|
Bí ẩn từ lòng đất
Cùng với việc bị thời gian bào mòn qua hàng trăm năm tồn tại, tấm bia do không được bảo quản tốt đã khiến các ký tự bị phai mờ. Tài liệu nghiên cứu về tấm bia hiện nay hầu hết dựa trên bản dập bia của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và dựa vào bài viết Chùa Long Thủ ở Tourane (Đà Nẵng) của Henri Cosserat, đăng trên tạp chí B.A.V.H (Những người bạn cố đô Huế) năm 1920. Học giả người Pháp này là người đầu tiên tiếp cận văn bia với những mô tả chi tiết từ hình thức bia cho đến nội dung văn khắc bằng Hán tự. Nếu ông không “phát hiện” lại tấm bia thì có thể nhiều thông tin quý giá về ngôi chùa cũng như lịch sử những ngày đầu mở mang bờ cõi về phía nam của vua Lê sẽ bị chôn giấu.
Trong bài viết của mình, Henri Cosserat cho biết: “Chẳng có gì thú vị nếu như tôi không thấy tấm bia bị vỡ thành 2 mảnh gần như đều nhau. Phần mảnh trên tựa vào phần mảnh dưới. Tôi gắn lại 2 mảnh với nhau dễ dàng và tấm bia trở lại như xưa kia”. Học giả này đã mô tả tấm bia có hình tam giác mũi tròn (như cái chuông úp), cao 1,25 m và rộng 1,2 m. “Loại đá này cùng với màu sắc của nó giống như loại đá mà người dân Chăm Pa dùng để xây dựng những di tích của mình”, ông viết. Từ đó, ông đưa ra giả thiết nguồn gốc của bia là một bức phù điêu dạng lá nhĩ (Tympan) vốn được dùng làm vật trang trí trên vòm cửa của một tháp Chăm xưa nào đó. “Và người dân An Nam đã xóa nội dung chạm trổ trên ô trám đó, rồi thay vào bài khắc của mình”, Henri Cosserat nhận định.
Qua trải nghiệm thực tế và thông tin Henri Cosserat có được nhờ phỏng vấn người dân địa phương, ông đã nhận định tấm bia là di tích cuối cùng của một ngôi chùa cổ có tên Long Thủ (sau này đổi tên thành chùa An Long) được dựng năm 1653 do chính bàn tay của người dân Đà Nẵng. Thượng tọa Thích Đồng Nghĩa, trụ trì chùa An Long, cho biết nhiều đời trụ trì trước kể rằng tấm bia được tìm thấy từ lòng đất vào năm 1903. Sau khi phát lộ, các vị cao niên đã mang bia ra dựng trước cổng Tam quan của chùa. “Và rồi cứ để đó vì không ai đọc được ý nghĩa. Chỉ đến khi học giả Pháp dịch được, họ mới giật mình vì văn khắc cho biết nhiều câu chuyện lịch sử giá trị”, thượng tọa nói.
|
Đức phật hiển linh hình đầu rồng
Theo lý lịch di tích của Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) lập vào năm 1991, tấm văn bia được dựng ngày 1.4.1654, tức năm Thịnh Đức thứ 5 (đời vua Lê Thần Tông). Bài khắc có 368 chữ Hán, trong đó 6 chữ lớn khắc theo đường ngang đóng khung riêng ghi Lập thạch bi Thủ Long tự. Ở mặt sau của bia có trang trí hoa văn nhưng không có chữ. Cách thức trang trí kiểu cổ điển với quả cầu lửa, hoa văn hình dây buông thõng, hoa sen, hình con nghê... Người khắc Hán tự là ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu, phủ Điện Bàn.
Tài liệu lưu hành nội bộ của chùa An Long dẫn bài viết Văn bia chùa Long Thủ (sách Quảng Nam và những vấn đề sử học) cho hay, tác giả Nguyễn Sinh Duy đã dựa vào bản tiếng Pháp của học giả Henri Cosserat để dịch văn bia ra chữ quốc ngữ với nội dung kể về sự hiển linh của đức Phật trước khi xây dựng chùa. “Xưa, nơi đây Đức Phật từng ứng cảm giá hộ cho những người bất hạnh, từng ứng hiện nhiều quyền lực siêu nhiên và có lúc đã thị hiện khuôn mặt đầu rồng (long thủ). Do vậy các tín chủ thường cầu nguyện tại chốn này. Ông Trần Hữu Lễ, Cai hợp Ty Tướng Thần Lại, dân sở tại phát tâm và hoài vọng muôn ơn, dâng cúng một thửa vườn do ông bà để lại, cất lên tịnh xá cho các thầy chùa trú ngụ”, trích bản dịch.
Tấm văn bia ngoài việc kể về sự kỳ duyên để cất chùa còn ghi rõ những người phát tâm cúng dường, những vị chức sắc địa phương đồng tình dựng chùa như: vợ chồng Cai thuộc Hội chủ Nguyễn Văn Châu, vợ chồng Cai hợp Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Lễ, Lại ty Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Kỷ, xã trưởng Phạm Văn Ngao. Đánh giá về giá trị khoa học, lịch sử của tấm bia, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cho rằng, bài khắc trên bia gắn liền với lịch sử người Việt trong giai đoạn đầu mở mang bờ cõi về phía nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. “Trải qua chiến tranh, ngôi chùa cũ không còn nữa nhưng tấm bia này là một di tích quan trọng minh chứng cho sự hiện hữu của ngôi chùa ngày xưa. Văn bia là một văn bản có giá trị góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương”, trích lý lịch tấm bia.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, khi nhận xét về giá trị tấm bia chỉ nói gọn: “Bia tại chùa An Long là tấm bia cổ nhất Đà Nẵng. Chỉ mỗi tấm bia mà được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia thì đủ hiểu mức độ giá trị của nó như thế nào”. Trong khi đó, thượng tọa Thích Đồng Nghĩa cho hay, mặc dù được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích vào năm 2009 nhưng đến nay, tấm bia vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Bia ngày càng xuống cấp, trong khi lại đặt ở vị trí gần cổng Tam quan trông rất nhếch nhác. Nguyện vọng của nhà chùa là mong bộ, ngành T.Ư cho phép chùa di dời tấm bia về một vị trí khác để bảo quản và tôn vinh tốt hơn”, sư thầy nói.
Bình luận (0)