>> Cổ vật Kỳ Duyên - Kỳ 3: Vết chém trên tượng Bắc đế
|
Cổ vật suýt bị bán phế liệu
Dòng chữ khắc quanh khẩu thần công hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng TP.Tam Kỳ cho biết Võ công tướng quân, tên khẩu súng, được đúc từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822). “Tướng quân” này xếp ở vị thứ 92 trong tổng số 300 khẩu súng thần công đúc cùng đợt, và được Nghĩa hội Quảng Nam sử dụng trong giai đoạn hưởng ứng chiếu Cần Vương kháng Pháp. Vậy mà cổ vật nặng 130 kg, dài 1,8 m có niên đại hơn 190 năm kia suýt bị xẻ thành từng mảnh.
Chuyện xảy ra khoảng 20 năm trước. Ông Thái Văn Sử (xã Tam Vinh, H.Phú Ninh, Quảng Nam) tìm thấy súng đồng khi rà phế liệu tại khu vực đội 2 Hợp tác xã số 3 Tam Dân. Lúc công an vào cuộc điều tra, ông Sử đã kịp bán cho bà Nguyễn Thị Thắng (ở thôn 3, xã Tam Dân). Hồ sơ vụ việc ghi rõ: bà Thắng cứ quanh co chối cãi nhằm cố tình biển thủ súng đồng. Lời khai mơ hồ đã khiến ban chuyên án tung trinh sát đến TP.HCM, Huế, Quảng Ngãi rồi vòng về Quảng Nam, các nơi mà bà Thắng liệt kê. Gần 1 tháng sau, công an mới lật tẩy được trò gian dối, buộc đương sự chỉ ra nơi cất giấu vật chứng.
|
Chuyên án thành công, cổ vật được bảo toàn nhưng gây tốn kém lớn khi phải điều tra kéo dài. Súng bị bán đồng nát 3,4 triệu đồng, ngốn của lực lượng trinh sát đến 19 triệu đồng - số tiền không nhỏ vào năm 1995. Dẫn chúng tôi đi xem cổ vật, ông Phan Xuân Anh (Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Tam Kỳ) khoe rằng khẩu thần công quý hiếm đã gây chú ý cho nhân dân trong vùng suốt 10 năm liền từ 1995 đến 2005.
Uy dũng súng đồng
Khu vực tìm thấy Võ công tướng quân cách không xa sơn phòng Dương Yên (xã Trà Dương, H.Bắc Trà My bây giờ), nơi tiến sĩ Trần Văn Dư được triều đình Huế phái về nhậm chức sơn phòng sứ để lo việc khởi binh ở Tả trực kỳ, tức các tỉnh phía nam kinh thành Huế. Khi cụ Trần Văn Dư tâu xin tu bổ hệ thống sơn phòng ở Quảng Nam, triều đình nhà Nguyễn đã cho chuyển vào 100 gánh vàng bạc, mỗi gánh 2 hòm, mỗi hòm 100 thỏi để dùng khi chiến sự xảy ra. Cứ liệu này được nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng dẫn trong cuốn Trần Văn Dư với phong trào Nghĩa hội (NXB Văn hóa thông tin - 2001). Việc bố phòng không chỉ có tiền bạc, súng ống mà còn chuẩn bị cả muối, gạo... chở vào dự trữ. Sơn phòng Dương Yên trở thành mắt xích trọng yếu, tạo nên thượng đạo nối với Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tiếc rằng, sau khi Dương Yên và nhiều nơi khác thất thủ, Nghĩa hội cũng tan rã.
Khẩu Võ công tướng quân đã làm thức dậy ký ức những trận chiến mà Nghĩa hội Quảng Nam từng kinh qua. Khoảng tháng 1.1886, vùng giáp ranh giữa Phú Ninh - Tiên Phước xảy ra trận đánh lớn khi quân Pháp và Nam triều tổ chức đánh lên phòng tuyến Nà Lầu - Suối Đá. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, nghĩa quân đã lăn đá từ trên cao xuống và nổ súng, sau đó xông ra cận chiến. Tuy nhiên, cuối cùng quân Nghĩa hội Quảng Nam không chống cự nổi phải rút lui, bỏ lại cả súng thần công... Phải chăng Võ công tướng quân bị “lưu lạc” từ trận đó? Hay trận Trà Kiệu hồi tháng 9.1885, nghĩa quân sử dụng “các loại súng lớn” từ mỏm đồi nã đạn vào đài chỉ huy làm thủng căn phòng linh mục Bruyde. Giai đoạn 1886 -1887, Nghĩa hội cũng bố phòng súng thần công tại đèo Phường Rạnh (H.Quế Sơn) để bảo vệ Tân tỉnh và ngăn quân Pháp, quân Nam triều tấn công. Tương truyền, sau khi thất thủ, nghĩa quân đã đẩy các khẩu thần công xuống sông Thu Bồn.
Chỗ “ẩn mình” của các khẩu thần công dưới sông Thu Bồn, người dân địa phương tôn kính gọi là vực Ông Súng. Tất cả mất hút theo thời gian, thi thoảng dấu tích của Nghĩa hội Quảng Nam mới được nhắc lại bởi một sự phát hiện tình cờ nào đó, chủ yếu thông qua những người... rà tìm phế liệu.
Võ công tướng quân là khẩu thần công bằng chất liệu đồng duy nhất được tìm thấy tại Quảng Nam. Trong khi đó, một khẩu khác hiện lưu giữ tại Trung tâm VH-TT H.Quế Sơn cũng bằng đồng và được cho là đúc từ “thời nhà Nguyễn”, nhưng lai lịch chưa rõ ràng. Hiện vật này do một người rà phế liệu tên là Văn Phú Lưu phát hiện ở địa bàn xã Quế Hiệp, rất may sau đó ngành chức năng kịp phát hiện, thu giữ. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm
>> Cổ Vật Kỳ Duyên: Tìm chân cho tượng Shiva
>> Đúc trống đồng, súng thần công dâng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Súng thần công bắn tiểu hành tinh
>> Phát hiện súng thần công gần 200 tuổi
Bình luận (0)