị lịch sử và cả tâm linh, vì vậy cần quý trọng, nâng niu” .
Các cổ vật sành sứ của NST Phạm Phú Khánh tập trung vào nhóm đồ sứ Trung Hoa đời Minh, Thanh, đồ gốm văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, anh Khánh có khá nhiều cổ vật sứ ký kiểu thời Nguyễn. Đây là loại sứ được sản xuất thủ công, do vua quan nhà Nguyễn đi sứ Trung Hoa đặt làm tại các lò gốm sứ theo yêu cầu về mẫu mã, đề tài riêng. Gốm sứ ký kiểu kéo dài trong 400 năm từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn sau này. Nhưng với giới sưu tầm cổ vật, sứ ký kiểu thời Nguyễn có giá trị hơn cả vì nó đẹp, tinh xảo hơn hẳn và rất hiếm. Nếu một đĩa sứ ký kiểu chính hiệu loại nhà vua dùng thì giá trị trên thị trường đồ cổ thường không dưới 1 tỉ đồng. Còn đồ sứ ký kiểu của quan lại triều đình có giá mềm hơn, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Ra mắt công chúng Đà Nẵng, anh Khánh chọn 6 cổ vật gồm nậm rượu, song bình bát giác trong bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của mình để trưng bày tại triển lãm.
“Các NST tư nhân chúng tôi mong mỏi làm sao mỗi năm Đà Nẵng tổ chức triển lãm được 1 lần để cùng công chúng thưởng lãm, đồng thời cũng là cách để phát triển phong trào chơi cổ vật, góp phần gìn giữ văn hóa”. NST Dương Thái Bình |
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)